Chủ Nhật, 1/10/2023, 23:08
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Bài toán kiểm soát nợ công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán kiểm soát nợ công

(TBKTSG) – Các cuộc thảo luận tại Quốc hội cuối tuần qua đã “nóng” lên với vấn đề nợ công, nợ quốc gia. Đây không phải là lần đầu tiên đại biểu Quốc hội được Chính phủ thông tin công khai về con số nợ công và tỷ lệ nợ công trên GDP nhưng các con số được công bố tuần trước mang ý nghĩa cảnh báo cấp bách trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang lâm vào nguy cơ phá sản vì nợ công.

Công khai nợ công là điều cần thiết và đã được đưa vào luật. Ở một số nước phát triển, nợ công không phải là “bí mật quốc gia”, thậm chí đồng hồ ghi nợ công còn được lắp đặt ở nơi công cộng và chính phủ các nước đó còn mở trang web cho người dân tra cứu chi tiết vì quan niệm rằng người dân có trách nhiệm phải biết vì họ tham gia đóng thuế để trả nợ.

Tuy nhiên, có sự không thống nhất trong nhận định về mức độ an toàn nợ công ở Việt Nam. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đều cho rằng nợ công ở Việt Nam bằng 41,9% GDP là đang ở mức an toàn. Trong lúc đó, một số đại biểu Quốc hội cho rằng con số thực đã “quá ngưỡng an toàn”, đáng “báo động”.

Thực ra đánh giá nợ công theo tỷ lệ trên GDP không hẳn là chính xác vì sự an toàn còn lệ thuộc điều kiện “sức khỏe” kinh tế từng nước. Có những nước tỷ lệ nợ quốc gia cao hơn GDP rất nhiều nhưng không đáng lo vì công nghiệp nước họ phát triển mạnh nên được vay với lãi suất thấp, trái phiếu chính phủ được nước ngoài tìm mua.

Trong lúc đó, nguồn thu của nước ta chủ yếu dựa vào xuất khẩu tài nguyên gia công chế biến; chỉ số ICOR ngày càng cao (năm 2007: 5,2, năm 2008: 6,6, năm 2009: trên 8) và phần lớn vốn ODA dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hồi vốn rất chậm, thậm chí có những dự án không có khả năng hoàn vốn. Đây là thách thức to lớn trong việc kiểm soát nợ và trả nợ đúng hạn trong tương lai.

Sự lo lắng của nhiều người không phải không có lý do trước sự xuất hiện của những “siêu dự án” như dự án mở rộng Thủ đô Hà Nội (90 tỉ đô la), đường sắt cao tốc Bắc-Nam (56 tỉ đô la)… mà khả năng thu hồi vốn rất thấp. Chỉ riêng chuyện giao thông, bên cạnh việc làm đường sắt cao tốc, chúng ta còn muốn làm đường bộ cao tốc Bắc-Nam, làm sân bay mới (sân bay Long Thành)… thì vốn đầu tư sẽ rất dàn trải và nhỏ giọt nếu triển khai cùng lúc. Người dân không biết trật tự ưu tiên của các dự án đầu tư. Tổng khoản nợ nước ngoài hiện nay của chúng ta trên 30 tỉ đô la, chỉ cần vay thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam cũng đã lớn hơn mọi khoản nợ cộng dồn lại từ trước đến nay.

Những thông tin về nợ công của Chính phủ vừa qua mới chỉ dừng ở những con số khái quát, trong khi đại biểu Quốc hội, người dân muốn biết cụ thể các khoản nợ đó. Lâu nay, trong bối cảnh kinh tế nước ta mới phát triển, tạo được sự tín nhiệm trong cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế để vay nợ là cực kỳ cần thiết. Bây giờ, đã đến lúc phải rà soát lại các khoản nợ, xây dựng chiến lược nợ quốc gia, kiểm soát được nợ, sử dụng vốn vay có hiệu quả vào các dự án, trả nợ đúng hạn để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không để lại gánh nặng cho các thế hệ sau.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới