Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bài toán vốn gián tiếp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán vốn gián tiếp

Các nhà đầu tư nước ngoài ở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM-Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) - Chính phủ đã quan tâm hơn đến việc quản lý luồng vốn gián tiếp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Thông báo số 91/TB-VPCP đã chỉ đạo các cơ quan thống nhất các giải pháp nhằm kiểm soát tốt luồng vốn ngắn hạn, kể cả đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Ẩn số

Vốn gián tiếp đã và sẽ vào hay ra khỏi Việt Nam là bao nhiêu? Không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Bởi Việt Nam hiện có ít nhất ba cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ liên quan đến quản lý luồng vốn này và hiện có đến hàng chục văn bản pháp luật liên quan đến quản lý vốn gián tiếp, gồm Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, các quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Tổ chức tín dụng. Một quy định mới khác: Dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng vừa được Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ tuần qua.

Đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam của các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài hiện thông qua hai hình thức pháp lý là đầu tư thông qua văn phòng đại điện và nhân viên làm việc tại các văn phòng này; đầu tư ủy thác thực hiện giao dịch thông qua các đại diện giao dịch ủy quyền. Theo Luật Quản lý ngoại hối, các quỹ đầu tư đăng ký mở tài khoản qua hệ thống ngân hàng và các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đăng ký mở tài khoản giao dịch chứng khoán bằng tiền đồng qua các công ty chứng khoán.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện có khoảng 60 quỹ đầu tư lớn, nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam. Giới chuyên gia ước tính có khoảng vài chục quỹ đầu cơ (hedge fund) trên thị trường Việt Nam nhưng không lớn và cũng vẫn dừng ở mức hoạt động cầm chừng.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban Quản lý quỹ - UBCKNN, hiện nay tại TTCK Việt Nam đã có trên 10.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có trên 640 tài khoản của các tổ chức. Chiếm số lượng đáng kể trong các tài khoản của tổ chức là các quỹ đầu tư ở nước ngoài (offshore). Vào thời điểm tháng 2-2008, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chính thức khoảng 8 tỉ đô la, song hiện đã có sự sụt giảm.

Theo thống kê cán cân thanh toán của NHNN qua hai tháng đầu năm 2008, đầu tư gián tiếp đạt 760 triệu đô la Mỹ, đầu tư trực tiếp là 970 triệu và kiều hối là 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Việc đầu tư gián tiếp trên TTCK Việt Nam hiện được cho là khá thoáng so với nhiều nước bởi các hạn chế về chuyển vốn chưa được áp dụng. Điều này khiến không ít ý kiến gần đây tỏ ra lo ngại nếu luồng vốn gián tiếp có sự đảo chiều.

“Quản lý vốn gián tiếp đang là vấn đề lớn. Nếu ta không quản lý được các tài khoản vốn và dòng tiền gián tiếp một cách đồng bộ, linh hoạt thì giả thiết có biến cố xảy ra, thị trường tài chính sẽ rất nguy hiểm”. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà đã phát biểu tại Hội nghị giữa Thủ tướng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về những giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát mới đây.

Tuy UBCKNN đã khẳng định chưa có các dấu hiệu xấu về vốn gián tiếp tại Việt Nam, song ông Trần Bắc Hà cũng nhắc tới việc các định chế tài chính toàn cầu đang cắt giảm hạn mức cho các nước do mức độ rủi ro, các quỹ đầu cơ của Mỹ đang rút tiền từ một số thị trường về để giải quyết các khoản lỗ.

Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy nói với TBKTSG rằng, đáng lý ra chúng ta đã phải có biện pháp giám sát dòng vốn gián tiếp từ một năm trước. Ít nhất là xây dựng ngay các cơ chế đồng bộ quản lý và giám sát, có biện pháp quản lý dòng tiền vào ra trên tài khoản vốn và nên thường xuyên có sự phân tích, đánh giá, dự báo về dòng vốn này.

Thực tế cho thấy, dòng vốn gián tiếp luôn là bài toán khó với biến số thay đổi liên tục không dễ giải. Các nước quanh Việt Nam đã áp dụng những cách quản lý cứng, tốn kém nhưng vẫn gây những thiệt hại không nhỏ khi dòng vốn này đảo chiều.

Quy định mới

Dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đã được Bộ Tài chính gửi đến Chính phủ tuần qua. Quy chế này lần đầu tiên hướng dẫn hoạt động đầu tư của tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài; hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Đáng chú ý, theo quy chế này, nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện đầu tư trên TTCK Việt Nam dưới các hình thức trực tiếp mua chứng khoán và đầu tư thông qua việc ủy thác quản lý vốn đầu tư cho công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, họ sẽ phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với UBCKNN hoặc Trung tâm Lưu ký chứng khoán thông qua thành viên lưu ký (và việc này sẽ không đơn giản như trước).

Nhà đầu tư có thể ủy quyền cho công ty chứng khoán đặt lệnh giao dịch chứng khoán tại trung tâm, sở giao dịch chứng khoán hoặc giao dịch thỏa thuận tại các công ty chứng khoán, nhưng không được ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác.

Tất cả nhà đầu tư nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một tổ chức tín dụng được hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam và chỉ được sử dụng các nguồn vốn tại tài khoản đó để thực hiện các hoạt động đầu tư chứng khoán.

Quy chế mới khẳng định, mỗi nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mở một tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Mọi giao dịch chuyển tiền để thực hiện việc góp vốn, mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chuyển nhượng vốn góp trong các hoạt động đầu tư, các thanh toán khác liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài; nhận và sử dụng cổ tức, lợi tức được chia, mua ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam để chuyển ra nước ngoài và các giao dịch khác có liên quan đều phải thực hiện thông qua tài khoản này. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ được phép mở một tài khoản lưu ký chứng khoán và mọi bút toán thanh toán đều phải được thực hiện qua tài khoản này.

Với các văn phòng đại diện của tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam, họ chỉ được mở tài khoản chuyên chi bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng đại diện.

Các nhân viên làm việc tại văn phòng đại diện không được trực tiếp thực hiện, hay thay mặt cho tổ chức nước ngoài tham gia điều hành, quản lý các công ty, quản lý các dự án hợp tác, thực hiện các hợp đồng thỏa thuận ký kết giữa tổ chức nước ngoài với đối tác Việt Nam, thực hiện các hợp đồng giao dịch tài sản, không được thay mặt cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam và phải báo cáo hoạt động định kỳ hàng tháng, quí, năm cho UBCKNN.

Quy chế này dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt trong quí 2 và ngay sau đó, nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp mã số giao dịch chứng khoán phải bổ sung các thủ tục còn thiếu. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động, giao dịch đầu tư thông qua hình thức ủy quyền qua các cá nhân tại Việt Nam phải chấm dứt việc ủy quyền và báo cáo UBCKNN.

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động, giao dịch đầu tư thông qua hình thức ủy quyền qua các văn phòng đại diện, nhân viên làm việc tại các văn phòng đại diện phải chấm dứt việc ủy quyền. Văn phòng đại diện được nhận ủy quyền đặt lệnh của công ty mẹ và phải thực hiện chế độ báo cáo cho UBCKNN.

Dài hơi

Với nội dung dự kiến, Quy chế này được cho là một bước nhảy trong việc quản lý vốn gián tiếp và không gây sốc. Tuy nhiên, về lâu dài, bên cạnh các quy định mang tính đóng khung của pháp luật, các chuyên gia nói rằng Chính phủ cần có những biện pháp dài hơi để giữ dòng vốn gián tiếp một cách thuyết phục hơn.

So với vốn đầu tư trực tiếp thì vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn ở mức thấp, khoảng 2-3% GDP trong khi tỷ lệ này ở nhiều nước còn lên tới vài chục phần trăm. Vì thế, việc khơi thông và duy trì dòng vốn này thực sự cần thiết.

Đã có những ý kiến cho rằng nên đánh thuế cao, thu lệ phí, bắt cam kết hoặc thậm chí cấp hạn ngạch theo danh sách phân loại đối tượng dựa trên tiêu chí qui mô vốn, thời hạn với vốn gián tiếp, nhưng theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, một đề án phát triển thị trường chứng khoán bền vững, tập trung vào các giải pháp dài hạn như cải cách kinh tế mạnh mẽ rất cần thiết vì luồng tiền từ thị trường chứng khoán rút ra chủ yếu xuất phát từ tình trạng mất cân đối kinh tế.

Ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đầu tư chứng khoán, UBCKNN cho rằng, sự kết nối giữa nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài và cơ hội đầu tư rất yếu. Số lượng công ty chứng khoán có khả năng cung cấp thông tin tài chính Việt Nam bằng các ngôn ngữ chính như Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn... chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các rào cản về ngôn ngữ và thông tin đã hạn chế các dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

n cạnh đó, cần nhanh chóng có biện pháp xếp hạng tín nhiệm với 4 đối tượng: Các công cụ nợ dài hạn, xếp hạng tiền gửi và khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại quốc doanh và thương mại cổ phần Việt Nam, xếp hạng các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn đã và đang tiến hành cổ phần hóa, các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xếp hạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam.

“Việt Nam cần có sự kiểm soát sự vận động tài khoản vốn và thị trường vốn, kịp thời nhưng cứng rắn; gấp rút bổ sung dự trữ ngoại hối đủ lớn để tránh các cú sốc khi dòng vốn ngoại đảo chiều”, ông Hà nói.

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới