Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bài toán xử lý nước thải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bài toán xử lý nước thải

Phi Tuấn

Công nhân Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư Thương mại Thành Công vận hành hệ thống xử lý nước thải – Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2009, công bố hồi tháng 6 năm nay, khoảng 70% trong số hơn 1 triệu mét khối nước thải trong ngày từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý. Hiện bài toán về sự cân bằng giữa môi trường và kinh tế đang khiến cả cơ quan quản lý lẫn giới doanh nghiệp đau đầu.

Phạt và né

Hồi cuối tháng 9, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố phạt Công ty cổ phần In Vườn Lài, quận 10, số tiền 185 triệu đồng vì doanh nghiệp này chưa có hệ thống xử lý nước thải. In Vườn Lài nằm trong số bốn công ty bị Sở TNMT kiến nghị xử phạt. Ba doanh nghiệp còn lại là Công ty Dệt may Gia Định – Phong Phú bị phạt 6 triệu, Tương Lai Xanh và Ngọc Phú mỗi doanh nghiệp 25 triệu đồng.

Còn với Công ty cổ phần Thuộc da Hào Dương, các nhà quản lý thành phố đã không biết bao nhiêu lần họp bàn cách xử lý. Số tiền phạt 170 triệu đồng đối với công ty này vào cuối tháng 9 vừa qua chỉ là biện pháp xử lý gần đây nhất.

Ở các địa phương khác, tần suất phát hiện các vụ vi phạm môi trường và bị phạt cũng xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày càng cao. Chẳng hạn mới hồi đầu tháng 10 này, Pangrim Neotex ở Phú Thọ đã bị phạt 370 triệu đồng hay Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise bị phạt hơn 200 triệu đồng…

Nhưng việc phạt tiền dường như vẫn chưa đủ sức nặng khiến các doanh nghiệp chấm dứt các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Số tiền phạt theo Nghị định 117, áp dụng từ tháng 3 năm nay, dù được đánh giá là cao, gấp 7 lần so với mức phạt cũ, mức tối đa 500 triệu đồng, nhưng so với việc phải đầu tư hệ thống nước thải, chiếm khoảng 20-25% tổng vốn đầu tư, chưa kể chi phí vận hành, thì việc nộp phạt đối với nhiều doanh nghiệp vẫn “kinh tế” hơn.

Một số doanh nghiệp đã tìm đủ cách đối phó. Những vụ xả thải khi nửa đêm, lúc trời mưa, hay xả thải nhân lúc thủy triều lên, theo các chuyên gia, là rất phổ biến.

Cũng có những doanh nghiệp đối phó bằng cách kết hợp xây chung một hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành. Chỉ khi có đoàn kiểm tra, họ mới cho hệ thống hoạt động. Nếu một doanh nghiệp trong nhóm bị lập biên bản, phải nộp phạt thì các doanh nghiệp khác sẽ cùng góp tiền để nộp.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở TNMT TPHCM, cho biết nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp đột xuất. Đoàn đã bị chặn lại ở cổng cả tiếng đồng hồ vì lý do bảo vệ phải xin ý kiến giám đốc hoặc giám đốc bận họp, đi công tác. Nhiều lúc đoàn kiểm tra phải chờ, và khi vào kiểm tra thì không phát hiện vi phạm. Chất thải không tìm thấy, doanh nghiệp ngưng hoạt động, công nhân rút đi hết. Đối với doanh nghiệp có hệ thống xử lý chất thải thì chừng đó thời gian cũng đủ để vận hành hệ thống. Và đến lúc đoàn kiểm tra đi, mọi việc đâu lại vào đấy.

Cách nào?

Hồi tháng 9, Công ty FrieslandCampina Việt Nam ở Bình Dương đã đầu tư hơn 2 triệu euro xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt loại A. Mỗi ngày, công ty phải chi thêm 100 triệu đồng cho công tác vận hành hệ thống này.

Những con số trên khiến ngay cả doanh nghiệp lớn cũng phải đau đầu, huống chi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện đang chật vật trong bài toán cạnh tranh sản phẩm, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn.

Đối với các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất trong khu dân cư, chi phí đầu tư hệ thống nước thải là rất lớn, ít thì cũng 10 triệu đồng/mét khối, nhiều thì gấp đôi số đó. Còn trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp có thể đấu nối với hệ thống xử lý nước thải chung, và phải trả phí. Gần đây, tại một số khu công nghiệp, mức phí này đã tăng khá cao. Để xử lý nước thải loại C sang loại B, doanh nghiệp phải trả 4.000 đồng/mét khối, và để xử lý từ loại B sang loại A, doanh nghiệp phải chi thêm 4.000 đồng/mét khối, chưa kể 2.000 đồng phí quản lý, tựu trung cũng phải mất 10.000 đồng/mét khối nước thải.

Các chuyên gia cho rằng việc xử phạt doanh nghiệp vi phạm môi trường chỉ là phần ngọn của vấn đề. Mấu chốt nằm ở chỗ trước đây với chủ trương kêu gọi đầu tư, các doanh nghiệp được cấp phép ồ ạt, bỏ qua vấn đề môi trường, dẫn đến việc môi trường ngày một ô nhiễm. Đến nay, khi vấn đề môi trường được siết lại, doanh nghiệp cảm thấy lúng túng. Theo các doanh nghiệp, đây đang là “vấn đề nóng và bí” của họ, và hễ có đoàn kiểm tra xuống là doanh nghiệp sẽ bị xử phạt, vì “tìm đâu cũng ra sai phạm”.

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Văn Khương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TNMT, cho rằng áp dụng việc phạt tiền đối với doanh nghiệp vi phạm môi trường là biện pháp cực chẳng đã. Theo ông, dù có phạt 500 triệu hay 1 tỉ đồng đi nữa, thì cũng không mấy tác dụng, thậm chí tác dụng ngược. Bởi lẽ doanh nghiệp có thể bỏ tiền ra nộp phạt, nhưng hậu quả môi trường thì vẫn không được xử lý, và thiệt hại đó còn lớn hơn nhiều so với số tiền phạt.

“Đầu tư cho môi trường chiếm một số vốn lớn trong tổng giá trị đầu tư của dự án, chưa kể chi phí vận hành, vì thế nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay thường bỏ qua, hoặc đầu tư chưa thỏa đáng”, ông Khương nói. Và theo ông, đối với việc bảo vệ môi trường, công cụ kinh tế không phải là điều tiên quyết, mà phải vận động ý thức của toàn xã hội và phải làm một cách liên tục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới