Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bàn cách thu thủy lợi phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bàn cách thu thủy lợi phí

Thùy Dung

Bàn cách thu thủy lợi phí
Nước Kênh Đông dẫn từ hồ Dầu Tiếng. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, một hội thảo được tổ chức hôm nay, 6-4 tại Hà Nội để bàn cách thu thủy lợi phí để khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về định giá dịch vụ nước trong sản xuất nông nghiệp” diễn ra ngày 6-4 tại Hà Nội, thu thủy lợi phí sẽ góp phần nâng cao ý thức tiết kiệm nước của người dân, tạo động lực chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sử dụng nước tiết kiệm. Đây cũng là chính sách quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Bao cấp thủy lợi phí không còn hiệu quả

Theo giáo sư R. Quentin Grafton, trường Crawford về chính sách công thuộc Đại học quốc gia Úc, hàng năm nông nghiệp trồng trọt sử dụng khoảng 70% tới 90% lượng nước ngọt trên thế giới. Tùy theo cách thức tưới tiêu và cách vận hành tưới tiêu, lượng nước mất đi từ việc chuyên chở, phân phối nước nông nghiệp và nước bốc hơi chiếm khoảng 30% tới 90% lượng nước sử dụng.

Do đó, để ứng phó với việc khan hiếm nước ngày càng tăng trên thế giới, các nhà làm chính sách quan tâm đến việc thay đổi cách định giá nước dùng trong nông nghiệp. Một cách định giá nước phù hợp phản ánh sự khan hiếm nước sẽ giúp cho việc phân bổ nước nông nghiệp có hiệu quả, khuyến khích tiết kiệm nước.

Đồng tình về quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng thừa nhận, một trong những yếu kém của ngành thủy lợi là hiệu quả quản lý và sử dụng công trình thủy lợi thấp. Trong đợt hạn hán vừa qua, có những vùng hoàn toàn có thể khắc phục được hạn hán nếu quản lý nước tốt. Để thúc đẩy quản lý nước hiệu quả, không chỉ có sự đầu tư của nhà nước mà phải huy động được sự tham gia của toàn dân, của khu vực tư.

“Việc định giá nước là hành động chính sách để người dân nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tạo động lực chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sử dụng tiết kiệm nước. Đây là hành động quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, ông Thắng nói.

Theo TS Đặng Ngọc Hạnh từ Viện kinh tế và quản lý thủy lợi, hiện chính sách miễn thủy lợi phí vừa không hiệu quả vừa khó huy động khu vực tư nhân tham gia, khó thực hiện chủ trương xã hội hoá thuỷ lợi theo nền kinh tế thị trường. Tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động yếu kém, nhiều địa phương tan rã, nên việc quản lý phân phối nước gặp rất nhiều khó khăn.

“Miễn giảm thủy lợi phí kèm chính sách đầu tư công lĩnh vực thủy lợi và chính sách hỗ trợ khác (hỗ trợ đất trồng lúa) khiến ngân sách nhà nước tốn kém rất lớn để tạo ra gạo giá rẻ xuất khẩu. Vô hình chung chúng ta đang lấy ngân sách nhà nước để có gạo giá rẻ bán cho nước ngoài”, ông Hạnh nói.

Sẽ thu như thế nào?

Theo ông R. Quentin Grafton, có ba phương thức định giá nước phổ biến. Một là, định giá nước dựa trên lượng nước sử dụng. Phương pháp này đòi hỏi nhà quản lý nước phải xác định giá cho mỗi đơn vị nước sử dụng, theo dõi lượng nước sử dụng và đi thu tiền.

Hai là, định giá nước dựa trên sản lượng lương thực và các đầu vào khác, phổ biến là dựa trên diện tích hay giá trị của đất sử dụng. Cách định giá này có lợi thế là chi phí quản lý thấp, tuy nhiên không tạo ra sự khích lệ người nông dân trong việc tiết kiệm nước.

Cuối cùng là định giá nước dựa trên giá cả thị trường. Phương pháp này đòi hỏi phải có một hệ thống trao đổi và những luật lệ liên quan đến việc mua bán nước, kết hợp với việc giám sát sự vận hành của hệ thống một cách phù hợp và một khả năng yêu cầu các đối tác thị trường phải tuân thủ luật lệ. Theo phương thức này, giá nước sẽ phụ thuộc vào quan hệ giữa cung và cầu nước.

GS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho hay để đưa nước trở thành hàng hóa, quản lý theo quy luật thị trường còn nhiều vấn đề phải làm. Ở các nước, người ta định ra giá nước cho nhu cầu sử dụng như nước để phát điện; nước để tưới cho cây gì, cho ngành nào… trong khi chúng ta vẫn chưa hoàn toàn chủ động được việc này.

Theo TS Đặng Ngọc Hạnh, để có thể thu được thủy lợi phí, trước mắt cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về phân loại công trình thủy lợi và các hình thức tưới tiêu phù hợp, và cần nghiên cứu đề xuất nguyên tắc và phương pháp xác định giá của từng loại sản phẩm dịch vụ thủy lợi.

Đọc thêm:

Hạn, mặn tác động xấu đến kinh tế xã hội

Cần 34.000 tỉ đồng ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới