Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bàn chuyện sản xuất cá tra giống chất lượng cao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bàn chuyện sản xuất cá tra giống chất lượng cao

Trung Chánh

Bàn chuyện sản xuất cá tra giống chất lượng cao
Nông dân Đồng Tháp cho cá tra giống ăn. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Đến nay, Việt Nam đã bán sản phẩm cá tra cho thị trường thế giới được khoảng 20 năm và các nhà chuyên môn trong ngành đang bàn chuyện sản xuất giống chất lượng cao cho loại thủy sản chủ lực này của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại buổi làm việc giữa Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (VIFEP) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp hôm nay (6-9), Viện trưởng VIFEP Nguyễn Thanh Tùng cho biết, đơn vị này được giao nhiệm vụ chấp bút cho đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL”.

Theo giải thích của ông Tùng, sản xuất giống cá tra 3 cấp, có nghĩa là có sự tham gia của viện, trường (cấp 1); trung tâm giống cấp 1 của tỉnh (cấp 2) và cấp 3 là các vùng sản xuất giống của người dân. “Trong đó, viện, trường giữ vai trò nghiên cứu, lưu giữ nguồn gen và tạo ra đàn cá bố mẹ chất lượng cao; Trung tâm sản xuất giống cấp 1 của tỉnh với sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhận cá tra bố mẹ từ viện, trường và sau đó phân phối xuống cấp 3 để sản xuất giống”, ông Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, mục đích của đề án là tạo nguồn giống cá tra có chất lượng, kháng dịch bệnh, tỷ lệ sống cao…, phục vụ cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Bởi, hiện tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 10-15%.

Thông tin tại buổi làm việc, ông Tùng cho hay, đề án được thực hiện 2 giai đoạn, từ năm 2018 đến 2020 và từ năm 2021 đến 2025. Theo kế hoạch, đề án sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 10-2017 và chính thức có hiệu lực kể từ năm 2018.

Theo ông Tùng, ngoài Trung tâm giống thủy sản tỉnh An Giang, hai địa phương khác là tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ cũng được đưa vào danh sách đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng, nâng cấp thành trại giống cấp 1 của tỉnh, trong giai đoạn 2018-2020.

“Trong quá trình xây dựng đề án, chúng tôi cũng đề xuất một loạt chương trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương hoặc xã hội hóa để tháo gỡ khó khăn đang tồn tại trong ngành sản xuất cá tra giống”, ông Tùng thông tin và nói rằng mọi đề xuất phải xuất phát từ thực tiễn của ngành.

Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, số lượng cá tra bố mẹ mà địa phương nhận từ Viện nuôi trồng thủy sản 2 xét về mức độ tăng trưởng thì cơ bản đã đáp ứng được một số tiêu chí, tức cá lớn nhanh, tỷ lệ phi lê đạt cao. “Nhưng, về khả năng kháng bệnh vẫn chưa tốt, vì vậy, về mặt nghiên cứu khoa học cần đầu tư để cá vừa lớn nhanh và có thể kháng được dịch bệnh”, ông Vũ đề nghị.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Mừng, đại diện Công ty Mừng Liêm, một đơn vị sản xuất cá tra giống hiện có 200 đơn vị vệ tinh ở ĐBSCL đề nghị, nên có một quy trình chuẩn, thống nhất trong sản xuất cá tra giống.

Về tình hình xuất khẩu cá tra, năm 1998, sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ chỉ đạt khoảng 200 tấn. Đến năm 2002, xuất khẩu vào Mỹ đã lên đến 20.000 tấn và hiện nay xuất khẩu cá tra vào thị trường này chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra hàng năm của Việt Nam là khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ.

Ngoài thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước ASEAN…, là những nơi tiêu thụ cá tra chủ lực của Việt Nam hiện nay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới