Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán cổ phần Sabeco, những được và mất có thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán cổ phần Sabeco, những được và mất có thể

Lê Vĩnh Triển

Bán cổ phần Sabeco, những được và mất có thể
Lo mất thương hiệu là hợp lý, nhưng thị trường thì chẳng có tình cảm.

(TBKTSG) – Trước hết, có lẽ cần làm rõ là trước khi có thương vụ bán cổ phần vừa qua thì Sabeco (công ty sở hữu thương hiệu bia Sài Gòn) tuy là công ty cổ phần, nhưng Nhà nước nắm đến gần 90% số cổ phần, nên vẫn có thể xem như một doanh nghiệp nhà nước, nên bản chất là công ty của người dân Việt Nam – những người đóng thuế, Nhà nước chỉ là đại diện cho dân(1). Việc được – mất của thương vụ này ảnh hưởng đến chính người dân. 

Chiêu thức mua gom của tỉ phú Thái tại Sabeco

Khi Nhà nước bán 53,59% cho Công ty Việt Nam (Vietnam Beverage) nhưng thực chất có vốn chi phối của một tỉ phú Thái Lan thì về tình cảm, người Việt quan tâm có thể buồn vì mình không còn quyền định đoạt Sabeco, công ty của mình; có thể lo mất cái thương hiệu bia thân thương này nếu nay mai người Thái vì lý do gì đó không thích nó nữa, không cảm thấy nó có lợi về mặt kinh tế nữa thì nó có thể biến mất, hay lai tạp kiểu Chang-Saigon gì đó. Việc truyền thông, báo chí nhấn mạnh quá nhiều vào yếu tố “thôn tính” cũng khiến những người quan tâm càng có ý nghĩ rằng mọi chuyện đã xong và ta đã mất sạch rồi.

Được (có thể)

Lo mất thương hiệu là hợp lý, nhưng thị trường thì chẳng có tình cảm.

Vậy về lý, Nhà nước hay người đóng thuế vẫn còn hơn 30% cổ phần tại công ty mới. Nghĩa là nếu cổ phiếu bia Sài Gòn (với cổ đông mới) lên giá thì tài sản của người dân lên giá. Bia Sài Gòn làm ăn khá giả – chia nhiều cổ tức (vào ngân sách nhà nước) thì người dân cũng hưởng lợi. Như vậy là lợi kép: bán cổ phiếu được giá và bán cho cổ đông kinh doanh giỏi khiến phần vốn của mình cũng tăng giá. Theo lý thuyết thì không ai bỏ 5 tỉ đô la vào một công ty mà không mong nó tăng trưởng, phát triển.

Ngoài ra, một điều tích cực nữa là, tiền bán được cổ phần hay thoái vốn gần 5 tỉ đô la Mỹ cần minh định là tiền của dân, Nhà nước sẽ bị áp lực bởi việc sử dụng, tái đầu tư số tiền này như thế nào cho hiệu quả và minh bạch, cũng như việc tiếp tục là đại diện người dân đối với số hơn 30% cổ phần còn lại.

Mất (có thể)

Đó là những khía cạnh, khả năng tiêu cực có lẽ cũng cần lưu ý:

Thứ nhất, có thể nhận thấy, việc lách các quy định trong thương vụ này khá rõ: Công ty Vietnam Beverage mới thành lập vào tháng 10-2017 và tập đoàn BJC Thái Lan của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi tính trước thương vụ nên chỉ nắm 49% của Vietnam Beverage nhằm “quốc nội hóa” yếu tố nước ngoài giúp Vietnam Beverage không bị giới hạn bởi trần sở hữu cổ phần áp dụng cho công ty nước ngoài, từ đó công ty này có thể mua được hơn 51% cổ phần tại Sabeco(2). Có hay không việc tính trước trót lọt như thế cũng tạo một tiền lệ (giả định trước đây chưa xảy ra) không lành mạnh với môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là chưa kể việc đấu giá nhưng mọi thứ như đã được sắp xếp không thể hiện sự tôn trọng tính thị trường, tôn trọng các nhà đầu tư nhỏ. 

Thứ hai, việc đánh giá thương vụ bán cổ phần Sabeco nêu trên là thành công cũng như cổ đông chủ đạo mới (công ty của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi) luôn muốn tăng trưởng để tất cả các cổ đông (trong đó có cổ đông Việt Nam) cùng có lợi có thể là lạc quan và chưa xem xét đến những tình huống tiêu cực nhất có thể.

Nhà nước sẽ chống đỡ như thế nào trong trường hợp công ty mới này chấp nhận thua lỗ kéo dài để rồi cổ phiếu rớt xuống đủ để họ mua nốt số cổ phần còn lại nhằm sở hữu toàn bộ. Nếu tình huống này xảy ra, Nhà nước Việt Nam (chính xác là ngân sách nhà nước hay người dân) sẽ thất thu một khoản đóng góp lớn vào ngân sách (thuế) hàng năm từ Sabeco trước khi phải bán toàn bộ cổ phần còn lại. Lưu ý rằng trong năm 2016, số thuế mà Sabeco nộp cho ngân sách nhà nước tới 9.400 tỉ đồng(3). Mức nộp ngân sách lớn này liệu có được duy trì? Có thể chưa trả lời được ngay về số nộp ngân sách giảm trong vài năm tới, nhưng có thể nhận định rằng Nhà nước Việt Nam sẽ rất khó có thể rút số vốn còn lại hay bán hết số cổ phần với một giá mà họ có thể hài lòng như vừa rồi. Bài học Coca Cola Vietnam(4) thâu tóm vốn của các đối tác Việt Nam để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài để rồi hơn 20 năm liên tục kinh doanh không có lãi, không nộp ngân sách có thể lập lại trong một tình thế khác – “cay” hơn nhiều vì bia Sài Gòn là thương hiệu Việt. Nhà nước, người dân có thể có lợi trước mắt nhưng thiệt về dài hơi. 

(1) http://www.thesaigontimes.vn/74832/Doanh-nghiep-nha-nuoc-cua-ai-do-ai-va-vi-ai.html

(2) http://www.thesaigontimes.vn/266432/Chieu-thuc-mua-gom-cua-ti-phu-Thai-tai-Sabeco.html

(3) http://plo.vn/thi-truong-tieu-dung/sabeco-nop-ngan-sach-hon-9000-ti-dong-677131.html

(4) http://cafef.vn/hanh-trinh-20-nam-khong-can-lai-cua-coca-cola-viet-nam-20160706085318378.chn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới