Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bạn đã đi những đâu trong năm qua?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bạn đã đi những đâu trong năm qua?

Nguyễn An Nam

(TBKTSG Xuân) – Nếu chỉ loanh quanh trong một thành phố suốt một năm trời, liệu hành trình của bạn có ngắn đi so với những quãng thời gian bạn được xê dịch tự do khắp nơi trên địa cầu? Chúng ta có thể chấp nhận cuộc sống trong tình thế trớ trêu mà không bất hòa với nội tại. Thua một con virus là điều mà chúng ta phải tạm thời thừa nhận. Nhưng ức chế đến u uất vì nó là điều không thể chấp nhận nếu bạn còn muốn bước đi trong cuộc đời.

Bạn đã đi những đâu trong năm qua?
Một thoáng Đà Lạt. Ảnh: Thành Hoa

Sớm cuối năm 2020, tôi nhận được e-mail của Google Maps Timeline cung cấp dữ liệu thống kê một năm hiu hắt trong cuộc đời kẻ ham mê xê dịch: một năm qua, tôi chỉ lang thang giữa hai thành phố Đà Lạt và Sài Gòn, số điểm đến (places) chưa tới 50 (đa số là các quán cà phê), trong đó không có nhiều chỗ mới.

Thật khác với năm trước, khi tôi có một hành trình “oanh liệt” đến những thành phố xa lạ, những quốc gia, châu lục xa xôi và rất nhiều nơi chốn hay ho mới mẻ… Chiều dài con đường di chuyển của tôi đã giảm từ gần một trăm phần trăm vòng trái đất của năm trước xuống còn vài phần trăm vòng eo địa cầu trong năm nay; từ biết bao điều rộn ràng tươi mới trở về những quanh quẩn đến mức nghèo nàn.

Con virus quái ác đã bùng lên sau một kỳ nghỉ Tết khiến cho những cuộc hành trình, những kế hoạch của một năm hứa hẹn sôi động đã bị “phá sản”. Hội chứng “cuồng chân” xảy đến với những kẻ đam mê rong ruổi trong những ngày đầu làm quen với cách ly, phong tỏa thật dễ nhận ra trên các trang cá nhân: đâu đâu cũng đăng ảnh “ngày này năm ngoái” đầy hào sảng. Mới một năm trời mà cứ ngỡ như hai kỷ nguyên xa xôi của nhân loại.

Trải nghiệm một đại dịch đã đặt mỗi thành viên trong xã hội hiện đại vào cuộc chấn chỉnh lớn lao trong lối sống. Nơi đó, một thế giới đang chộn rộn “tăng động”, ngược xuôi đa chiều bỗng trở về lừ đừ chậm chạp và rón rén, lo âu. Sự đình trệ diễn ra trong mọi mặt của cuộc sống: làm ăn, học hành, giải trí và tận hưởng. Một cách thật gấp gáp, tất cả phải chuyển đổi và thích nghi. Đã đành chuyển đổi và thích nghi là năng lực của con người trong thời toàn cầu hóa, nhưng những tưởng là với những thử thách có thể hình dung được. Chẳng ai có thể nghĩ đến một ngày, sự thích nghi lại đi cùng một mệnh lệnh quy hồi về sự tồn tại của mỗi người và phải hy sinh các giá trị tương tác cộng đồng.

Sau đợt giãn cách thứ nhất của năm 2020, tôi cố thoát khỏi sự tù túng bằng một chuyến ngược núi với bạn bè. Cần một chút khí trời và cỏ cây để thở. Tôi đâu biết anh Google Maps Timeline vẫn âm thầm ghi dấu vết (may quá, tất cả đã không kéo theo cuộc “truy vết” dịch tễ nào). Tôi chọn một căn phòng nhìn ra thung lũng có sương mù và thông xanh, chỉ để nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng. Mỗi sớm dậy pha cà phê, ngồi nghe nhạc và hít thở.

Con người ham thích lữ hành, dễ bị say nắng bởi các điểm đến mới đã không còn thôi thúc trong tôi. Tôi nghe những bản nhạc cũ của Leonard Cohen, những bản jazz của Stan Getz. Ở Leonard, tôi thu nhận cái thế giới nội tâm sâu thẳm và chất thơ bí ẩn có âm hưởng kinh cầu thoát lên từ một thế gian suy tưởng. Với Stan, tôi mê say uống lấy hơi đồng từ tiếng tenor saxophone ngọt ngào bay bổng để đào thoát khỏi một thế giới ngổn ngang trăm mối.

Tôi đến nhạc quán nhỏ bé để nhìn lại thời gian đi qua trên nền những bản jazz lạnh lẽo, để buông vài câu thăm hỏi người chủ quán lâu năm ngồi yên như vô nhiễm với thế giới bên ngoài. Tôi chợt nhận ra mình có xu hướng giãn cách với thế giới đa tạp những cuộc hẹn chóng quên, để quen dần với những giãn cách tự nhiên, theo một nghĩa nào đó.

Tháng Bảy mưa, tìm về nơi đặt lưng nằm nghe tiếng thông reo, tôi không còn nuối tiếc những hành trình bị hủy bỏ. Sự mới mẻ mà tôi thu gom, chắt chiu là cảm giác tìm lại những điều đã nằm sâu và bị bỏ bê bên trong bản ngã. Bạn có thể nói rằng đó là một phép thắng lợi tinh thần sáo rỗng. Nhưng có cách nào khác đâu – để chúng ta có thể chấp nhận cuộc sống trong tình thế trớ trêu mà không bất hòa với nội tại. Thua một con virus là điều mà chúng ta phải tạm thời thừa nhận. Nhưng ức chế đến u uất vì nó là điều không thể chấp nhận nếu bạn còn muốn bước đi trong cuộc đời.

Những giải pháp điều chỉnh bản thân để tương thích với hoàn cảnh, đồng thời kiến thiết lại những niềm cảm hứng nhỏ bé trở thành điều ý nghĩa với mỗi người. Vì chúng ta đã hiểu rằng con người vẫn phải sống tiếp với những thách đố không ngừng, và cần bước tiếp bằng nguồn năng lượng từ sự bình thản, biết đón nhận cả những điều bất toàn nhất.

Nếu cần, rồi chúng ta cũng sẽ quen với việc quanh quẩn trong một thành phố và lui tới những điểm đến thuộc nằm lòng. Hơn thế, chúng ta tìm thấy ở đó những cách nhìn mới. Một ngày đông, cô bạn từ Hà Nội vào Sài Gòn hẹn cà phê ở bên cạnh trạm metro trung tâm trong tương lai. Câu chuyện của chúng tôi là những khám phá nho nhỏ về Sài Gòn. Cô gái Hà Nội từng theo chuyên ngành âm nhạc học ở Budapest (Hungary) bảo rằng cho đến lần này thì cô mới thấy Sài Gòn đẹp lạ lùng. Cô kể chiều hôm trước đi dạo ở trung tâm thành phố thì cơn mưa ập xuống, những con đường chợt thưa người. Trên vỉa hè ẩm ướt dẫn từ đường Nguyễn Thiệp sang Nhà hát, cô bắt gặp hình ảnh một Paris khi đèn đêm bắt đầu lên ở những góc phố, cửa hiệu. “Ngồi trên vỉa hè nhìn đường phố, trong đầu em vang lên âm nhạc của Bach. Paris là đây chứ đâu!”, cô gái lãng mạn say sưa diễn giải cảm nhận.

Tôi cố kéo cô trở về hiện thực của một thành phố đang được khuếch trương bên dưới nền đất quán cà phê nơi chúng tôi ngồi nhìn chiều xuống. Tôi cố vẽ ra những cửa hiệu, lối đi, chiều không gian mà các chuyến tàu điện sẽ vận hành trong tương lai để muốn nói rằng mọi so sánh với Paris trong tư duy “dĩ Âu vi trung” như một di chứng tinh thần hậu thuộc địa đã không còn phù hợp nữa. Nhưng rồi những dãy phố hiện đại đóng cửa bởi thời buổi kinh doanh khó khăn như càng củng cố nơi cô gái ý tưởng gặp một Paris ở Sài Gòn trong một chiều hiếm hoi mưa và lạnh.

Vậy là, khi cuộc sống ngưng đọng trong khuôn khổ những cuộc giãn cách, giữa các xê dịch nho nhỏ trong một tâm thế cứu vãn, người ta cũng có thể phát hiện ra sự liên đới hay thân quen giữa những thế giới vật chất. Điều đó có thể là ảo giác để thoát khỏi nguy cơ quẩn quanh nhàm chán, để khám phá những chiều kích bay bổng còn sót lại đâu đó trong hiện thực nhiều bất trắc. Nhưng điều đó cũng có thể là một chuyển hóa tâm lý giúp con người tự tạo sự lạc quan khi trong hoàn cảnh sự sống động của thời đại du hành bị thách thức đến tận cùng.

Hành trình của bạn trên bề mặt địa cầu có thể ngắn lại, nhưng có vẻ như chính lúc đó, sự hồi tưởng sẽ đưa bạn đi xa, không phải trên bề mặt địa lý nữa mà trong cách nhận diện ý nghĩa của mọi hành trình. Hình như đó cũng là điều tích cực. Đó cũng là một phương thế sống khi những hành trình mở rộng tương quan với thế giới bên ngoài (theo nghĩa “hướng ngoại” thuần túy) bị tước đoạt đột ngột. Các cuộc du hành ít lại nhưng biết đâu những con số thống kê khác sẽ nhiều lên từ sự trở lại của các hành trình đã qua trong tâm tưởng, cả con số về những cuốn phim xem được trong năm, hay số thời gian nghe nhạc, đọc sách… 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới