Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bán dầu vượt giá trần 60 đô la/thùng, Nga thách thức lệnh trừng phạt

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong những ngày gần đây, Nga đã ghi một chiến thắng trong cuộc chiến giành thị phần trên thị trường dầu mỏ toàn cầu khi giá dầu thô Urals của nước được giao dịch cao hơn mức giá trần 60 đô la/thùng mà phương Tây áp đặt.

Một tàu chở dầu neo đậu ở cảng Kozmino thuộc vịnh Nakhodka của Nga. Ảnh: Reuters

Theo Công ty dữ liệu hàng hóa Argus Media, đây là lần đầu tiên giá dầu Urals của Nga giao dịch vượt qua giới hạn 60 đô la/thùng kể từ khi Mỹ và các đồng minh áp đặt chính sách giá trần đối với dầu Nga kể từ tháng 12 năm ngoái. Đó là dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đã thành công, ít nhất là một phần, trong việc thích ứng với các hạn chế.

Chính sách giá trần là một phần trong chiến dịch gây áp lực kinh tế của phương Tây bằng cách nhắm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng, nguồn doanh thu quan trọng nhất của Nga để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine. Họ hy vọng chính sách này sẽ làm cạn kiệt ngân sách quân sự của Điện Kremlin trong khi khuyến khích các nhà sản xuất Nga tiếp tục bán dầu ra thị trường thế giới mà không gây ra lạm phát.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga, vốn đã giảm xuống chỉ còn hơn một nửa so với một năm trước. Chính sách giá trần, lệnh cấm vận dầu của Nga ở châu Âu và sự sụt giảm xuất khẩu gần đây đã làm giảm đáng kể nguồn thu thuế năng lượng của Nga trong năm nay, gây tổn thương cho ngân sách.

Nhưng có một dấu hiệu cho thấy tình trạng siết chặt tài chính đối với Moscow có thể đã giảm bớt: Mức chiết khấu của dầu Urals, so với dầu Brent chuẩn quốc tế, đã thu hẹp xuống còn 20 đô la/thùng. Khoảng cách này vẫn còn lớn hơn nhiều so với trước chiến tranh, nhưng đã giảm một nửa kể từ tháng 1.

Động thái cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+, mà Moscow là một thành viên tham gia, cũng giúp đẩy giá dầu của Nga lên trên mức trần. Dầu Urals, được đặt tên theo vùng núi Urals giàu dầu mỏ của Nga, cũng được hưởng lợi nhờ nhu cầu cao ở châu Á, nơi các nhà sản xuất dầu Nga đang áp đảo thị phần của Saudi Arabia.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây tìm cách sử dụng sự phụ thuộc lâu nay của Nga vào dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm châu Âu làm đòn bẩy để hạn chế thu nhập mà Moscow có được từ dầu thô. Chính sách giá trần yêu cầu bất kỳ bên thứ ba nào muốn sử dụng các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận chuyển của châu Âu để mua dầu của Nga phải tuân thủ cơ chế giá trần.

Sergey Vakulenko, nhà phân tích tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, nhận định, giá dầu Urals vượt giá trần của phương Tây cho thấy Nga đang tăng cường xây dựng một mạng lưới tàu chở dầu thay thế để né lệnh trừng phạt. Động thái này đang làm xói mòn ảnh hưởng của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Moscow.

“Đây là một quá trình tiến hóa và bây giờ, chúng đang thấy kết quả. Các công ty dầu mỏ của Nga đã nỗ lực rất nhiều để duy trì hoạt động kinh doanh và kiếm tiền. Họ đã chứng tỏ họ là những nhà điều hành có năng lực”, Vakulenko nói.

Các thương nhân cho biết, gần đây, các nhà sản xuất dầu Nga gần đây không sốt sắng đàm phán giá với các công ty vận chuyển phương Tây.

Chắc chắn, các công ty Nga có thể sẽ cần sử dụng dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây trong một thời gian nữa để xuất khẩu một phần trong số hơn 7 triệu thùng dầu mà họ bán ra nước ngoài hàng ngày.

Một số nhà phân tích nhận định, điều đó mang lại cho Mỹ và châu Âu đòn bẩy đáng kể , dù đang suy yếu. Mỹ và các đồng minh có thể gia tăng áp lực tài chính đối với Moscow bằng cách hạ thấp mức giá trần đối với dầu Nga.

Các quan chức ở Washington xem việc dầu Urals tăng giá là một chiến thắng nhọc nhằn của Moscow.

“Về cơ bản, chính sách giá trần đang làm giảm đáng kể doanh thu của Nga, trong khi tiếp tục tạo ra một thế giới trong đó các thị trường toàn cầu đang được cung cấp dầu của Nga”., Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói trong một cuộc phỏng vấn.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, ngay cả khi Nga bán dầu ra thế giới thông qua một đội tàu ‘bóng tối’, những khách hàng mua dầu của nước này vẫn có thể thương lượng mức giảm giá đáng kể do  chính sách mức trần.

Các công ty ở nhóm các nước G7 chỉ được phép vận chuyển và bảo hiểm dầu thô của Nga nếu giá bán dưới 60 đô la /thùng.

Một số đồng minh của Mỹ cho rằng giới hạn giá đối với dầu Nga được đặt mức quá cao. Một số nước bao gồm Ba Lan đang vận động hành lang hạ mức giá trần này xuống thấp hơn. Những bất đồng bên trong Liên minh châu Âu (EU) và lo ngại giá xăng tăng ở Mỹ đã cản trở họ.

Một thách thức lớn hơn đối với các biện pháp trừng phạt phương Tây là hệ thống hậu cần mới mà Nga xây dựng trong thời gian qua, bao gồm các tàu chở dầu thuộc sở hữu và được bảo hiểm và cho thuê bên ngoài phương Tây.

Gần đây, doanh số bán tàu chở dầu cũ tăng mạnh khi Nga mở rộng đội tàu “bóng tối”, tức những còn tàu chuyên chở dầu vận chuyển dầu từ các nước bị trừng phạt. Theo công ty theo dõi tàu Vortexa, trong quí 2, số tàu chở dầu làm việc với các nhà sản xuất bị trừng phạt cao gấp 5 lần so với cuối năm 2021. Gần 80% số tàu đó đi qua thị trường Nga.

Henry Curra, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty môi giới tàu biển Braemar, cho biết, số tiền khổng lồ mà các công ty chở dầu châu Âu có thể kiếm được từ việc cho thuê tàu để vận chuyển dầu của Nga giảm trong những tháng gần đây. Điều này cho thấy Nga ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các tàu chở dầu thuộc sở hữu của các công ty nằm bên ngoài các nước G.

Nhưng quan chức Mỹ cho biết, chi phí tạo ra hệ thống xuất khẩu thay thế đó sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quân sự của Nga chiến tranh. Họ ước tính, Ngân hàng trung ương Nga đã triển khai 9 tỉ đô la để thay thế các chương trình tái bảo hiểm của phương Tây.

 Theo WSJ

  • Chủ đề :
  • Nga

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới