Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán gạo cho châu Phi: Giá tốt nhưng không dễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán gạo cho châu Phi: Giá tốt nhưng không dễ

Xuất khẩu gạo sang Tây và Trung Phi có giá tốt, nhu cầu cao nhưng không phải dễ – Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG Online) – Phần lớn các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam tham gia buổi gặp gỡ các nhà nhập khẩu gạo vùng Trung và Tây Phi sáng 26-11 tại TPHCM  đều nhận định nhu cầu mua gạo cũng như giá cả mà nhà nhập khẩu đưa ra khá tốt, nằm trong khả năng cung ứng của các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.  

Tuy nhiên, điều mà các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn băn khoăn là bán gạo vào Tây và Trung Phi không dễ chút nào. Những rào cản đến từ tập quán mua bán, thanh toán trong giao thương.  

Giá tốt, nhu cầu cao  

Lặn lội từ Đồng Tháp lên tham gia hội nghị gặp gỡ các nhà mua bán gạo giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước Tây và Trung Phi diễn ra từ 25 tới 27-11, ông Võ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Hưng, một nhà xuất khẩu gạo, đã không bỏ lỡ cơ hội gặp trực tiếp các nhà nhập khẩu gạo Tây và Trung Phi.  

Trong buổi sáng 26-11, sau khi trao đổi trực tiếp với vài nhà nhập khẩu gạo, ông Hòa cho biết một nhà nhập khẩu đã đề nghị ông cung ứng mỗi tháng 1.200 tấn gạo, một con số mà ông bảo là “quá tuyệt vời” trong tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như Công ty Kim Hưng đang chùn xuống.  

Giá gạo mà ông Hòa cùng nhà nhập khẩu thống nhất sơ bộ cũng khá hấp dẫn, chẳng hạn gạo 25% tấm (loại phẩm cấp thấp nhất trong các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam) có giá 320 – 325 đô la Mỹ/tấn được giao theo phương thức FOB. Trong khi mấy ngày qua, gạo loại này được các nhà nhập khẩu chào mua chỉ 310 – 315 đô la Mỹ/tấn nhưng rất ít thỏa thuận được ký vì người mua còn trông đợi giá giảm hơn nữa.  

Ông Hòa cho biết thêm, nhiều năm qua Công ty Kim Hưng gần như không bán gạo trực tiếp sang châu Phi, nếu có thì những hợp đồng nhỏ và bán qua trung gian là các thương nhân quốc tế.  

Buổi gặp gỡ sáng 26-11 được nhà tổ chức chia thành 21 bàn gặp gỡ, mỗi bàn là một nhà nhập khẩu gạo của Tây và Trung Phi như Công ty Bazoumana Fofana của Mali, Velegda Mamouta của Burkina Fasso, Pomm của Togo hay Moustapha Tall của Senegal… (buổi chiều và ngày mai là các nhà nhập khẩu khác).

Bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo Phương Thanh, nói rằng doanh nghiệp của bà  ngoài cung cấp gạo xuất khẩu khoảng 40.000 – 50.000 tấn cho Tổng công ty Lương thực miền Nam thì còn xuất ủy thác qua các doanh nghiệp khác, nhưng với thị trường châu Phi thì chưa bao giờ tiếp xúc. Qua buổi tiếp xúc sáng nay, bà Thủy cho biết thêm, các nhà nhập khẩu gạo vùng Tây và Trung Phi có nhu cầu mua gạo Việt Nam và muốn hợp tác mua bán lâu dài.  

Rào cản cần vượt qua  

Bà Tharcisee Urayeneza, Giám đốc phụ trách Ban phát triển bền vững tổ chức quốc tế Pháp ngữ phát biểu vận động các doanh nghiệp Việt Nam và Tây- Trung Phi nên mua bán gạo trực tiếp với nhau-Ảnh: Hồng Văn

Ông Võ Văn Hòa tuy mừng vì gặp được đối tác lớn và giá tốt trong thời gian hiện nay nhưng vẫn băn khoăn đôi điều. Lâu nay, ông cũng như nhiều nhà xuất khẩu gạo Việt Nam khác bán gạo cho các thương nhân nước ngoài thì đa phần các thương nhân này có văn phòng đại diện hay người đại diện tại Việt Nam để có trục trặc gì “còn níu áo nhau”. Trong khi đó, hầu hết các nhà nhập khẩu gạo châu Phi lại không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, do từ trước tới giờ họ mua gạo của Việt Nam qua các thương nhân quốc tế.  

Hơn nữa, phương thức mua bán và giao hàng FOB (tức giao tại cảng TPHCM) rất cần nhà nhập khẩu có người đại diện tại Việt Nam để cùng nhà xuất khẩu xử lý các trục trặc nảy sinh trong quá trình giao hàng. Các nhà nhập khẩu châu Phi lần này muốn mua bán theo FOB nhưng lại không có văn phòng đại diện.  

Một khi không có văn phòng đại diện thì người mua sẽ chọn hai phương án, một là giao theo phương thức FOB nhưng nhà xuất khẩu thuê tàu giúp nhà nhập khẩu hoặc là giao theo phương thức C&F (cost and freight), tức nhà xuất khẩu thuê tàu và tính cước thuê tàu vào hợp đồng.  

Điều làm ông Hòa lo lắng nhất lại là phương thức thanh toán. Hiện nay, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam thường thỏa thuận phương thức thanh toán là mở tín dụng thư (L/C) – một phương thức được xem là an toàn nhất. “Tất nhiên nhà nhập khẩu nào cũng muốn mở L/C tại ngân hàng nước họ nhưng cái khó là làm sao chúng ta thuyết phục được họ rằng L/C đó phải có bảo lãnh của ngân hàng thứ ba có uy tín, vì điều này làm tốn thêm chi phí cho người mua”, ông Hòa nói. Các quốc gia vùng Trung và Tây Phi thuộc khối cộng đồng Pháp ngữ, nên các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ chọn ngân hàng bảo lãnh ở Pháp hoặc Thụy Sĩ.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới