Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán hàng online tăng tốc hoạt động trở lại

Chánh Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi TPHCM cho phép dịch vụ ăn uống bán mang đi, dịch vụ bán hàng và giao nhận trực tuyến (online) được hoạt động trở lại thông qua shipper, doanh nghiệp vận tải, bưu chính, logistics… đã giúp hoạt động mua bán trên không gian mạng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn.

Shipper đã bắt đầu phải tất bật đi giao hàng cho khách khi đơn đặt hàng tăng cao. Ảnh: Lê Vũ

Đơn hàng tại các sàn thương mại điện tử tăng vọt

Sau khi TPHCM cho phép shipper được hoạt động trở lại, mở rộng thời gian hoạt động của shipper, cho phép quán ăn được bán mang đi, các hoạt động bán hàng online khác được phép hoạt động… thì ghi nhận tại TPHCM cho thấy hoạt động mua bán online đã nhanh chóng “vào guồng” trở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Liên quan đến giấy đi đường dành cho nhân viên các quán ăn, cửa hàng viễn thông, công nghệ… được phép hoạt động trở lại Công an TPHCM cho hay trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương, Công an sẽ phối hợp thực hiện và sẽ cung cấp giấy đi đường xuống để phát cho các địa phương này.

Đại diện sàn thương mại điện từ Lazada cho hay chỉ trong 2 giờ đầu tiên của ngày 9-9-2021 đã ghi nhận nhiều con số mua sắm trực tuyến từ người dân rất cao. Theo đó số lượng đơn hàng trên LazMall tăng gấp 3 và số lượng khách hàng mua sắm trên LazMall tăng hơn 2,5 lần. Tổng doanh thu của Lazada tăng hơn 2 lần, trong đó LazMall tăng gấp 3 lần.

Điện tử, sức khỏe và làm đẹp là 2 ngành hàng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gấp 3 lần. Hơn 2.000 phụ kiện điện tử nói chung và phụ kiện điện thoại nói riêng được bán ra, phục vụ cho nhu cầu học tập và làm việc tại nhà. Các mặt hàng bán chạy nhất gồm thức ăn khô, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, các thiết bị hỗ trợ học và làm việc tại nhà như laptop, tai nghe, sách vở… đại diện Lazada cho hay.

Trong khi đó, đại diện Shopee cho hay trong 2 giờ đầu tiên của ngày 9-9, lượng người mua sắm tăng gấp 4 lần so với trung bình của ngày thường. Trong 8 giờ đầu tiên của ngày 9-9, 250.000 sản phẩm quần áo đã được bán ra trên sàn thương mại điện tử này. Đại diện Shopee cũng cho biết sau Chỉ thị tăng cường giãn cách áp dụng tại TPHCM từ ngày 23-8-2021, tổng số đơn Shopee đã giao đến người tiêu dùng đã lên đến hàng trăm ngàn đơn hàng.

Đại diện sàn thương mại điện tử Voso.vn cho hay chỉ tính riêng trong ngày 2-9, các đơn hàng thực phẩm thiết yếu (bao gồm rau xanh, hoa quả, gạo, gia vị…) trên gian hàng “đi chợ online” của sàn này đã ghi nhận thêm 11.000 đơn phát sinh mới. Sau 3 ngày triển khai bán tại TPHCM, đã có hơn 36.000 đơn hàng được đặt mua, đại diện sàn Voso.vn cho hay.

Theo thống kê từ iPrice, SimilarWeb và từ đại diện nhà bán lẻ, lượt truy cập những ngày đầu tháng 9 vào các webiste bán hàng trực tuyến của các chuỗi cung ứng thực phẩm (BigC, Bách Hóa Xanh, Vinmart, Co.opmart…) đã tăng “đột biến”. Trong khi 6 tháng đầu năm con số chỉ dừng ở mức hơn 200.000 lượt truy cập/ngày thì đến đầu tháng 9-2021, trung bình lượt truy cập đã tăng lên đến 350%, cao điểm lên đến hơn 700.000 lượt/ngày. Song song đó, lượng đặt hàng trên website cũng tăng vọt từ hơn 7.400 đơn/ngày lên 63.000 đơn/ngày, vượt gấp 850% trước đó.

Rục rịch mở cửa hàng quán ăn uống

Ngay sau khi TPHCM cho phép quán ăn được bán mang đi từ ngày 8-9 thì ghi nhận vài ngày sau đó nhiều quán ăn vẫn còn e dè chưa dám mở bán trở lại. Lý giải việc chưa dám mở bán nhiều chủ quán ăn tại TPHCM cho hay là do thông tin cho bán trở lại quá gấp, nên trong thời gian ngắn chưa kịp chuẩn bị để mở bán. Bên cạnh đó nguồn cung nguyên liệu không có, phải xét nghiệm Covid-19, đảm bảo “3 tại chỗ”… đã khiến nhiều quán ăn chưa chuẩn bị kịp.

Một tiệm cà phế, nước giải khát đã mở bán trở lại tại TPHCM. Ảnh: Lê Vũ

Trong các ngày 10 và 11-9, tại TPHCM đã có một số quán ăn, tiệm cà phê, đồ uống… rục rịch mở bán trở lại.

Thống kê của các cơ quan chức năng, TPHCM hiện có hơn 7.500 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống và số hộ kinh doanh cá thể do quận, huyện cấp lên đến khoảng hơn 10.000 hộ.

Chị Thanh Vân, chủ một tiệm bánh mì trên đường Đinh Tiên Hoàng quận Bình Thạnh TPHCM cho biết sau 2-3 ngày chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu thì quyết định mở tiệm bánh mì trở lại. Nguồn cung bánh mì thì ngay trong quận nhà, thịt heo, rau, dưa, ớt, hành… thì đặt siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trong quận. Người chế biến, người bán cũng được tiêm 1-2 mũi vaccine và cũng là người nhà nên đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”.

“Ngoài ra, gia đình cũng tự trang bị kit test nhanh Covid-19 và tự test tại nhà cho đảm bảo đúng quy định. Hiện mỗi ngày cũng chỉ bán được vài chục ổ bánh mì cho người dân đặt qua các ứng dụng. Tuy nhiên, tôi thấy cũng bắt đầu ổn định trở lại, có thể sẽ bán được nhiều trong các ngày tới vì nhu cầu của người dân là rất cao”, chị Thanh Vân chia sẻ.

Ghi nhận thêm tại TPHCM cho thấy nhiều quán ăn, tiệm cà phê, nước giải khát… tại các “xùng xanh”, “vùng đỏ” cũng đã bắt đầu chuẩn bị mở ra bán trở lại. Nhiều người bán cho hay hiện có thể chưa bán được nhiều do còn gặp khó khăn về nguyên liệu, vận chuyển nguyên liệu, các yêu cầu về “3 tại chỗ”, xét nghiệm… Song nhiều người cho hay sẽ nỗ lực kinh doanh trở lại một cách an toàn và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong những ngày tới.

Về việc các cơ sở kinh doanh ăn uống gặp khó khăn trong việc hoạt động trở lại do thiếu nguyên liệu, theo Sở Công Thương TPHCM cho biết, qua theo dõi và đánh giá, nguồn nguyên vật liệu chủ yếu là tinh bột, hải sản, thịt gia cầm, rau, củ, gia vị… là không thiếu. Tuy nhiên một số nhà cung cấp nguyên vật liệu chưa có giấy phép thông hành nên việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho các đơn vị kinh doanh có sự chậm trễ.

Nguồn cung nguyên liệu chủ yếu liên quan đến chợ đầu mối, siêu thị hay cửa hàng, hiện nay các siêu thị cửa hàng được hoạt động đến 21 giờ. Như vậy, khả năng cung ứng hàng hóa sẽ tốt hơn để giải quyết về nguồn cung nguyên liệu của các cơ sở kinh doanh, Sở Công Thương TPHCM cho hay.

Vì sao phí giao nhận (ship) tăng cao? Nhiều người dân tại TPHCM cho biết còn ngần ngại khi đặt mua hàng online thời điểm này vì phí ship tăng quá cao, có lúc tăng gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường. Lý giải chung về hiện tượng này, đại diện công ty vận chuyển Loship cho hay có ghi nhận giá ship hàng nội quận tại TPHCM đang tăng, nguyên nhân chính đến từ việc khan hiếm shipper. Hiện nay, nhu cầu cần giao hàng của người dân quá lớn, số lượng shipper được cấp phép hoạt động còn hạn chế dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu và tỷ lệ hủy đơn hàng khá cao. Tình hình dịch còn nhiều diễn biến phức tạp cũng như tâm lý lo ngại dịch bệnh, sợ bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết cũng khiến cho nhiều shipper chưa sẵn sàng quay trở lại hoạt động. Giải quyết được cán cân cung cầu được cân bằng thì chắc chắn rằng giá ship sẽ được điều chỉnh về mức bình thường.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới