Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán hàng qua kênh truyền hình: Con đường dài xây dựng niềm tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán hàng qua kênh truyền hình: Con đường dài xây dựng niềm tin

Đình Nghĩa

(TBVTSG) – Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng qua kênh truyền hình cho biết hoạt động kinh doanh của họ gặp không ít khó khăn trong thời gian gần đây, khi vừa qua có một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử phạt do bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật… Điều này đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, làm họ có tâm lý tẩy chay các hàng hóa, dịch vụ bán qua ti vi. Vì vậy, các doanh nghiệp đi sau, để tránh vết xe đổ của người đi trước, cần có chiến lược dài hạn, kèm theo những cam kết nghiêm túc về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng.

Hoạt động bán hàng qua kênh truyền hình đã phổ biến trên thế giới từ rất lâu, riêng ở khu vực châu Á loại hình kinh doanh này phát triển mạnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… và đã thâm nhập vào Việt Nam trong khoảng ba năm trở lại đây. Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng, thị trường này rất tiềm năng và đã có những bước phát triển khá nhanh ở Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 30%/năm.

Thị trường nhiều tiềm năng

Vào giữa năm nay, Công ty CJ O Shopping, một nhà kinh doanh hàng điện máy, hàng gia dụng qua kênh truyền hình của Hàn Quốc, chính thức gia nhập thị trường Việt Nam bằng việc hợp tác với Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) để cho ra đời Công ty TNHH SCJ TV Shopping.

Ông Uhm Joo Hwan, Tổng giám đốc Công ty SCJ TV Shopping, cho biết doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu thị trường từ cuối năm 2010, dành khoảng nửa năm cho công tác chuẩn bị và tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng. Kể từ ngày 1-7 vừa qua, kênh mua sắm SCJ Life On mới chính thức được phát sóng, với thời lượng liên tục 24 giờ mỗi này, bảy ngày trong tuần trên kênh SCTV5.

Đến nay, SCJ Life On đã có mặt tại tám tỉnh thành là TPHCM, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương. Dự kiến, công ty sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ trên toàn quốc.

Ông Hwan nhận định, ở Việt Nam dịch vụ bán hàng trực tuyến qua Internet, qua ti vi vẫn còn khá mới mẻ. Trong những năm gần đây, người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, đã bắt đầu có những cách nhìn mới, khách quan hơn về loại hình dịch vụ này. “Nhu cầu mua hàng qua truyền hình so với cách thức mua hàng truyền thống hiện vẫn chưa cao. Tuy nhiên, chúng tôi dự đoán chỉ trong vòng ba năm tới, kênh bán hàng qua truyền hình sẽ chiếm khoảng 10% thị phần trong tổng số các kênh bán hàng”, ông Hwan nói.

Theo thống kê của SCJ TV Shopping, từ tháng 7 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp là khoảng 20% hằng tháng. Công ty cũng kỳ vọng từ tháng 11 đến thời điểm cận Tết Nguyên đán, tốc độ tăng trưởng doanh thu sẽ tăng đột biến, khoảng 150% mỗi tháng.

Ngoài ra, theo ông Hwan, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai thị trường Hàn Quốc và Việt Nam là thói quen mua sắm và niềm tin của người tiêu dùng. Ở Hàn Quốc, sau nhiều năm phát triển loại hình mua sắm door-to-door này, nhiều thương hiệu đã thuyết phục được niềm tin của người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi. Còn ở Việt Nam, người tiêu dùng vẫn có xu hướng “được nhìn tận mắt, được xem tận nơi” món hàng trước khi ra quyết định mua sắm. Bên cạnh đó, dịch vụ này hiện vẫn chưa xây dựng được hình ảnh đáng tin cậy trong mắt người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi đó, vào đầu tháng 10 vừa qua, một nhà bán lẻ lớn ở Việt Nam là Saigon Co.op – chủ sở hữu hệ thống siêu thị Co.opMart, cũng đã bước chân vào thị trường phân phối hàng hóa trực tuyến trên truyền hình bằng việc hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM để phát sóng kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op. Kênh bán hàng này được phát sóng trên HTVC18, với thời lượng 18 giờ mỗi ngày, từ 5 giờ sáng đến 23 giờ. Mặc dù Saigon Co.op tham gia thị trường có phần muộn hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, nhưng giới chuyên gia đánh giá rằng với thương hiệu và uy tín được gầy dựng trong nhiều năm qua, cộng thêm một lượng lớn khách hàng thân thiết từ kênh bán lẻ trực tiếp, HTV Co.op có tiền đề để phát triển.

Saigon Co.op còn tận dụng thêm các kênh truyền thông sẵn có như quảng cáo trên các màn hình, hình ảnh, loa phát thanh tại các siêu thị nằm trong hệ thống Co.opMart để tăng thêm hiệu ứng tiếp thị cho kênh truyền hình bán hàng. Người đại diện truyền thông của Saigon Co.op cho biết ngoài việc phát sóng chương trình bán hàng, giới thiệu sản phẩm mới, đặc biệt là các thương hiệu Việt, kênh HTV Co.op còn cung cấp các thông tin về tư vấn tiêu dùng,  tin tức, phóng sự, giải trí… được thiết kế riêng phù hợp với tâm lý, nhu cầu của đối tượng mua sắm chính là phụ nữ.

Và không ít khó khăn, thách thức

Chị Minh, một người nội trợ sống ở quận Tân Phú, TPHCM, nói rằng chị không mấy tin tưởng vào những kênh bán hàng qua truyền hình vì đã có nhiều kinh nghiệm không vui về sự kém chất lượng của dịch vụ. Sau khi xem quảng cáo về cây lau nhà đa năng trên một kênh bán hàng trực tuyến, chị Minh đã gọi điện thoại đặt mua một bộ với giá khoảng 800.000 đồng. Nhưng chỉ sử dụng được một tuần là bị hư, chị gọi điện thoại cho nhân viên tư vấn thì được trả lời qua loa và bị đổ lỗi là chị không biết cách sử dụng. Chị Minh cảm thấy phiền lòng vì thái độ của nhân viên bán hàng trước và sau khi bán được hàng trái ngược hoàn toàn.

Một trường hợp khác là chị Hoa ở quận Phú Nhuận, TPHCM, nói rằng sau khi xem quảng cáo về bộ nồi thủy tinh chống dính trên ti vi chị muốn mua về sử dụng, mặc dù giá bán đối với chị là khá cao, khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, một số người bạn nội trợ của chị Hoa khuyên rằng không nên mua hàng qua kênh truyền hình vì nhiều kênh toàn bán hàng kém chất lượng. Băn khoăn, e ngại nên cuối cùng chị Hoa quyết định đến các siêu thị lớn để mua bộ nồi thay vì đặt hàng qua ti vi như ý định ban đầu.

Các chuyên gia thương mại điện tử nhận định rằng đối tượng khách hàng chính của các kênh bán hàng qua truyền hình hiện là các phụ nữ nội trợ. Đây cũng là nhóm khách hàng có thói quen mua sắm dựa theo ý kiến giới thiệu, truyền miệng qua người thân, bạn bè, láng giềng… Do đó, nếu nhà kinh doanh không hiểu đúng thói quen và tâm lý e ngại của đối tượng khách hàng chính này và không có sự quan tâm và chú trọng vào chất lượng sản phẩm, cam kết dịch vụ… thì sẽ không thể xây dựng được uy tín cho thương hiệu và niềm tin nơi khách hàng.

Ông Hwan của SCJ TV Shopping nói rằng doanh nghiệp ông đã xác định việc xây dựng niềm tin từ người tiêu dùng Việt Nam là một con đường dài và sẽ chỉ thành công nếu cung cấp những sản phẩm chính hãng, có uy tín của các thương hiệu lớn trên thế giới… kèm theo lời cam kết cho đổi, trả lại hàng và nhận lại tiền trong vòng bảy ngày nếu khách không hài lòng. Chiến lược của SCJ TV Shopping trong thời gian tới vẫn tập trung chủ yếu vào kênh bán hàng qua truyền hình, kèm theo việc đẩy mạnh kinh doanh qua trang web bán hàng trực tuyến www.scj.vn

Doanh nghiệp này cũng đang tính toán phương án bán hàng theo catalogue (tạp chí giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp), mở những cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tương tự như các siêu thị điện máy, nhằm mở rộng hơn các đối tượng khách hàng mục tiêu.

Giới chuyên gia kỳ vọng rằng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vào thị trường bán hàng qua truyền hình kèm theo những chiến lược đầu tư lâu dài sẽ góp phần làm cho thị trường thêm sôi động và thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, hướng đến việc cung cấp những dịch vụ tiện lợi và có uy tín cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng phải biết cách tự bảo vệ quyền lợi

Đề cập đến các kênh bán hàng qua truyền hình hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nói rằng các quảng cáo về hàng hóa và dịch vụ có tính thu hút nhưng người tiêu dùng cần chú trọng vào những nội dung thông tin quan trọng như nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chế độ bảo hành, bảo dưỡng, dịch vụ hậu mãi… Ông Hậu nhận xét nhiều nhà kinh doanh khi quảng cáo còn thiếu thông tin về giá cả, thời gian bảo hành cũng như cảnh báo cho người tiêu dùng về những ảnh hưởng đến sức khỏe, tác dụng phụ (nếu có) của sản phẩm trong các điều kiện về môi trường, nhiệt độ, hoặc thông tin về linh kiện thay thế nếu sản phẩm bị hư hỏng… thay vì chỉ cung cấp các nội dung về tính năng, công dụng, cách thức thanh toán.

Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 (chính thức có hiệu lực từ giữa năm nay), đài truyền hình phải có trách nhiệm sàng lọc, ngăn chặn những nội dung quảng cáo thiếu thông tin về hàng hóa, quảng cáo quấy rối người tiêu dùng… Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp nhà đài không làm hết trách nhiệm của mình.

Cũng theo ông Hậu, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước những mẩu quảng cáo mập mờ, không nên mua những mặt hàng có nguồn gốc không rõ ràng, ít thông tin về linh kiện thay thế (nếu sản phẩm hư). Ngoài ra, người tiêu dùng nên quan tâm đến thời gian bảo hành sản phẩm và nhất là khi mua hàng phải giữ lại hóa đơn để làm bằng chứng để được doanh nghiệp hay các cơ quan nhà nước hỗ trợ giải quyết khi mua phải hàng kém chất lượng.

“Hiện nay một số doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình chưa quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tiêu dùng, họ chỉ tập trung vào doanh số mà chưa chú trọng vào dịch vụ sau bán hàng như sửa chữa, bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng…”, ông Hậu nói.

Khi mua phải hàng chất lượng kém hay không đúng như lời quảng cáo của doanh nghiệp thì đầu tiên người tiêu dùng nên phản ánh, khiếu nại trực tiếp với doanh nghiệp bán mặt hàng đó. Nếu doanh nghiệp không giải quyết, người tiêu dùng nên đến một trong hai cơ quan là Sở Công Thương các tỉnh thành và Hội Bảo vệ người tiêu dùng để nhờ hỗ trợ giải quyết.

Các cơ quan này sau khi tiếp nhận sự khiếu nại của người tiêu dùng kèm theo các chứng cứ được cung cấp, sẽ giải quyết trong vòng 15 ngày bằng việc lập một tổ chức hòa giải, bảo đảm bí mật về thông tin cho cả hai bên. Nếu việc hòa giải không thành, một trong hai cơ quan nói trên sẽ đưa vụ việc ra tòa.

Theo ông Hậu, có hai điểm mới trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 là khi đưa vụ việc ra tòa, người tiêu dùng sẽ không phải đóng án phí, và doanh nghiệp sẽ phải tự chứng minh là mình không có lỗi, ngược lại hoàn toàn so với trước kia, người tiêu dùng phải đóng án phí trước và tự tìm chứng cứ để buộc tội doanh nghiệp.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới