Thứ Bảy, 23/09/2023, 07:35
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ban hành chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ban hành chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Vân Ly

Ban hành chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0
Robot sẽ thay thế con người trên nhiều lĩnh vực trong CMCN 4.0. Ảnh minh họa: Vân Ly

(TBKTSG Online) –  Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) để Việt Nam nắm bắt được cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc cách mạng này.

Theo Chỉ thị này, được ban hành vào ngày 4-5-2017, cuộc CMCN 4.0, với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin (CNTT); phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới. Các bộ, ngành cần tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp…

Tại Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng 4G, có chính sách tiếp cận, nghiên cứu và phát triển mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT có vai trò then chốt trong cuộc CMCN 4.0; ưu tiên, chú trọng phát triển nhân lực CNTT.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với việc tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0. Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kết nối các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải  thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học trong chương trình giáo dục phổ thông, tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  phải đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ và khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của CMCN 4.0; nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của CMCN 4.0 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2017.

Bộ Tài chính tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực CNTT và các công nghệ tiên tiến khác; tiếp tục rà soát, khẩn trương thực hiện triệt để Nghị quyết 41 ngày 26-5-2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao nhiệm vụ nắm bắt các xu thế phát triển khoa học và công nghệ; chủ trì, tổ chức triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn; tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của CMCN 4.0, trong đó bao gồm các nghiên cứu về CNTT, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo…

Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh phải  lồng ghép nội dung triển khai CMCN 4.0 trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT tham mưu về chủ trương, chiến lược, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho triển khai CMCN 4.0 ở Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới