Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán hết vốn nhà nước tại Tổng công ty chè Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán hết vốn nhà nước tại Tổng công ty chè Việt Nam

Lan Nhi

Bán hết vốn nhà nước tại Tổng công ty chè Việt Nam
Tổng công ty chè Việt Nam sẽ bán hết vốn Nhà nước trong năm nay. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Thủ tướng đã đồng ý thoái 100% vốn nhà nước khi cổ phần hóa Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea) vì đây là ngành nghề kinh doanh mà Nhà nước không cần giữ cổ phần.

Theo quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinatea mới được Thủ tướng phê duyệt, phương thức cổ phần hóa là bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và kết hợp phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ hiện nay của Vinatea là 370 tỉ đồng, tương ứng với 37 triệu cổ phiếu, sẽ được bán ra với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Trong số này, cổ đông chiến lược sẽ được mua 63,74% vốn điều lệ, bán đấu giá công khai 31,86% và bán ưu đãi cho người lao động 4,39%.

Hiện tại, Vinatea đang lựa chọn đơn vị tư vấn và sở giao dịch chứng khoán để tiến hành IPO trong vòng ba tháng tới, bên cạnh việc tìm các nhà đầu tư chiến lược cam kết đầu tư lâu dài với ngành nghề sẵn có của công ty.

Vinatea là một trong hai tổng công ty mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa trong quí 1 năm nay. Hiện nay bộ này tiếp tục tiến hành cổ phần hóa các tổng công ty lớn như TCT Lâm nghiệp Việt Nam, TCT Vật tư nông nghiệp, và TCT Lương thực miền Nam. Dự kiến đến quí 4 năm nay sẽ phê duyệt xong phương án cổ phần hóa các tổng công ty này.

Hiện nay, các đơn vị trong diện cổ phần hóa của ngành nông nghiệp đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, TCT Lương thực miền Bắc, và TCT Cà phê Việt Nam, là những doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong năm 2016.

Bộ NN-PTNN cũng đề nghị Thủ tướng cho phép bán thỏa thuận cho nhà đầu tư phần vốn nhà nước còn lại tại TCT Mía đường I, TCT Mía đường II và TCT Chăn nuôi.

Bộ NN-PTNN cho rằng, khó khăn hiện tại của bộ này nằm ở một số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có vốn góp tại doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, lại làm ăn thua lỗ, dẫn đến việc mất hết vốn Nhà nước. Việc thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp này hết sức khó khăn vì thoái vốn nhà nước thì không còn vốn để thoái, còn thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của Luật doanh  nghiệp thì vướng mắc do cổ đông khác dùng quyền phủ quyết của mình, không thống nhất việc giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp. Hiện nay chưa có giải pháp nào tháo gỡ cho tình trạng “chết treo” ở một số doanh nghiệp dạng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới