Băn khoăn câu chuyện “chia sẻ”
Nguyễn Anh Nguyên
(TBKTSG Online) – Khi câu chuyện về những chiếc băng rôn mang nội dung phản đối Uber và Grab được dán phía sau chiếc taxi Vinasun chạy khắp đường phố Sài Gòn đã lắng xuống nhưng nỗi băn khoăn về cách thức quản lý những mô hình kinh doanh mới lại tiếp tục được đặt ra.
![]() |
Các tài xế taxi Ba Lan đã khóa chặt giao thông ở thủ đô Warsaw bằng cách lái xe với tốc độ sên bò để phản đối Uber. Ành: Reuters |
Hình thức kinh doanh theo mô hình “kinh tế chia sẻ” (sharing economy) của Uber và Grab đã tận dụng các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, góp phần tăng tính cạnh tranh trên thị trường dịch vụ vận tải hiện nay, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng trong nước những sự lựa chọn đa dạng hơn. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng được đánh giá là mới lạ và đặt ra những yêu cầu mới trong chính sách quản lý ngay cả ở các quốc gia phát triển. Chính quyền nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với các thách thức, không chỉ là việc đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, giải quyết những xung đột giữa công ty cung cấp dịch vụ truyền thống và công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ, mà còn phải điều chỉnh về quy định và chính sách, để công tác quản lý được hiệu quả và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.
Trong một bài viết đăng tải hồi tháng 7, hãng tin Reuters dẫn lời của Tổng chưởng lý Maciej Szpunar của Tòa án EU, cho rằng Uber nên được nhìn nhận với tư cách là một công ty vận tải thay vì một công ty cung cấp dịch vụ thông tin như các nhà sáng lập Uber vẫn lập luận. Trước hết, dẫn chiếu về Uber Tây Ban Nha, ông đã kết luận rằng dịch vụ taxi giá rẻ UberPOP “không tạo thành một dịch vụ cung cấp thông tin xã hội (information society service)”. Ngoài ra, “giá trị kinh tế chính” từ dịch vụ của Uber bắt nguồn từ việc vận chuyển hành khách chứ không phải nằm ở sự kết hợp giữa hành khách và tài xế thông qua công nghệ của Uber.
Vào giữa năm nay, Uber bị đình chỉ hoạt động tại Hungary do đạo luật mới cho phép cơ quan chức trách ngăn chặn các hoạt động trên nền tảng Internet để điều phối nhân sự bất hợp pháp (illegal dispatcher service). Tòa án ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan cũng đã cấm dịch vụ UberPOP với lý do sử dụng tài xế không có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp. Trong khi đó, Tòa án lao động ở London quy định rằng các lái xe Uber cần được đối xử như người lao động hoặc nhân viên của Uber thay vì là những đối tác độc lập theo cách mà Uber vẫn áp dụng hiện nay. Do vậy, ngoài việc phải đáp ứng điều kiện về giấy phép hành nghề taxi, tài xế Uber nên được bảo đảm mức lương tối thiểu và có ngày nghỉ theo luật định
Ở Đông Nam Á, quốc gia láng giềng của Việt Nam là Thái Lan vào ngày 9-3 đã thông báo rằng các dịch vụ gọi xe trực tuyến như Uber hay GrabCar là bất hợp pháp. Các quan chức Bộ Giao thông Thái Lan khẳng định Uber và Grab đang xây dựng mô hình sử dụng ô tô và cơ cấu giá vé không hợp lý. Theo đó, ô tô cung cấp dịch vụ của Uber không chỉ chưa được đăng ký phù hợp mà tài xế Uber cũng chưa có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp.
Trước đó, các nhà chức trách Thái Lan đã nhiều lần cảnh cáo và tiến hành phạt tiền những chủ phương tiện giao thông cá nhân cung cấp dịch vụ này. Mặt khác, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đưa ra ứng dụng riêng có tên là Taxi OK dành cho hành khách muốn sử dụng loại taxi có đăng ký và cài đặt hệ thống định vị GPS cùng với camera theo dõi.
Những câu chuyện về xung đột lợi ích trong việc ứng dụng mô hình “kinh tế chia sẻ” đang diễn ra hàng ngày trên thế giới, và cũng là những trường hợp cụ thể để cơ quan quản lý chuyên ngành Việt Nam tham khảo trong việc hoạch định các chính sách cùng xây dựng quy tắc ứng xử phù hợp trong thời gian sắp tới.
Mời bạn đọc cùng trao đổi những lợi ích của kinh tế chia sẻ và những bất cập của nó đời sống hiện nay.