Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Băn khoăn chuyện giảm đầu tư công

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Băn khoăn chuyện giảm đầu tư công

Nghệ Nhân

(TBKTSG) – Việc cắt giảm đầu tư công được xem như là một phần trong việc thắt chặt chính sách tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng vĩ mô. Nhưng cách thức cắt giảm hiện nay liệu có là thực chất?

Trả lời báo giới bên hành lang kỳ họp Quốc hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc nói rằng việc cắt giảm đầu tư công “không đồng nghĩa với việc sẽ cắt giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như từ nguồn trái phiếu chính phủ”. Ông Phúc nhấn mạnh rằng Quốc hội và Chính phủ đều nhất trí không cắt giảm đầu tư từ hai nguồn trên, mà chỉ sắp xếp, điều chuyển vốn giữa các ngành và địa phương nhằm sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.

Phần “cắt giảm” thực sự và đã được lượng hóa, chính là việc cắt giảm 10% lượng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước vẫn được giải ngân qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Nếu lấy mức 55.000 tỉ đồng tín dụng ưu đãi trong năm 2010 làm cơ sở để tính toán, mức cắt giảm chỉ là khoảng 5.500 tỉ đồng.

Đó có lẽ là con số không lớn lắm so với tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 830.000 tỉ đồng trong năm 2010. Trong số này, theo thống kê của Bộ KH-ĐT, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 177.000 tỉ đồng, tăng 41% so với kế hoạch, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ đạt 66.000 tỉ đồng, tăng 17,9% so với kế hoạch, chiếm 7,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Năm nay, lượng vốn thuộc hai hình thức này đã được điều chỉnh giảm xuống, tương ứng còn 152.000 tỉ và

Hai tháng đầu năm 2011, trong bối cảnh cả nước hô hào cắt giảm đầu tư công thì vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã đạt trên 24.500 tỉ đồng, tăng tới 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

45.000 tỉ đồng. Nhưng vì năm ngoái cả hai dòng vốn này đều “vỡ kế hoạch” nên khả năng “giữ” được kế hoạch này trong năm nay đang là một câu hỏi bỏ ngỏ. Cũng cần nhắc lại là đầu năm ngoái, vấn đề cắt giảm đầu tư công cũng được đặt ra một cách nghiêm túc nhưng đến cuối năm lại bị buông lỏng, như thừa nhận của ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khi trả lời báo giới.

Các đoàn công tác của Bộ KH-ĐT đã và đang tiến hành rà soát các công trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ để đưa ra giải pháp thích hợp trong việc điều chuyển vốn. Cụ thể, có 8 đoàn đang đi kiểm tra các địa phương, 2 đoàn đang kiểm tra các tập đoàn và tổng công ty và một số đoàn đang đến các bộ, ngành. Theo kế hoạch, trước ngày 25-3, các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương tiếp thu ý kiến của các đoàn kiểm tra để hoàn chỉnh phương án trình Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Tiếp đó, Bộ KH-ĐT sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng về các kế hoạch điều chuyển vốn, đồng thời sẽ kiến nghị thu hồi các khoản bố trí sai mục tiêu để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương khác.

Nhưng theo thông tin của chính Bộ KH-ĐT, rất có thể công việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Cuối năm ngoái, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 2145 về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2011, Bộ KH-ĐT đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành và địa phương lên kế hoạch về dự toán của mình. Theo văn bản này, các bộ, ngành phải hoàn tất dự toán và gửi về bộ trước ngày 31-12-2010 và các địa phương phải gửi trước ngày 10-12-2010.

Thật bất ngờ, cho đến ngày 31-1-2011, Bộ KH-ĐT mới chỉ nhận được báo cáo của 32/60 bộ, ngành trung ương và 40/63 địa phương. Tiếng nói của các đoàn công tác thuộc Bộ KH-ĐT, trong bối cảnh phân cấp sâu rộng và nhiều công việc đã được các địa phương báo cáo trực tiếp lên Chính phủ, liệu có đủ sức nặng?

Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong cả nước sau một thời gian “nín thinh” chờ các quyết định điều hành liên quan đến đầu tư công, nay đã có thể thở phào với phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc. Nhưng mối quan tâm hiện giờ lại chuyển sang một vấn đề khác quan trọng hơn: trong tổng lượng vốn đã được duyệt, việc điều chỉnh sẽ được thực hiện như thế nào khi mà bộ, ngành hay địa phương nào cũng cần vốn?

Các tiêu chí để xem xét việc dự án nào sẽ được tiếp tục, dự án nào tạm dừng, bị thu hồi vốn hoặc thậm chí bị loại bỏ là khá “định tính” trong thời điểm hiện nay. Chẳng hạn, làm thế nào để xác định một dự án là “dàn trải” hoặc “kém hiệu quả”; và nếu so sánh giữa hai dự án được coi là “dàn trải” hay “kém hiệu quả” như nhau tại hai địa phương khác nhau, làm thế nào để quyết định cái nào tiếp tục, cái nào dừng lại?

Trên cơ sở các tiêu chí “định tính” như vậy, quyết định điều chuyển vốn giữa các bộ, ngành và địa phương là rất khó khăn, trong bối cảnh thời gian hạn hẹp hiện nay. Cũng xin nêu một con số đáng chú ý là hai tháng đầu năm 2011, trong bối cảnh cả nước hô hào cắt giảm đầu tư công thì vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã đạt trên 24.500 tỉ đồng, tăng tới 20,7% so với cùng kỳ năm trước. (Xem thêm bài Để không còn phải “chữa cháy”, tr.47)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới