Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Băn khoăn chuyện tiết kiệm năng lượng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Băn khoăn chuyện tiết kiệm năng lượng

Phi Tuấn

Quang cảnh buổi lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: Phi Tuấn

(TBKTSG Online) – Chế tài chưa đủ mạnh, chính sách chưa rõ ràng, sự hỗ trợ cho năng lượng tái tạo chưa thỏa đáng là những băn khoăn mà các chuyên gia nêu lên trong buổi lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do đoàn đại biểu quốc hội TPHCM tổ chức sáng ngày 23 tháng 3 năm 2010.

Dự thảo luật này đã được quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11 năm 2009), đến nay qua một số lần chỉnh sửa, tiếp thu, Ủy ban thường vụ quốc hội đã giới thiệu dự luật mới gồm 12 chương và 50 điều, cùng với việc bổ sung thêm chương về năng lượng tái tạo và bỏ chương quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.

Các chuyên gia cho rằng việc bỏ đi phần xử lý vi phạm, tức chế tài, sẽ khó khả thi để dự luật đi vào cuộc sống nếu được thông qua và phần năng lượng tái tạo nên tách ra thành một dự luật khác, hoặc bổ sung một cách chi tiết và đầy đủ, thay vì chỉ có một chương với ba điều quy định quá chung chung.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM, cho rằng cần phải cân bằng giữa khuyến khích và chế tài, vì dự thảo chỉ đưa ra chuyện khuyến khích mà bỏ phần chế tài các hộ sử dụng năng lượng lãng phí, không hiệu quả, thì sẽ không thể gọi là “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được”.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia bổ sung thêm rằng lợi ích của việc tiết kiệm điện thì mọi người đều hiểu được, nhưng vấn đề thực hiện lại rất khó, vì thế ít nhất trong giai đoạn đầu phần chế tài phải “cứng” để chuyển biến tình hình.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, nói rằng chi phí năng lượng chiếm 14% GDP của TPHCM, dù thấp hơn mức trung bình 20% của cả nước nhưng nếu ngành công nghiệp của thành phố thực hiện tiết kiệm năng lượng thì có thể giảm được từ 5-25% chi phí sản xuất.

Hiện nay, cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp tiêu thụ điện trọng điểm, tức sử dụng nhiều hơn 3 triệu kWh/năm, trong đó riêng TPHCM chiếm hơn 40%, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa có chuyên viên quản lý năng lượng, chưa thực hiện công việc kiểm toán năng lượng, và chưa có kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông Tước cho rằng cần phải tính toán cụ thể về những tác động có thể gây ra cho các ngành khi đưa ra luật này. Chẳng hạn, ông tính toán ngành xây dựng sẽ giảm được 20% chi phí trong lĩnh vực xây dựng của TPHCM. “Việc tiết kiệm 20% thoạt tiên nghe rất hấp dẫn nhưng các công trình xây dựng buộc phải gia tăng chi phí đầu tư thêm 30- 40%”, ông Tước phân tích.

Nhiều chuyên gia tỏ ý nghi ngờ về tính khả thi của quy định sử dụng năng lượng tái tạo trong dự luật. Theo các chuyên gia, việc đưa phần năng lượng tái tạo với chỉ một chương ba điều vào trong dự luật lần này là vội vã, khiên cưỡng, và quá sơ sài, vì thế nhiều kiến nghị cho rằng cần phải đưa ra một dự luật mới về vấn đề này, hoặc phải chỉnh sửa cho phù hợp để khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Giá bán năng lượng tái tạo vẫn còn cao, như giá điện mặt trời hiện là 8.000 đồng/kW. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó giám đốc Công ty Điện lực TPHCM, hiện nay ngành điện đang theo xu hướng thị trường hóa, vì thế nếu không có các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước, bằng cách miễn giảm thuế, hay bù giá, thì việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch này sẽ vẫn không thể thực hiện được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới