Thứ Sáu, 29/09/2023, 13:27
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Băn khoăn giá điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Băn khoăn giá điện

Minh Đức

Băn khoăn giá điện
Giá điện có tác động lớn tới sản xuất và đời sống. Ảnh: VTV

(TBKTSG Online) – Việc xác định cơ chế thị trường và vai trò, mức độ can thiệp của Nhà nước trong chính sách giá bán điện là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận hôm 23-10.

Điều tiết thế nào?

Chiều 23-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, điện là sản phẩm hàng hóa thiết yếu có tác động trong phạm vi rộng, vì vậy giá điện phải chịu sự điều tiết của Nhà nước, đó là vấn đề có tính nguyên tắc không chỉ đặt ra với Việt Nam mà đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Ông Đỗ Văn Vẻ dẫn chứng, nước ta hiện nay thị trường phát điện cạnh tranh chưa thực sự hình thành vì về nguồn điện EVN chiếm tỷ trọng trên 60% chưa tính đến khi thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và 10 nhà máy điện, nhiệt điện sẽ tham gia cấp điện, tất cả các đơn vị phát điện như tập đoàn dầu khí, tập đoàn than, Tổng công ty Sông Đà, các dự án BOT, IPP và hơn 200 doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ còn lại chỉ chiếm chưa đến 40%.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) băn khoăn: “Điều chỉnh tăng giá điện vẫn cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chứ không chỉ giao cho Tập đoàn Điện lực xin ý kiến Bộ Công Thương đồng ý nếu điều chỉnh dưới 5%”.

Bà Nguyệt lý giải, trong hoàn cảnh hiện tại liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho nên giá điều chỉnh phải có ý kiến của Thủ tướng, giá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng phải tùy theo cấp độ thị trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý rằng, để thực hiện đúng định hướng thị trường, một nguyên tắc phải tuân thủ trong việc định giá điện là Nhà nước chỉ quyết định giá cụ thể đối với các khâu độc quyền, còn các đơn vị hoạt động điện lực có quyền cạnh tranh giá trong khung giá do Nhà nước quy định.

Cụ thể là Nhà nước định giá đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện; Thủ tướng Chính phủ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Còn lại các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực có quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá do Nhà nước quy định; đơn vị bán lẻ điện có quyền xây dựng giá bán lẻ điện căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều chỉnh linh hoạt

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, cần phải cụ thể hóa nguyên tắc, cấu trúc vận hành cơ chế giá bán điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. “Nhà nước sẽ điều tiết những hoạt động, khía cạnh nào của thị trường điện?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Ông đề nghị cần phải quy định ngay những nguyên tắc đối với điều chỉnh giá bán lẻ điện trong dự thảo luật, để từ đó có thể minh bạch được giá điện và có sự điều tiết của nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo giá bán lẻ điện được vận hành theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giá bán điện phụ thuộc nhiều vào thông số đầu vào, trong đó chủ yếu là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát. Theo đó, giá bán điện theo cơ chế thị trường luôn luôn biến động và phải được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời theo trình tự, thủ tục được quy định với thẩm quyền quyết định khác nhau.

Chính vì vậy, Ủy ban cho rằng, nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện và các quy định cụ thể trong việc điều chỉnh giá bán điện, nên được thể hiện ở các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ đáp ứng kịp thời tình hình biến động của thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cần tính đúng giá than bán cho sản xuất điện bởi hiện nay giá bán than cho sản xuất điện đang thấp hơn giá thành. Giải trình về ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, nếu điều chỉnh ngay giá than bán cho sản xuất điện theo giá thị trường sẽ có tác động lớn đến giá điện, làm cho giá điện tăng cao đột biến, từ đó sẽ tác động xấu đến sản xuất và đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn tình hình kinh tế gặp khó khăn. Việc điều chỉnh giá nhiên liệu bán cho sản xuất điện, bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của từng ngành và có lợi nhuận hợp lý, cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp. Vì vậy, không nên quy định trong luật về vấn đề này mà để Chính phủ quy định sẽ phù hợp và uyển chuyển hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới