Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Băn khoăn về đội ngũ giáo viên dạy chương trình giáo dục mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Băn khoăn về đội ngũ giáo viên dạy chương trình giáo dục mới

Bảo Uyên

Băn khoăn về đội ngũ giáo viên dạy chương trình giáo dục mới
Dự kiến, đến năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được dạy ở tất cả lớp – Ảnh: MT

(TBKTSG Online) – Năm học 2018-2019, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến sẽ được triển khai đại trà cho các lớp 1 và thực nghiệm ở lớp 2, 6 và 10. Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục đã bày tỏ mối băn khoăn và đề nghị cần xem xét kỹ đội ngũ giáo viên của các trường có đáp ứng được việc giảng dạy các môn học mới không, trước khi triển khai chương trình.

Các giáo viên, chuyên gia giáo dục đã chia sẻ mối quan tâm trên khi trao đổi với TBKTSG Online. Bởi, bên cạnh những môn học tích hợp, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn bổ sung nhiều môn học mới về công nghệ, nghệ thuật, hướng nghiệp… 

Hiệu trưởng một trường THPT ở TPHCM đưa ra ví dụ cho thấy các trường sẽ gặp nhiều thách thức liên quan đến chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất nếu áp dụng chương trình mới này. Đối với môn công nghệ, do nhiều trường thiếu giáo viên chuyên môn nên giáo viên môn vật lý thường được chọn để dạy môn này và nếu tích hợp thêm nội dung hướng nghiệp, người dạy chắc chắn sẽ lúng túng. Do vậy, vị này đặt câu hỏi rằng liệu đội ngũ giáo viên với trình độ công nghệ tin học hiện nay có thể dạy được công nghệ nếu đưa môn này vào giảng dạy.

Đối với những môn học mới như hoạt động nghệ thuật, nhiều trường cũng cho rằng, người có chuyên môn về nghệ thuật chưa chắc đã có nghiệp vụ sư phạm và ngược lại; vì vậy, rất khó cho các trường có thể tìm được giáo viên đủ năng lực dạy, nhất là những trường ở ngoại thành.

Tuy nhiên, từ góc nhìn và kinh nghiệm của người làm công tác đào tạo nhân lực, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM Nguyễn Kim Hồng cho rằng, giáo viên đang giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay hoàn toàn có đủ năng lực tham gia dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình mới này có tính chất kế thừa nên có thể tập huấn cho giáo viên dạy lớp 1 ngay trong hè này thì vẫn có thể dạy theo chương trình mà ban soạn thảo vừa đưa ra.

“Nếu lo ngại không có giáo viên dạy chương trình mới, nhất là những môn tích hợp và các môn kỹ năng, như vậy thì có tới gần 100.000 giáo viên hiện đang dạy lớp 1 không thể tiếp tục dạy học sao?”, ông Hồng trao đổi với TBKTSG Online.

Theo ông Hồng, các trường sư phạm/khoa sư phạm của 7 trường đại học lớn trên cả nước như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa Sư phạm Đại học Vinh đã chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 (*) từ hơn 2 năm nay. Nhiều chương trình đào tạo giáo viên của các trường này đã thay đổi.  Tuy nhiên, những sinh viên được đào tạo theo chương trình này phải 3 năm nữa mới tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Hồng cũng cho biết, các trường sư phạm nêu trên, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tại (GD&ĐT), đang tiến hành xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu của đợt đổi mới giáo dục. Việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên lần này sẽ được sự hỗ trợ trên nền tảng công nghệ thông tin. Toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có thể tham gia các lớp học trực tuyến. Chưa kể, việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục sẽ có thay đổi theo hướng sâu sát hơn. Thay vì tiến hành bồi dưỡng cho nhóm cốt cán để nhóm này đào tạo lại các nhóm tiếp theo, lần này việc đào tạo sẽ được triển khai đến từng giáo viên, từng cán bộ quản lý.

“Các trường sư phạm đang có nhiều cố gắng nhằm đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi trong giáo dục phổ thông. Nhưng mục tiêu đào tạo của các trường sư phạm không phải là đào tạo ra những con người chỉ đáp ứng được một loại thay đổi. Thầy cô giáo được đào tạo phải là những người có thể đáp ứng được những thay đổi trong giáo dục, là những người biết tự học, biết tổ chức việc tự học. Vấn đề đáng lo ở đây là cơ sở vật chất. Đổi mới lần này đòi hỏi những thay đổi về cơ sở vật chất mà không phải nhà trường nào cũng có thể làm được”, ông Hồng nhận xét.

Ngày 2-5, Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã giải trình ý kiến liên quan đến dự thảo chương trình. Theo đó, năm học 2018-2019 chương trình mới sẽ triển khai đại trà ở lớp 1 và thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6, lớp 10. Năm học tiếp theo, lớp 2 và 6 sẽ được học đại trà chương trình mới, dạy thực nghiệm ở lớp 3, lớp 7, lớp 10. Năm thứ ba, chương trình triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10… Đến năm học 2022-2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả lớp. Hôm 20-5, Bộ GD-ĐT cũng đã kết thúc thời gian tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.

———-

(*) Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xem thêm:

>>> Dự thảo chương trình giáo dục mới: luẩn quẩn môn ngoại ngữ

>>> Nhiều băn khoăn với dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới