Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Băn khoăn vốn nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Băn khoăn vốn nhà nước

(TBKTSG) – “Chất lượng của nhiều dự án đầu tư công (gồm các khâu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi…) chưa cao, nếu không nói là tồi, thể hiện bằng việc phải phê duyệt điều chỉnh dự án nhiều lần, nhất là các dự án do địa phương quản lý, thời gian triển khai thực hiện thường kéo dài hơn rất nhiều so với phê duyệt lần đầu”, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Tự Nhật nói như vậy tại diễn đàn kinh tế vào tuần trước tại Hà Nội.

Giải thích thực trạng này, ông Nhật cho biết nhiều dự án đầu tư công phê duyệt lần đầu chỉ mang tính hình thức để “xếp hàng” chờ vốn, hoặc có dự án được phê duyệt chỉ để đi “vận động vốn” như là dự án đưa ra để kêu gọi nguồn vốn ODA. Sau đó khi có tín hiệu được xem xét bố trí vốn mới hoàn chỉnh dự án để phê duyệt lại.

Quá trình rà soát các dự án cũng hé lộ việc điều chỉnh dự án khá dễ dãi, không theo đúng quy trình hiện hành, thậm chí có dự án mới được phê duyệt đang chờ đưa vào kế hoạch để cân đối vốn thì đã “có quyền” xin điều chỉnh, theo lời ông Nhật.

Trên thực tế, theo ông Nhật, không hiếm dự án được phê duyệt bổ sung điều chỉnh đến… chín, mười lần với tổng mức vốn đầu tư có khi lớn gấp ba, bốn lần so với phê duyệt đầu tiên mặc dù quy trình thẩm định dự án chỉ mất 10 ngày còn phê duyệt cấp phép diễn ra vẻn vẹn một tuần lễ.

Một con số được ông Nguyễn Tự Nhật nêu ra khiến người ta phải băn khoăn về tình hình quản lý vốn đầu tư nhà nước hiện nay. “Đến 90% các dự án đều phải điều chỉnh không ít thì nhiều, đó là nói khiêm tốn. Còn nói không ngoa thì con số này lên tới 99%”.

Vốn đầu tư được cân đối từ nguồn chi ngân sách nhà nước (vốn ngân sách nhà nước) và theo Luật Ngân sách nhà nước cùng các nghị quyết của Quốc hội hiện nay, hàng năm Nhà nước dành 30% tổng chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển.

Theo thống kê của Vụ Kinh tế quốc dân, từ năm 2001-2007, về số tuyệt đối, vốn đầu tư nhà nước vẫn tăng qua các năm nhưng tỷ trọng nguồn vốn này trong tổng vốn đầu tư xã hội có chiều hướng giảm. Năm 2000 vốn nhà nước chiếm 59,1% so với tổng đầu tư xã hội, năm 2001 là 59,8%, năm 2004 chỉ còn 48,1% và đến năm 2007 tụt xuống 39,9%.

Vốn giảm nhưng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp cho tăng trưởng và hiệu quả nền kinh tế vẫn tăng đòi hỏi nguồn vốn này phải được chắt chiu hơn. Kế hoạch năm 2008 do Quốc hội thông qua dự kiến huy động 570.000 tỉ đồng, chiếm 42,4% GDP (tính theo dự kiến GDP khi xây dựng kế hoạch), qua tám tháng đầu năm thực hiện và ước cả năm tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 580.000 tỉ đồng.

Về khối lượng vốn tăng hơn 2% so với kế hoạch nhưng chỉ chiếm 39% GDP giá thực tế, giảm 3,4% so với dự kiến ban đầu. Hiệu quả vốn đầu tư nhà nước được đánh giá bằng nhiều chỉ tiêu vĩ mô lẫn vi mô, như hệ số ICOR, tỷ suất lợi nhuận, hệ số hoàn vốn, số việc làm tăng thêm, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường…

Theo nguyên tắc, một dự án phải bắt đầu từ các chiến lược phát triển và các loại quy hoạch. Trên cơ sở các chiến lược và quy hoạch được các cấp thông qua, dự án được cụ thể hóa bằng kế hoạch năm năm, kế hoạch hàng năm, trong đó có kế hoạch đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, đa số không có tầm nhìn xa, kể cả quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; mục tiêu quy hoạch, định hướng phát triển trong các quy hoạch chưa rõ ràng, không phù hợp với các giải pháp về huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Cơ quan chức năng và quản lý nhà nước thường “linh hoạt” trong điều chỉnh quy hoạch theo ý chủ đầu tư.

Đó là chưa tính tới sự chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa vô số loại quy hoạch: quy hoạch cấp tỉnh, thành phố không tuân thủ và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch phát triển ngành lại lệch pha với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.

“Tình hình này dẫn đến việc sử dụng chưa hợp lý, kém hiệu quả các nguồn nguyên nhiên liệu, tài nguyên thiên nhiên, nhất là các nguồn tài nguyên không tái tạo, đồng thời không phát huy được lợi thế tương đối của từng ngành, từng vùng”, ông Nhật nói.

Theo ông, quy hoạch phải có tầm nhìn xa 15-20 năm (thay vì 10 năm như hiện nay, chưa kể có quy hoạch được xây dựng chỉ cho năm năm) và phải thể hiện được mục tiêu chiến lược chung và chiến lược ngành, lĩnh vực, tránh cục bộ, chia cắt và đặc biệt phải bỏ tính độc quyền trong quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), có mấy nguyên nhân cơ bản khiến hiệu quả vốn đầu tư nhà nước thấp.

Thứ nhất, thiếu vốn đầu tư song lại lấy doanh nghiệp nhà nước là động lực trong khi khu vực này chưa phát huy vai trò. Thứ hai, dự án thiếu mục tiêu cụ thể, thiếu ưu tiên chiến lược dẫn tới phân tán, dàn trải và lãng phí. Thứ ba, Nhà nước, trong nhiều trường hợp, không làm tròn vai trò chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước, người đứng đầu doanh nghiệp tư lợi, biến của chung thành của riêng. Thứ tư, các dự án đầu tư công còn thiếu tính minh bạch trong sử dụng vốn, thiếu trách nhiệm giải trình, nhiều sai phạm lặp đi lặp lại mà không quy trách nhiệm cá nhân và cuối cùng đổ lỗi cho cơ chế.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới