Thứ Tư, 7/06/2023, 10:54
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Bán khống: đóng cửa vì không thể quản lý?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán khống: đóng cửa vì không thể quản lý?

Thanh Thương

Các nhà đầu tư chứng khoán trên sàn Công ty SSI. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tuần qua đã có Công văn số 1748 yêu cầu các công ty chứng khoán không bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu và không cho khách hàng vay chứng khoán, trong khi Luật Chứng khoán không cấm hình thức này. Phải chăng vì chưa thể quản lý nên UBCKNN đành đóng cửa với bán khống?

Mở rồi đóng chặt

Tại khoản 9, điều 71, Luật Chứng khoán quy định nghĩa vụ của công ty chứng khoán có ghi rõ công ty chứng khoán “thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”. Như vậy, luật không cấm bán khống chứng khoán, mà chỉ yêu cầu phải làm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Song, từ khi luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 đến nay, không có một hướng dẫn cụ thể nào từ Bộ Tài chính về việc công ty chứng khoán được phép triển khai dịch vụ này. Và ngày 7-4-2008, UBCKNN đã ban hành công văn với nội dung công ty chứng khoán chỉ cho phép nhà đầu tư đặt lệnh bán khi có đủ chứng khoán trong tài khoản. Như vậy, Công văn số 1748 nói trên là công văn thứ hai quy định về việc này.

Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường của UBCKNN, sắp tới để hỗ trợ cho giao dịch chứng khoán trên thị trường, UBCKNN sẽ có hướng dẫn về việc thực hiện các công cụ phái sinh khác như giao dịch ký quỹ, giao dịch repo, giao dịch kỳ hạn… nhưng vẫn sẽ không có những quy định khác với quy định hiện hành về bán khống.

Trả lời câu hỏi vì sao UBCKNN lại cấm, trong khi luật không cấm, ông Sơn lý giải “vì Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn nếu thực hiện thì chưa lường trước được các rủi ro, và khi tranh chấp xảy ra thì không có hướng xử lý”.

Sẽ xây tường cao hơn

Trong năm 2007, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã bị phạt 50 triệu đồng vì cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán. Gần đây nhất, ngày 29-7-2009 Công ty Chứng khoán Quốc Tế Hoàng Gia (IRS) cũng bị phạt 50 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự. Các công ty này bị phạt theo Nghị định 36/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Phạt thì cứ phạt nhưng theo giới đầu tư cho biết vẫn có công ty chứng khoán cho nhà đầu tư bán khống chứng khoán trong ngày T+2, hay sáng sớm của ngày T+3 và cho nhà đầu tư vay chứng khoán tự doanh của mình để bán… Tuy vậy, thường thì việc này được thực hiện “bí mật” và dành cho các khách hàng lớn, thân tín với công ty chứng khoán.

Theo giám đốc một công ty chứng khoán, điều này cũng không có gì lạ, vì để cạnh tranh, nếu công ty chứng khoán nào có nhiều tiện ích cho việc kinh doanh chứng khoán thì nhà đầu tư sẵn sàng chọn lựa, và “nếu có bị phát hiện, phạt cỡ 50 triệu đồng thì cũng không có gì nhiều so với khoản lời có khi lên đến mấy tỉ đồng”.

Ông Nguyễn Sơn lý giải, Nghị định 36 của Chính phủ quy định mức chế tài xử phạt cao nhất là 70 triệu đồng cho các hành vi vi phạm. Vì vậy mức độ răn đe không đủ mạnh. Thậm chí có công ty cứ vi phạm rồi nộp phạt, rồi lại vi phạm vì nhiều lần phạt chưa bằng một lần thu lãi. Tuy nhiên, trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua hồi tháng 4-2008, mức xử phạt vi phạm cao nhất đã được tăng lên là 500 triệu đồng và chủ tịch UBCKNN có quyền phạt ở mức cao nhất. Như vậy, sắp tới ủy ban sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 36 nhằm tăng khung phạt ở một số hành vi vi phạm, trong đó có bán khống, để tăng mức độ răn đe.

Nên mở và quản lý

Ông Hải, một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Phương Đông, cho rằng đã là thị trường chứng khoán thì phải có các đòn bẩy tài chính để tăng tính thanh khoản. Với một nhà đầu tư, khi chọn kinh doanh chứng khoán là đã chấp nhận rủi ro, nhưng với mức lợi nhuận cao hơn nhiều lần thì họ sẵn sàng vay, mượn để đầu tư. Ông cho rằng với các công ty chứng khoán đủ điều kiện thì UBCKNN nên cho họ triển khai các công cụ phái sinh để hỗ trợ nhà đầu tư. “Miễn là khi thực hiện các công ty phải báo cáo đầy đủ, số liệu phải minh bạch, khả năng thanh toán cũng phải rõ ràng, không được gây thiệt hại cho nhà đầu tư”, nhà đầu tư này nói với TBKTSG.

rong khi đó, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng rủi ro về giá chứng khoán do sự lên xuống của thị trường là điều bình thường. Và nhà đầu tư khi chấp nhận các hình thức này thì họ cũng đã hiểu rõ và chấp nhận lợi nhuận lớn luôn đi kèm với rủi ro. Theo ông Nam, nên cho các công ty chứng khoán triển khai hình thức bán khống vì đây là một sản phẩm cần cho nhà đầu tư, giúp họ có nhiều lựa chọn khi giao dịch. “Đó là nhu cầu của một thị trường phát triển, điều quan trọng là ủy ban nên có những quy định cụ thể để quản lý và những chế tài phù hợp đối với những đối tượng vi phạm chứ không nên cấm”, ông Nam nhấn mạnh.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn khác cũng ủng hộ quan điểm này. Theo ông, việc triển khai nghiệp vụ này sẽ kéo thêm nhà đầu tư đến với thị trường, giúp tăng giá trị giao dịch và công ty chứng khoán cũng có thêm thu nhập. Không có lý do gì để cấm nhà đầu tư bán chứng khoán chỉ vì nó chưa về đến tài khoản nếu như việc thực hiện có hợp đồng rõ ràng. Hiện nay, trong một số trường hợp, chỉ những khách hàng lớn mới được bán chứng khoán trước ngày T+3 thì đó là một biểu hiện của sự méo mó thị trường, tạo ra sự không công bằng giữa các nhà đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới