Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ban Kinh tế Trung ương tham mưu đường lối kịp thời và phù hợp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ban Kinh tế Trung ương tham mưu đường lối kịp thời và phù hợp

TH

(TBKTSG Online) – Ngày 30-9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Chương trình gặp mặt “Ban Kinh tế Trung ương – 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng.”

Ban Kinh tế Trung ương tham mưu đường lối kịp thời và phù hợp
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu tại chương trình.

Cách đây 70 năm, ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương khóa I của Ðảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách đề án lớn của Đảng về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính.

Phát biểu tại chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định: Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Qua các thời kỳ, Ban Kinh tế Trung ương đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với những thành tích đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Trong nhiệm kỳ khóa XII, Tôi đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về các lĩnh vực kinh tế.

Trong đó, có hai Nghị quyết rất quan trọng là: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-02-2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều chủ trương, chính sách kinh tế – xã hội ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đóng vai trò nền tảng, lâu dài cho sự phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như các nghị quyết về: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước; chính sách đất đai; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Một kỷ niệm khắc sâu vào tâm chí không chỉ của những người xây dựng chủ trương, đường lối mà của toàn thể đồng bào, chiến sỹ ta đó là việc chính Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp quyết định chọn số 10 cho Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội với mong mỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ như Nghị quyết về “Khoán 10” đã đạt được trước đây.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách mới gắn với xu thế của thời đại cũng đã được Ban Kinh tế Trung ương lần đầu tiên nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành, chẳng hạn như: xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia, chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài tham mưu các chủ trương, chính sách chung về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Ban Kinh tế Trung ương còn chủ trì tham mưu nhiều nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố có vai trò, vị trí quan trọng, trong đó chú trọng nghiên cứu, tổng kết các mô hình mới, cách làm hay, chính sách thí điểm trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, Ban Kinh tế Trung ương còn thực hiện tốt việc thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, báo cáo có tính chiến lược và tầm ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sâu sắc về lý luận và thực tiễn phát triển đất nước cùng với bản lĩnh chính trị vững vàng, các ý kiến thẩm định, đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng sắc bén hơn, có trách nhiệm, khách quan, công tâm, thuyết phục, giúp các cơ quan có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn để xem xét, quyết định, đặc biệt là các vấn đề quan trọng được Đảng và nhân dân quan tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi gặp mặt.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chúc mừng những thành tích mà Ban Kinh tế Trung ương đã giành được, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh nhìn lại chặng đường 70 năm qua, trong từng giai đoạn, dù qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, song, Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phát triển đất nước.

Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao hơn và nhiệm vụ nặng nề hơn đối với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng, thể chế hóa, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội.

Điểm lại những sản phẩm của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết nhiệm kỳ 2016-2020, thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tham mưu, đề xuất 15 nghị quyết, kết luận được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành.

Đây đều là những vấn đề mang tính chiến lược, thể hiện sự đổi mới sáng tạo theo kịp xu hướng phát triển, vừa khắc phục khó khăn, thách thức vừa tận dụng cơ hội, xây dựng nền tảng vững chắc nhằm từng bước đưa Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới