Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán lẻ Nhật Bản ‘khuấy động’ thị trường Việt giữa dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán lẻ Nhật Bản ‘khuấy động’ thị trường Việt giữa dịch bệnh

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Giữa khủng hoảng dịch bệnh, đa số doanh nghiệp đều phải thu hẹp sản xuất – kinh doanh, nhất là hoạt động trong lĩnh vực thương mại, thị trường đang chứng kiến việc trả mặt bằng khắp nơi do ế ẩm. Thế nhưng các nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn cho khai trương hoặc mở kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian khó khăn này.

Bán lẻ Nhật Bản ‘khuấy động’ thị trường Việt giữa dịch bệnh
Nhiều bạn trẻ xếp hàng vào tham quan cửa hàng trải nghiệm của Muji ở TPHCM trong ngày đầu khai trương. Ảnh minh họa: Kênh 14

Tiếp tục đến và mở rộng

Cuối tháng 7 vừa qua, thương hiệu bán lẻ Nhật Bản Muji đã khai trương cửa hàng trải nghiệm – Pop-up store đầu tiên tại Việt Nam ở lầu 1, trung tâm thương mại (TTTM) Parkson (quận 1, TPHCM) với hàng ngàn mặt hàng, trong đó có nhiều sản phẩm cham sóc da và quần áo.

Mặc dù 9h30 mới chính thức khai trương đón khách và đang trong tình hình dịch Covid-19 quay trở lại nhưng 1 giờ trước đó, nhiều bạn trẻ đã đến sớm xếp hàng dài để được vào tham quan mua sắm.

Mở cửa trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Muji Việt Nam chỉ đón một lượng khách khoảng 15 người trong mỗi 30 phút. Đồng thời, nhà bán lẻ này yêu cầu các khách hàng đứng cách nhau trong thời điểm chờ tới lượt vào mua sắm. Cửa hàng trải nghiệm này được xem là bước “nhá hàng” cho cửa hàng chính thức sẽ được khai trương ở tầng 1 và tầng 2 của Parkson Lê Thánh Tôn, dự kiến vào cuối năm nay.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ này nổi tiếng bởi đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm…

Không riêng Muji cho khai trương hoặc thí điểm mở kinh doanh vào thời điểm dịch bệnh mà trước đó các nhà bán lẻ Nhật Bản khác cũng từng bước cho khai trương giữa tình hình kinh doanh ế ẩm do nhiều người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu những sản phẩm không thiết yếu.

Đơn cử như Miki House, thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em ở đợt dịch đầu cũng đã cho khai trương cửa hàng đầu tiên của hãng ở Việt Nam, đặt tại TTTM Akuruhi (TPHCM).

Liền ngay sau đó, nhãn hàng thời trang nhanh nổi tiếng Nhật Bản Uniqlo cũng cho khai trương cửa hàng đầu tiên của hãng tại Hà Nội đặt ở Vincom (quận Đống Đa), trải rộng khắp 2 tầng của TTTM Vincom nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, một trong những địa điểm mua sắm thời trang lớn nhất thủ đô.

Hay hãng kinh doanh mỹ phẩm của Nhật Matsumoto Kiyoshi sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào thời gian gần tới đây.

Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại TPHCM. Ảnh: Hùng Lê

Những doanh nghiệp bán lẻ mới đến này đã và sẽ tiếp tục nối dài danh sách các nhà bán lẻ xứ hoa anh đào bước vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm qua dù bối cảnh khó khăn của dịch bệnh hiện nay.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cũng cho rằng trong thời gian qua tổ chức này cũng ghi nhận dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào hoạt động phi sản xuất phục vụ thị trường Việt Nam tăng lên đáng kể, đáng chú ý là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ như Aeon, các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Family Mart, MiniStop, 7-Eleven,…

“Việc mở cửa hàng kinh doanh tại TPHCM vào cuối năm rồi và mới đây là ở Hà Nội của Uniqlo cũng cho thấy Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Nhật khác đi theo cùng”, ông Hirai Shinji nói, và giải thích rằng: Uniqlo là một nhãn hàng thời trang nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Ông Hirai Shinji tin rằng, xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào lĩnh vực bán lẻ, phi sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Chiến lược dài hơi

Việt Nam đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản nhờ có sự tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị cao tại khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế việc mở kinh doanh của các nhà bán lẻ và hãng thời trang Nhật Bản này đã lên kế hoạch khá lâu sau khi đã có thời gian dài nghiên cứu thị trường trong nước.

Nhắm đến thị trường Việt Nam hơn 3 năm trước nhưng Ryohin Keikaku – công ty mẹ của Muji chính thức công bố kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam hồi năm 2019 với việc lập công ty TNHH Muji Việt Nam để phát triển kinh doanh tại đây và sở hữu 100% vốn.

Mặt khác, ngược lại với việc mở cửa hàng mới tại Việt Nam, hồi đầu tháng 7 vừa qua Muji tuyên bố tái cấu trúc lại mảng kinh doanh ở thị trường Mỹ, đóng cửa những cửa hàng không mang về lợi nhuận. Trước khi Covid-19 diễn ra, Muji vốn đã phải vật lộn với chi phí thuê mặt bằng tăng cao tại Mỹ.

Bên cạnh tình hình khó khăn tại Mỹ, thương hiệu này cũng chịu sức ép tại Nhật khi phải tiếp tục đóng cửa hàng và sức mua suy giảm. Doanh số bán hàng của công ty đã giảm 50% khi dịch bệnh tại Nhật Bản vào giai đoạn cao điểm trong tháng 4 và 5.

Tương tự, doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của nhà bán lẻ này cũng đang suy giảm, trong khi các cửa hàng Muji tại Hàn Quốc cũng đang gặp khó khi người tiêu dùng xứ kim chi đang mang tâm lý bài hàng Nhật.

Trong bối cảnh này, việc chuyển hướng phát triển ở thị trường Việt Nam theo giới phân tích có lẽ là một phương án thay thế cần thiết để phân tán rủi ro cho doanh nghiệp Nhật Bản này.

Thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo đã có mặt ở TPHCM và Hà Nội. Ảnh: TL

Trong khi đó, Miki House mất thời gian đến 5 năm khảo sát và lựa chọn đối tác ở thị trường Việt Nam. Theo ông Senda Hiroshi, Giám đốc kinh doanh quốc tế Miki House, việc mở kinh doanh ở Việt Nam là do công ty nhận thấy có rất nhiều khách du lịch Việt Nam nhiều lần sang Nhật lựa chọn hàng hóa Miki House, và những khách hàng này cũng mong muốn mua được sản phẩm Miki House tại thị trường Việt Nam.

Do đó, sau nhiều năm khảo sát và lựa chọn, Miki House quyết định chọn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vi Biển (Akuruhi) để làm đối tác phân phối độc quyền sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

Ông Phan Thành Tân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Akuruhi cho biết, doanh nghiệp ông phải mất 3 năm thuyết phục mới được đối tác chấp nhận ký hợp đồng. Nếu cửa hàng đầu tiên thành công, công ty sẽ mở thêm 2 cửa hàng khác ở TPHCM và trong tương lai sẽ mở tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng.

Trong khi đó, không ngẫu nhiên mà Uniqlo mở kinh doanh ở Hà Nội giữa dịch bệnh mà vì vào cuối năm 2019, màn ra mắt của Uniqlo với người tiêu dùng trong nước của cửa hàng đầu tiên đặt ở trung tâm TPHCM, được giới quan sát đánh giá là khá ấn tượng với lượng khách đến đông nghẹt.

Mặt khác, việc mở kinh doanh này của Uniqlo được cho là có chiến lược dài hơn ở Việt Nam. Ông Koyama Noriaki, Phó chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing (công ty mẹ của Uniqlo) cho biết, Uniqlo đang lên kế hoạch mở rộng quy mô với ít nhất 3-4 cửa hàng tại Hà Nội trong năm nay, và tiến tới 15-20 cửa hàng trên toàn quốc.

Thị trường tiềm năng

Việc mở kinh doanh ở Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh thị trường bán lẻ ở nhiều nước trên thế giới tăng trưởng ẩm do dịch bệnh, đặc biệt thị trường xứ hoa anh đào bị giảm đến 2 con số được giới phân tích đánh giá không quá ngạc nhiên.

Cụ thể Bộ Thương mại Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua thông báo doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng 5 vừa qua giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ hai liên tiếp có tỷ lệ giảm ở mức hai con số, giữa lúc đại dịch Covid-19 và các biện pháp phong tỏa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, khiến niềm tin người tiêu dùng sụt giảm mạnh.

Tình trạng sụt giảm nhu cầu kéo dài tại nền kinh tế xứ sở hoa anh đào có thể còn lâu hơn so với dự báo và rất khó khăn để phục hồi.

Trước đó tháng 4-2020, doanh số bán lẻ nước này sụt giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức sụt giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3-1998 và lớn hơn nhiều so với tỷ lệ dự báo 11,6% của các chuyên gia kinh tế trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

Nhiều khách hàng mua sắm tại điểm bán lẻ Nhật Bản ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản kỳ vọng vào sự phục hồi trong chi tiêu cá nhân, vốn đóng góp đến hơn một nửa cho nền kinh tế, sẽ giúp hỗ trợ đà tăng trưởng khi triển vọng nhu cầu toàn cầu không chắc chắn.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dù cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt đạt 2.218 nghìn tỉ đồng. Có thể thấy thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường hiếm hoi trong khu vực và trên thế giới có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch Covid-19.

Trên thực tế thị trường bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn nằm trong tốp dẫn đầu về sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính tương đương hơn 161 tỉ đô la Mỹ, tức tăng gần 18,9 tỉ đô la so với kết quả của năm 2018.

Như vậy so với năm liền kề trước đó, thị trường bán lẻ hàng hóa năm qua tăng đến 12,7%, một mức tăng khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể tính trong 4 năm trở lại đây thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10% và kết quả của năm sau luôn tăng cao hơn năm trước đó. Đáng chú ý, kết quả doanh số bán lẻ hàng hóa năm rồi có mức tăng cao nhất.

Với kết quả năm qua cho thấy thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài, bởi lẻ nhiều nước trên thế giới trong những năm qua luôn trong tình trạng bảo hòa hoặc có dấu hiệu sụt giảm.

Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng. Trong đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng là nhân tố giúp nới rộng dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ.

Và nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán được mốc 200 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới