Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bán phá giá thịt gà: Mỹ nói không, Việt Nam nói có

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bán phá giá thịt gà: Mỹ nói không, Việt Nam nói có

Nhóm phóng viên

Bán phá giá thịt gà: Mỹ nói không, Việt Nam nói có
Thịt gà bán tại một siêu thị ở Mỹ. Ảnh: Ngọc Long

(TBKTSG Online) – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ (USPEEC) hôm 3-8 đưa ra thông báo phủ nhận việc bán phá giá thịt gà Mỹ tại Việt Nam. Phía Việt Nam nói gì?

Hoa Kỳ thanh minh như thế nào?

Trong một thông cáo phát đi ngày 4-8 qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Trứng và Gia cầm Hoa Kỳ (USPEEC) phủ nhận việc bán phá giá thị gà Mỹ tại Việt Nam như thông tin báo chí Việt Nam đưa gần đây.

Bản thông cáo này cho rằng, báo chí Việt Nam đưa tin Hiêp hội chăn nuôi Việt Nam đã khiếu nại việc thịt gà Mỹ đang được bán với giá thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm sản xuất trong nước đã làm các chủ trang trại nuôi gà nổi giận.

Theo ông Jim Sumner, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Trứng và Gia cầm Hoa Kỳ, một số phần thịt của gà Mỹ được bán tại Việt Nam ở mức giá tương tự hoặc cao hơn so với mức giá ở Hoa Kỳ, do đó theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới các sản phẩm thịt gà này không bị bán phá giá.

"Chúng tôi rất thông cảm rằng tình trạng này đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất địa phương", ông Sumner nói. "Người tiêu dùng Việt Nam nên lưu ý rằng việc khiếu nại đang hướng về các sản phẩm thịt đùi gà đông lạnh nhưng các sản phẩm này không cạnh tranh trực tiếp với gà địa phương tươi, nguyên con, là sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng Việt Nam."

Theo thông cáo này, hai phần ba lượng đùi gà góc tư sản xuất ở Hoa Kỳ được tiêu thụ tại Mỹ, số còn lại được xuất khẩu tới hơn 125 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ở mức giá thấp hơn so với giá của lườn gà (ức gà) và cánh gà, nhưng với giá bán tương tự tại Mỹ. Các sản phẩm gia cầm của Hoa Kỳ được xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là đùi gà góc tư, đùi gà, và chân gà.

"Ngành gia cầm Hoa Kỳ không có lợi ích trong việc cạnh tranh với ngành gia cầm Việt Nam, hoặc trong việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm sản xuất nội địa, bởi vì sự gia tăng tiêu thụ sản phẩm gia cầm có lợi cho tất cả mọi người," ông Sumner nói.

Phản ứng ban đầu từ phía Việt Nam

Trước động thái của Hiệp hội Xuất khẩu Trứng và Gia cầm Mỹ, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ nói đó là ý kiến của USPEEC, còn chuyện của hiệp hội là vẫn cứ tiến hành những bước đầu tiên để chuẩn bị cho vụ kiện bán phá giá sau này.

Theo một thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hôm 4-8, cơ quan này đã nhận được đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá từ Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ. Cục cũng đã làm việc với các bên có liên quan và sắp tới sẽ liên hệ với hiệp hội này để thu thập thêm thông tin và sẽ báo cáo lên lãnh đạo Bộ Công Thương.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin liên quan đến Hiệp hội Chăn nuôi định khởi kiện, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Hiệp hội mới chỉ gọi điện cho Cục, và Cục “chưa có ý kiến về chuyện này”.

“Chúng tôi chưa chính thức nhận được thông tin nào của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ và Đồng Nai", ông Chinh nói thêm.

Khi được hỏi về việc kiện phá giá, ông Chinh cho rằng, việc kiện phá giá là hết sức bình thường khi tham gia hiệp định thương mại, chẳng hạn Việt Nam đã bị Hoa Kỳ kiện cá da trơn. Tuy nhiên, ông lưu ý, điều quan trọng là phải có căn cứ phá giá hay không trên cơ sở điều tra thực địa, và phải qua các thủ tục pháp lý.

Ông Chinh thừa nhận, hiện nay ta không biết Mỹ sản xuất như thế nào, mà chỉ có thể tham khảo trên Internet. “Bây giờ phải sang bên kia xem trang trại quy mô sản xuất như thế nào, rồi so sánh với Việt Nam. Phải so sánh cùng giống gà, cùng thức ăn, cùng quy mô mới đưa ra được chứ không phải so sánh một người nuôi một ngàn con với một người nuôi một con”, ông nói.

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Chinh cho biết, gà công nghiệp lông trắng của Việt Nam không có lợi thế. “Ví dụ, Công ty CP là doanh nghiệp chăn nuôi gà lông trắng hàng đầu Việt Nam với công nghệ không kém Mỹ mà có giá thành là 30 – 40 nghìn đồng/kg hơi. Nếu báo chí phản ánh (đùi gà Mỹ) được bán với giá 20 nghìn đồng/kg là đúng, thì ta tính được ngay sức cạnh tranh của (thịt gà) Việt Nam là thế nào”.

Trước đó, trong đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ gửi Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào cuối tháng 7-2015, Hiệp hội cho biết, điều bất hợp lý là giá nhập khẩu và bán đùi gà Mỹ nhập khẩu tại Việt Nam rất rẻ, chỉ chưa tới 1 đô la Mỹ/kg (20.000 đồng/kg); trong khi giá bán đùi gà tại các siêu thị Mỹ rất cao ở mức 50.000-80.000 đồng/kg (2,5-4 đô la Mỹ/kg).

“Thật là vô lý khi cùng một chủng loại hàng hóa mà giá bán tại Mỹ lại cao gấp 2-4 lần giá bán tại Việt Nam. Sự chênh lệch giá lớn như vậy thì không công ty hay người chăn nuôi trong nước nào có thể cạnh tranh nổi”, Hiệp hội này cho biết trong đơn.

Phía hiệp hội cũng cho rằng, Mỹ đã nhiều lần tiến hành điều tra và áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như cá tra và tôm đông lạnh. Vì vậy, việc Việt Nam tiến hành điều tra chống bán phá giá với thịt gà Mỹ là chuyện bình thường trong thương mại giữa các quốc gia và phù hợp với quy chế tranh chấp thương mại của WTO.

Nguy cơ xóa bỏ ngành chăn nuôi

Câu chuyện thịt gà Mỹ chỉ là một phần nhỏ trong vô số sức ép từ thịt nhập khẩu lên ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tuyên bố đã kết thúc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tất cả các nước, trong đó có Hoa Kỳ. Khi TPP được thông qua, các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ “ngay lập tức”.

Ông Chinh cho biết, thịt heo hơi Việt Nam có giá 45-50 nghìn/kg, cao hơn so với giá 85-90 cent/kg giao dịch trên thị trường New York ở Mỹ. Hoa Kỳ với lợi thế đậu nành, bắp, giống… thì Việt Nam khó cạnh tranh.

Ông cho biết, ngành chăn nuôi vẫn đang là sinh kế của gần 10 triệu người Việt Nam, những người sống nhờ chăn nuôi quy mô nhỏ, nên ngành này không hề có lợi thế gì. Ông Chinh nói: “Ngành ngày gần như là vật hy sinh cho TPP”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách VEPR, sau khi TPP có hiệu lực, phân ngành thịt gà sẽ có xu hướng chịu tác động mạnh nhất.

Báo cáo của VEPR do JICA tài trợ nhận xét, ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, có đặc điểm nổi bật là chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn và việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém. Đây là hiện tượng điển hình trong khắp các phân ngành như chăn nuôi heo, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm sữa… Những đặc điểm này khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi đều thấp, phụ thuộc ngày càng nhiều vào nhập khẩu từ các nước TPP, đặc biệt là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,…

Ngành chăn nuôi trong nước sẽ còn phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn của hàng ngoại nhập khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới và khu vực và đặc biệt là khi TPP có hiệu lực từ 2016.

Toàn bộ ngành chăn nuôi được đự đoán sẽ thu hẹp sau khi tham gia TPP. Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm (và ở mức độ thấp hơn người chăn nuôi heo thịt) sẽ bị thiệt nhất về sản lượng và phúc lợi, mặc dù thói quen tiêu dùng thịt nóng hiện nay của người Việt có thể giúp trì hoãn tác động này.

Người sản xuất/nhà xuất khẩu phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào như thịt bò từ Úc, thịt gà, thịt heo từ Mỹ.

Trước đó, vào ngày 27-9-2009, Bộ Thương mại Trung Quốc đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp thịt gà nhập từ Mỹ. Sau đó, Trung Quốc quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 50,3-53,4% đối với một số sản phẩm gà nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 26-9-2010 đối với những doanh nghiệp Mỹ tham gia trả lời các câu hỏi điều tra, và mức 105,4% cho tất cả doanh nghiệp còn lại.

Trung Quốc cũng áp thuế chống trợ cấp từ 4-12,5% cho những doanh nghiệp Mỹ tham gia điều tra, và mức 30,3% cho những doanh nghiệp còn lại, từ ngày 30-8-2010. Việc này đã làm giảm 80% lượng gà nhập khẩu (loại gà bị áp thuế phạt) từ Mỹ vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau đó, vào tháng 9-2011, Mỹ đã gửi khiếu nại lên WTO. Sau phán quyết của WTO đưa ra vào năm 2013, Trung Quốc vào tháng 8-2014 cho biết hạ mức thuế chống bán phá giá đối với gà nhập khẩu từ Mỹ xuống còn 46,6% – 73,8% và thuế chống trợ cấp xuống còn 4% – 4,2%.

Xem thêm:

Kiện CBPG gà Mỹ: Mất thời gian cũng phải kiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới