Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bản quyền hình ảnh: thế nào để… không phạm luật?

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần đây, khán giả Việt Nam lại chứng kiến một vụ lùm xùm mới về quyền tác giả trong giới showbiz Việt Nam. Từ đầu tháng 11, trên mạng xã hội Việt Nam xuất hiện thông tin Rap Việt sử dụng hình ảnh đồ họa của Jaime Jasso – một nhà thiết kế nước ngoài – để làm poster chương trình, mà không hề xin phép tác giả này.

Sau phản ứng của bản thân tác giả, cũng như của nhiều khán giả Việt Nam, thì ê kíp Rap Việt đã phải thừa nhận vi phạm bản quyền tác phẩm của Jaime Jasso. Theo thông tin từ chương trình này, đại diện chương trình đã gửi lời xin lỗi và đề xuất mua bản quyền hình ảnh đồ họa nói trên. Tuy nhiên, không khó để thấy rằng uy tín của Rap Việt đã giảm sút khá nhiều, cũng như nguy cơ Rap Việt phải đối mặt với những hậu quả pháp lý nếu như không dàn xếp được với Jaime Jasso.

Những vụ vi phạm bản quyền tương tự như Rap Việt không phải là hiếm ở Việt Nam, nơi luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) còn là một khái niệm khá mới mẻ và mơ hồ với nhiều người. Những tác phẩm thuộc về nghệ thuật thị giác (visual art) có thể nói là một trong những đối tượng dễ bị vi phạm quyền tác giả nhất, vì chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp loại hình nghệ thuật này ở khắp mọi nơi (ảnh, thiết kế, tranh, tượng, tác phẩm sắp đặt…) trên các vật dụng hàng ngày, trên các pano quảng cáo, hay thậm chí trên chính áo quần ta mặc. Chính vì thế, cần nắm được những nguyên tắc cơ bản về những gì được, và không được làm đối với một tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật này.

Những điều không được làm

Đầu tiên, cần nhấn mạnh rằng tác phẩm có tính sáng tạo thuộc về tác giả – người trực tiếp tạo ra tác phẩm, trừ khi tác giả có thỏa thuận khác liên quan tới quyền sử dụng tác phẩm. Những người được cho là “tham gia” vào tác phẩm như cung cấp chất liệu, hay cơ sở vật chất khác để sáng tạo tác phẩm, đều không được coi là đồng tác giả. Thậm chí, một họa sĩ vẽ tranh chân dung, hay một nhiếp ảnh gia chụp ảnh người mẫu, thì người mẫu trong cả hai trường hợp nói trên đều không có bất cứ quyền tác giả nào đối với tác phẩm, vốn chỉ thuộc về tác giả mà thôi.

Khi hiểu rõ cơ chế bảo vệ cũng như ngoại lệ của luật về bản quyền, có thể hiểu rằng luật bản quyền không hề cứng nhắc, mà rất linh hoạt phù hợp với các nhu cầu chung của cộng đồng.

Gần đây, một sự việc gây nhiều bàn tán trên mạng xã hội, đó là một ca sĩ nổi tiếng bị kiện vi phạm bản quyền vì sử dụng ảnh của paparazzi (thợ săn ảnh) chụp trộm mình để đăng lên tài khoản Instagram cá nhân. Về mặt pháp lý, bản quyền ảnh thuộc về người chụp trộm kia và người mẫu ảnh chỉ có quyền hình ảnh (quy định ở điều 32 Bộ luật Dân sự 2015) – một quyền hoàn toàn tách biệt với quyền tác giả.

Một tình huống khác cần phải lưu ý, là người sở hữu tác phẩm gốc của tác giả, cho dù đã được nhượng quyền tài sản, thì vẫn không phải là có “toàn quyền” đối với tác phẩm như đối với một tài sản thông thường khác. Tác giả vốn có quyền nhân thân, quyền tồn tại vĩnh viễn, ngay cả sau khi tác giả qua đời. Điều này có nghĩa là người sở hữu tác phẩm gốc không được có hành vi sửa đổi, phá hủy tác phẩm mà không có sự cho phép của tác giả, cho dù tác phẩm gốc thuộc về bản thân. Mua mâm, mà không được… đâm mâm cho thủng, đó chính là trường hợp này.

Thứ hai, cần phải nắm được nguyên tắc căn bản của luật bản quyền, đó là cần phải có sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu quyền tài sản (trường hợp quyền tài sản đối với tác phẩm đã bị chuyển nhượng cho người khác) khi muốn sử dụng tác phẩm, và điều này thường đi kèm với việc trả phí bản quyền. Nói cách khác, cho dù chúng ta thấy các tác phẩm nghệ thuật thị giác ở khắp nơi, nhất là ở trên Internet, thì điều đó không có nghĩa là các tác phẩm này là… miễn phí, và có thể lưu một bản về để sử dụng, phát tán thoải mái. Thậm chí, nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng thể hiện một tác phẩm của người khác dưới một loại hình nghệ thuật khác, như vẽ tranh từ một tác phẩm nhiếp ảnh, hay tạo một bức tượng mô phỏng tranh, ảnh của người khác cũng là một hành vi vi phạm quyền tác giả.

Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Jeff Koons, từng bị tòa án Mỹ (1992) và gần đây là tòa án Pháp (2021) kết luận là vi phạm quyền tác giả, khi ông sử dụng ảnh của người khác để tạo nên tác phẩm điêu khắc của bản thân, vốn nổi tiếng hơn cả… tác phẩm gốc.

Một số ngoại lệ

Thứ ba, đừng quên rằng có một số ngoại lệ đối với luật bản quyền đã được công nhận, nhằm khuyến khích việc tiếp cận tri thức, văn hóa trong xã hội, cũng như đảm bảo một mức độ “tự do nghệ thuật” hợp lý.

Ở nhiều quốc gia phương Tây, ngoại lệ được sử dụng thường xuyên nhất trong giới nghệ sĩ có lẽ là sử dụng tác phẩm của người khác với mục đích chế giễu, gây cười (parody), ví dụ như các nghệ sĩ theo khuynh hướng appropriation art (nghệ thuật vay mượn) thường nấp sau ngoại lệ này để tránh bị xử phạt. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia theo hệ thống luật Anglo-Saxon, thì “fair use” (sử dụng hợp lý) cũng là một cứu cánh cho nhiều trường hợp vay mượn tác phẩm.

Ở Việt Nam, các ngoại lệ được quy định cụ thể ở điều 25 của Luật SHTT hiện hành, liên quan tới những trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, như sao chép tác phẩm để dùng trong phạm vi cá nhân, không ảnh hưởng đến khai thác thương mại của tác phẩm, hay với mục đích đưa thông tin, giảng dạy chẳng hạn. Tuy nhiên, đây chỉ là ngoại lệ đối với quyền tài sản của tác giả, người sử dụng vẫn phải tôn trọng quyền nhân thân như đề thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, cũng như không được sửa đổi, bóp méo tác phẩm.

Một cách “lách” trước tòa

Cũng xin bổ sung là một khi đã bị kiện ra tòa vì vi phạm quyền tác giả, thì một trong những “chiến lược” mà người vi phạm hay sử dụng trong thực tế, đó là đề nghị tòa không công nhận tác phẩm – đối tượng bị vi phạm – là một tác phẩm có tính “sáng tạo”, hoặc chứng minh rằng bản thân chỉ sao chép các yếu tố không mang tính “sáng tạo” của tác phẩm.

Theo quy định của luật pháp, chỉ có những tác phẩm mang tính sáng tạo thì mới được luật bản quyền bảo vệ, còn những tác phẩm cóp nhặt các yếu tố đã tồn tại từ lâu đời, không mang lại cái gì mới mẻ, thì sẽ không được công nhận là tác phẩm theo định nghĩa pháp lý. Không hiếm trường hợp người vi phạm đã thắng kiện vì chứng minh được rằng tác phẩm không là đối tượng được bảo vệ của luật bản quyền.

Khi hiểu rõ cơ chế bảo vệ cũng như ngoại lệ của luật về bản quyền, có thể hiểu rằng luật bản quyền không hề cứng nhắc, mà rất linh hoạt phù hợp với các nhu cầu chung của cộng đồng. Biết dùng đúng tác phẩm của nghệ sĩ cũng là một cách khuyến khích sáng tạo và chia sẻ tri thức với xã hội là vì thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới