Bạn văn
Thu Hà
![]() |
Bìa cuốn “Bạn văn” của Nguyễn Quang Lập. |
(TBKTSG Online) – Bạn văn khởi sự từ những trang viết đều đặn trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhưng đã vượt qua mức ghi chép thông thường, vui một tí, duyên một tí, mà ở nhiều góc độ là những chiêm nghiệm, những đối sánh ưu tư về công việc văn chương, về con người văn chương.
Người đọc đã từng biết đến một Nguyễn Quang Lập gai góc, xù xì của những vở kịch gây tiếng vang những năm 1990, một Nguyễn Quang Lập trữ tình và giàu cảm xúc của những truyện ngắn và kịch bản phim truyện, và giờ đây lại biết đến một Nguyễn Quang Lập hóm hỉnh, trào lộng qua những tạp bút về bạn bè văn nghệ.
Với lợi thế có mối quan hệ rộng rãi và khả năng quan sát, ghi chép sắc bén, Nguyễn Quang Lập đã dựng nên được một không khí hậu trường làng văn nghệ mang phong cách riêng. Cùng những nhân vật của thời buổi truyền thông, nhưng với Nguyễn Quang Lập, họ là những người bạn lắm tài nhiều tật, những tình huống tréo ngoe có khi cười chảy nước mắt.
Với 60 bài tạp bút, Bạn văn giới thiệu với bạn đọc “mỗi nhân vật một vẻ” trong không gian văn nghệ sôi động suốt mấy chục năm qua dưới lăng kính hài hước mà cũng rất cảm động của Nguyễn Quang Lập.
Như nhận xét của nhà văn Bảo Ninh, “Anh viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay “làm văn” nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng “khẩu văn” của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi”.
Nguyễn Quang Lập sinh năm 1956 tại Quảng Trạch – Quảng Bình. Nguyễn Quang Lập là tên cúng cơm của anh, ngoài ra, anh còn rất nhiều bút danh khác như: Hồng Nhật, Hồng Đức, Quang Quang… Anh chuyên về thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ.
Các tác phẩm đã xuất bản của anh có thể kể tới: Một giờ trước lúc rạng sáng (năm 1986), Tiếng gọi nơi mặt trời lặn (năm 1989), Mười tám truyện ngắn Nguyễn Quang Lập (1997), Những mảnh đời đen trắng (1989), Kỷ niệm thời trai trẻ (1988)…