Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được ‘sung công’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được ‘sung công’

Lê Thị Thiên Hương(*)

(TBKTSG Online) – Các nước phát triển đang cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Vậy với các nước nghèo thì cơ hội nào để người dân của họ có thể tiếp cận với loại vắc-xin này, khi có không ít rào cản từ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của nước sáng chế?

Mỹ – Đức giành giật công ty nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa Covid-19

Các hãng dược lớn không mặn mà làm vaccin

Bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được 'sung công'
Nghiên cứu viên làm việc trên mẫu bệnh phẩm chứa virus SARS-CoV-2 gây Covid-19, tại phòng thí nghiệm ở Stuttgart, miền nam Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ra đời vào thế kỷ 17, quyền sở hữu trí tuệ xây lên một bức tường vô hình ngăn cản việc sử dụng tự do những sáng chế, sáng tạo của người chủ sở hữu chúng. Nói cách khác, quyền SHTT dựa trên nguyên tắc sở hữu cá nhân, theo đó, chỉ có cá nhân nắm giữ quyền mới có thể quyết định cho phép hay không cho phép người khác sử dụng những sáng tạo đó.

Mục đích căn bản của việc công nhận quyền sở hữu cá nhân "đặc biệt" này chính là khuyến khích sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Tuy nhiên, khi nhìn ở góc độ sự phát triển chung của xã hội, quyền SHTT cũng có một điểm yếu nhất định. Rõ ràng là một quyền SHTT cực đoan sẽ hạn chế sự truyền bá kiến thức, hạn chế sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như của văn học nghệ thuật.

Để giải quyết vấn đề này, luật đề ra những ngoại lệ cụ thể, ví dụ như sau một thời gian nhất định thì những sáng chế sáng tạo sẽ thuộc về sở hữu công cộng, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng tự do, không giới hạn.

Trong một số trường hợp khác, quyền SHTT cũng có thể bị giảm nhẹ mức độ bảo vệ để đạt mục đích xã hội như thúc đẩy trao đổi kiến thức, hỗ trợ người tàn tật hoặc cao hơn là mục đích an ninh quốc phòng, sức khỏe toàn dân.

Đại dịch cúm Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, không một ai, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài dịch. Thế giới cần có một nỗ lực chung để vượt qua được căn bệnh này.

Hiện nay, không ngạc nhiên gì khi các công ty dược, các trung tâm nghiên cứu đang chạy đua trong cuộc chiến tìm ra vắc-xin chống Covid-19.

Theo thống kê, tính tới tháng 5 này, đã có khoảng ít nhất 8 loại vắc-xin đi vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Dẫn đầu là vắc-xin của Viện Jenner, một trung tâm nghiên cứu của đại học Oxford, Anh, nơi việc thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng đang được tiến hành.

Gần đây, Moderna, một công ty công nghệ sinh học đặt tại Massachusetts, Mỹ, đã tuyên bố rằng vắc-xin do công ty sáng chế ra đã có tạo kháng thể trong cơ thể người thử nghiệm. Rõ ràng, nếu như một loại vắc-xin hữu hiệu ra đời và được sử dụng rộng rãi thì người sở hữu sẽ có quyền đăng ký bằng sáng chế và quyết định việc sử dụng sản phẩm đó.

Về nguyên tắc, bằng sáng chế chỉ được bảo vệ trong giới hạn quốc gia nơi đăng ký. Để được bảo vệ ở mức độ toàn cầu, chủ sở hữu hoặc phải đăng ký bằng sáng chế ở mọi quốc gia, hoặc qua hệ thống PCT (Patent Cooperation Treaty) – cho phép đăng ký cùng một lúc tại hơn 150 quốc gia trên thế giới.

Nếu như đăng ký thành công, việc sản xuất và thương mại hóa vắc-xin sẽ do chủ sở hữu quyết định.

Nắm rõ điều này, chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực làm việc với nhiều công ty dược khác nhau nhằm đảm bảo mục đích phục vụ vắc-xin Covid-19 cho người dân Mỹ trước tiên "America first". Rõ ràng là các nước nghèo, kém phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo vắc-xin cho người dân.

Trong bối cảnh đó, làm thế nào để quyền SHTT không là rào cản trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu? Hay dưới một cách nhìn khác, làm thế nào để vừa tôn trọng quyền SHTT, vừa đạt được mục đích bảo vệ sức khỏe cho mọi người?

Gần đây, một nhóm các nhà khoa học và luật gia hàng đầu trên thế giới đã có ý tưởng kêu gọi các chủ sở hữu quyền SHTT cho phép sử dụng tự do sáng chế, sáng tạo có liên quan tới việc nghiên cứu tìm vắc-xin Covid-19, để tạo ra một "patent pool" ("bể sáng chế" hay còn gọi là mô hình liên kết sáng chế).

Patent pool nhắm tới mục đích xây dựng "bể" thông tin bao gồm những sáng chế, dữ liệu, thông tin hữu ích có thể sử dụng tự do cho việc tìm ra vắc-xin chống Covid-19 cũng như cho việc điều trị và chẩn đoán bệnh.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc có phần không mấy hào hứng với ý tưởng này, các nước châu Âu đang dẫn đầu phong trào ủng hộ chia sẻ quyền SHTT trong nghiên cứu vắc-xin Covid, kêu gọi tiến tới một cơ chế "bình đẳng và hợp lý" trong việc sử dụng vắc-vin khi nó ra đời.

WHO, Tổ chức Y tế thế giới, cũng nỗ lực ủng hộ ý tưởng "patent pool" này và đang kêu gọi các chính phủ, các công ty dược, trung tâm nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tham gia vào cơ chế chia sẻ này.

Tuy nhiên, trong nền công nghiệp dược phẩm, rất ít công ty đồng ý tham gia vào phong trào "patent pool". Nhiều công ty lựa chọn các chương trình nghiên cứu liên kết nhà nước-tư nhân, vừa đảm bảo quyền lợi kinh tế, vừa đúng mục đích phục vụ lợi ích chung.

Ngoài ra, cần khẳng định rằng, nếu như một công ty tư nhân tìm ra vắc-xin thì cũng khó có thể nói rằng, công ty này sẽ có quyền định đoạt tối cao. Luật SHTT của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định trong trường hợp khẩn cấp, vì sức khỏe của toàn dân, chính phủ có quyền "sung công" bằng sáng chế (và đền bù chủ sở hữu bằng sáng chế) để đảm bảo nguồn vắc-xin cho người dân.

Rõ ràng là cuộc chiến chống Covid-19 chỉ có thể thành công khi mỗi cá nhân đều được đối xử một cách bình đẳng trong phòng bệnh cũng như trong chẩn đoán và điều trị. Quyền SHTT chỉ được coi là hữu ích khi nó nhắm tới lợi ích cho toàn xã hội, chứ không phải lợi ích của một vài cá nhân.

Trong cuộc chiến này, thế giới cần những cơ chế linh hoạt hơn, cho phép sử dụng vắc-xin rộng rãi khắp nơi, và không quốc gia nào, trên cơ sở quyền SHTT, có quyền dành vắc-xin cho duy nhất người dân của họ.

Nhằm giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã tổ chức cuộc thi Hack4Growth. Đây là một cuộc thi về ý tưởng, giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo đối với những vấn đề nóng bỏng mà Việt Nam đang gặp phải, như biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, du lịch, giáo dục, bình đẳng xã hội…

Cuộc thi bao gồm 2 đợt:

Đợt 1: Kiến tạo nền tảng và văn hóa đổi mới, sáng tạo vì Việt Nam

Đợt 2: Chung tay tìm ra giải pháp, truyền cảm hứng, niềm tin hành động vượt qua khó khăn kinh tế, xã hội trong và hậu Covid.

Thông tin chi tiết về cuộc thi tại:

Website: https://www.hack4growth.org/

Fanpage: https://www.facebook.com/VILinks.AVSEGlobal

Email: hack4growth@vietnaminnovationlinks.org

AVSE Global có trụ sở tại Paris, là tổ chức tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và tổ chức diễn đàn chuyên môn thông qua kết nối chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu để đóng góp cho Việt Nam. Tổ chức hiện đã có mặt trên 20 quốc gia và là mạng lưới của trên 10.000 chuyên gia toàn cầu.

(*)Thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới