Bánh ta đi Tây
![]() |
Bà Phan Nguyệt Ảnh và sản phẩm bánh hạnh nhân do cơ sở Phong Lan sản xuất. Ảnh: PSL. |
(TBKTSG) - Có thể nói 2007 là năm “thịnh phát” của cơ sở bánh ngọt Phong Lan (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) của bà Phan Nguyệt Ảnh. Cơ sở này đã đưa các loại bánh dân gian Việt Nam xuất ngoại.
Các loại bánh của cơ sở Phong Lan có mặt hầu như ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Khi đã có một thị phần khá ở TPHCM, năm 2007, bà Ảnh đã hợp tác với Công ty xuất khẩu Mỹ Thành. Công ty “thử” đặt bà làm bánh ú nước tro để bán nhân dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 Âm lịch).
Dù chưa từng sản xuất loại bánh này, nhưng trước một hợp đồng hấp dẫn, và để “nắm” đối tác, bà Ảnh đã đặt hàng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhưng có tiếng tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang. Kết quả, bà đã cung ứng đủ 20.000 thiên bánh ú nước tro theo đúng hợp đồng cho Công ty Mỹ Thành. Tiếp theo, sau Tết Trung thu, bà lại “xuất” tiếp 3.500 hộp bánh bột đậu cho công ty.
Thấy bà làm ăn có uy tín, sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, Mỹ Thành đã đặt hàng sản xuất bánh quai vạc nhân đậu để xuất đi Canada. Bà Ảnh lại phải cấp tốc học cách làm loại bánh này do trước đó chưa làm bao giờ.
Bánh quai vạc được làm bằng bột mì ngang trộn với bột mì tinh. Sau khi se bột, phải cán nhiều lần rồi bắt bìa bằng tay cho đẹp trước khi chiên. Bánh khó làm, cơ sở phải mướn thêm công nhân. Lần đó, họ thức liền tám ngày đêm, kể cả mẹ con bà Ảnh cũng phải xắn tay vô làm mới hoàn thành. Và 12.000 cái bánh quai vạc được chuyển cho Mỹ Thành đúng hẹn. Bánh được bảo quản trong phòng lạnh trước khi xuất khẩu.
Sau “thương vụ” này, Phong Lan nhận được đơn hàng sản xuất 10.000 bánh khoai môn, bánh chuối nướng. Tuy nhiên, hai loại bánh dân gian này đã bị “lai” Tây, vì có thêm bơ, sữa như yêu cầu của khách hàng.
Để có được như ngày hôm nay, từ năm 12-13 tuổi, bà Ảnh đã phải mang bánh do mẹ làm đi bán dạo trên đường phố Ô Môn.
Cha bà theo cách mạng, mẹ bà vừa làm bánh nuôi năm người con vừa nuôi giấu cán bộ trong căn nhà lá lụp xụp ở thị trấn Ô Môn... Khi theo học Đại học Luật (niên khóa 1974-1975) tại Viện Đại học Cần Thơ (1 năm) rồi cả khi đã trở thành công nhân viên ở huyện Ô Môn, bà Ảnh vẫn không rời bỏ công việc bán bánh. Yêu thích nghề mẹ truyền lại, năm 2000, bà nghỉ làm việc, lập cơ sở sản xuất bánh quy mô nhỏ, với vài ba nhân công.
Các sản phẩm bánh dân gian của cơ sở Phong Lan được làm bằng bột mì ngang trộn với bột mì tinh. Nhưng để cho ra một sản phẩm thơm, ngon, bùi, béo… bí quyết của bà Ảnh là cho pha thêm bột đậu phộng vào nguyên liệu làm bánh.
Bánh của cơ sở Phong Lan được “bổ” đi khắp các tỉnh ĐBSCL. Mỗi địa phương có khoảng 2-3 lái tới cơ sở của bà Ảnh “ăn” hàng mỗi ngày. Mỗi ngày, với 6 công nhân, làm việc từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, Phong Lan cho ra lò khoảng 100 ki lô gam bánh, khi nào hút hàng thì tăng ca.
Mùa Tết này, từ mùng 1-11 Âm lịch đến 28 Tết, khoảng 16 công nhân ở cơ sở sẽ làm việc suốt đêm, cho ra lò khoảng 200-300 ki lô gam bánh các loại. Bà Ảnh cho biết: “Tết này tôi không làm bánh xuất khẩu vì không thể sản xuất nổi. Vụ bánh Tết này xong, tôi sẽ “hiện đại hóa” khâu sản xuất: trang bị một số máy móc để sản xuất được nhiều bánh hơn, giảm bớt một số công đoạn thủ công. Sau khi mở rộng cơ sở, tôi sẽ tiếp tục cho “bánh ta đi Tây” với Mỹ Thành như năm 2007”.
PHÙ SA LỘC