Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bao bì nhựa có thể mất thị trường Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bao bì nhựa có thể mất thị trường Mỹ

Thái Hằng

(TBKTSG) – Ngành sản xuất túi bao bì nhựa PE của Việt Nam có thể mất thị trường Mỹ nếu phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), sẽ được thông qua vào cuối tháng 1-2010, vẫn giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá từ 52,30-76,11% được ấn định từ phán quyết sơ bộ đưa ra cuối tháng 10 vừa qua.

Ông Hồ Đức Lam, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết khả năng phán quyết cuối cùng sẽ khác với phán quyết sơ bộ là điều khó xảy ra.

Theo phán quyết sơ bộ, thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng túi bao bì nhựa PE có quai, áp dụng cho hai bị đơn chính là Fotai Vietnam và Advance Polybag là 76,11%, còn với các doanh nghiệp còn lại 52,3%.Theo ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Lotus, một trong các doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm túi bao bì nhựa xuất khẩu, ngành này không có tỷ suất lợi nhuận cao. Ông Khuê dẫn chứng, một số mặt hàng bao bì nhựa PE thường được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp, tiêu biểu như túi đựng hàng hóa, thường có tỷ suất lợi nhuận không cao do chi phí nguyên liệu chiếm từ 60-70% giá thành. Để cạnh tranh được, theo ông Khuê, doanh nghiệp kinh doanh kiểu “lượm bạc cắc”, lấy lời chủ yếu qua số lượng và hiệu quả từ điều hành và sản xuất. Vì vậy, với mức thuế chống bán phá giá hơn 50% như vậy, rất khó cho doanh nghiệp tiếp tục xuất túi nhựa vào thị trường Mỹ.

Điểm lại vụ kiện

Ngày 21-4-2009, DOC bắt đầu tiến trình điều tra đối với túi đựng hàng bán lẻ làm bằng nhựa PE của Việt Nam sau khi nhận được đơn của hai nhà sản xuất túi nhựa Hilex Poly Co. và Superbag Corporation. Hai công ty này cho rằng sản phẩm của Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đã được bán với giá thấp hơn mức “giá thông thường” tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại cho sản xuất và kinh doanh của họ. Việc điều tra của DOC cũng được tiến hành chủ yếu dựa trên bằng chứng là các thống kê về số lượng và kim ngạch xuất khẩu túi nhựa qua ba năm, từ 2006-2008, mà DOC cho rằng có sự gia tăng đột biến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho sản xuất của họ.

Việc áp thuế chống phá giá của DOC, theo ông Khuê, là “rất phi lý và là một trong những rào cản đối với hoạt động kinh doanh cũng như việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường của chúng tôi”. Ông Khuê cho biết, chỉ riêng việc mặt hàng túi đựng hàng bán lẻ bị ngưng bán tại các hệ thống bán lẻ ở Mỹ đã khiến công ty bị thiệt hại hàng tháng gần 100.000 đô la Mỹ.

“Hiện nay một số nhà nhập khẩu Mỹ đã ngừng hoặc hủy các hợp đồng mua bao bì nhựa của Việt Nam”, ông Lam cho biết. Trong khi đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng túi bao bì nhựa PE của Việt Nam.

Việc khó thay đổi kết quả phán quyết sơ bộ của DOC có lẽ còn xuất phát từ phía các công ty ở Việt Nam. Theo đại diện của văn phòng chi nhánh Công ty Luật Wilson & Strawn LLP, công ty được Hiệp hội Nhựa Việt Nam thuê để tranh tụng trong vụ kiện này, thì khả năng phía các doanh nghiệp nhựa trong nước, cũng là các bị đơn tự nguyện, “lật ngược thế cờ” là rất thấp.

Nguyên nhân chính do các bị đơn bắt buộc là hai công ty có vốn đầu tư nước ngoài (Đài Loan và Mỹ) Fotai Vietnam Enterprise và Advance Polybag đột ngột rút lui không tiếp tục tham gia vụ kiện với tư cách là bị đơn bắt buộc. Trong khi đó, tiến trình điều tra vụ kiện của phía Mỹ đã đi hơn nửa chặng đường. Ngay lập tức, điều này dẫn đến việc phía Mỹ đã sử dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi được nêu trong đơn kiện của phía nguyên đơn để định ra mức thuế suất tạm thời nói trên.

Ngoài nhà máy đặt tại Việt Nam, hai công ty này còn có nhà máy đặt tại một số nước có thế mạnh về xuất khẩu đồ nhựa nói chung và nhựa bao bì nói riêng, trong khu vực. Do vậy, theo ông Lam, khi xảy ra tranh chấp thương mại, họ có thể nhanh chóng rút vốn khỏi Việt Nam và chuyển sang cơ sở sản xuất ở nước khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục theo đuổi vụ kiện chống bán phá giá một cách dài hơi và tốn kém, mà phần thắng thường không thiên về nước xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới