Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bao giờ hàng không tư nhân có thể cất cánh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bao giờ hàng không tư nhân có thể cất cánh?

Ngoài khó khăn do chi phí nhiên liệu tăng cao, các hãng hàng không tư nhân còn phải đối mặt với cạnh tranh từ Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tại thị trường Việt Nam – Ảnh: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Trong tuần qua, ngành hàng không Việt Nam đã nhận 2 tin không vui: Jetstar Pacific sẽ tạm ngừng khai thác đường bay TPHCM-Nha Trang từ 5-9 và VietJet Air tiếp tục sa thải các nhân sự chủ chốt.

Jetstar Pacific sẽ phải bỏ đường bay TPHCM-Nha Trang vì đường bay này không hiệu quả do giá xăng dầu liên tục biến động trong thời gian qua và để tập trung máy bay khai thác các đường bay có hiệu quả cao.

Còn VietJetAir đã phải ba lần sa thải hơn 25 cán bộ chủ chốt vì không còn khả năng trả lương cho họ sau khi hoãn kế hoạch bay dự kiến từ tháng 12-2008 đến khoảng giữa năm sau. Tuy nhiên, kế hoạch bay mới chưa có gì là chắc chắn.

VietJetAir giảm biên chế

Cuối tháng 7-2008, VietJetAir đã buộc ông Brian Presbury, người có nhiều kinh nghiệm tại các thị trường hàng không, phải nghỉ việc chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi công ty bổ nhiệm ông vào vị trí giám đốc điều hành. Kế đến là giám đốc điều hành bay và ít nhất tám người nắm giữ các vị trí chủ chốt khác cũng phải ra đi.

Theo nguồn tin không muốn nêu tên từ VietJetAir, lần giảm biên chế lớn nhất vào ngày 19-8 vừa qua. Một số phương tiện thông tin đại chúng cho rằng  đợt đó VietJetAir cho nghỉ việc 14 các bộ chủ chốt khác, gồm các giám đốc phụ trách tiếp thị, công nghệ và nhân sự. Một trong số 14 người buộc phải nghỉ việc đã nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng chỉ nhận được quyết định lúc 10 giờ 30 ngày thứ Ba, 19-8, và có hơn 7 tiếng để bàn giao tất cả công việc.

Việc VietJetAir vội sa thải những cán sự chủ chốt khiến nhiều người trong giới hàng không đặt câu hỏi liệu hãng hàng không này có thể chuẩn bị đủ nhân lực để bay vào khoảng tháng 4-2009 như chủ đầu tư dự tính trong kế hoạch đã điều chỉnh.

Hầu hết những người bị thôi việc đều có năng lực vì họ được VietJetAir tuyển từ các hãng hàng không và các tổ chức hoạt động trong ngành. Do vậy, có thể VietJetAir cũng không muốn họ phải ra đi nhưng giữ họ ở lại thì tiền đâu trả lương sau khi kế hoạch bay bị hoãn.

VietJetAir được cấp phép vào tháng 12-2007 và đặt ra kế hoạch bắt đầu khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12-2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá nhiên liệu liên tục tăng cao và tăng gần gấp đôi so với dự kiến của hãng là 70 đô la Mỹ/ thùng.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Tổng giám đốc của VietJetAir, cho biết chi phí nhiên liệu sẽ chiếm tới 55-60% tổng chi phí chuyến bay nếu bay đúng kế hoạch. Do vậy, hãng phải xem xét lại kế hoạch kinh doanh.

Bên cạnh việc phải sa thải nhân viên, VietJetAir cũng phải hủy thỏa thuận thuê hai máy bay Boeing B737-700 từ công ty chuyên cho thuê máy bay GECAS.

Tăng tốc liệu có phải giảm tốc?

Hãng hàng không tư nhân thứ hai ở Việt Nam là Air Speed Up hay Tăng Tốc (theo tên đăng ký tiếng Việt) cũng đang loay hoay với kế hoạch đổi tên.

Mọi chuyện đã diễn ra rất “thuận buồn xuôi gió” sau khi ông chủ là nhạc sĩ Hà Dũng nhận được giấy phép vào tháng 5-2008 từ Bộ Giao thông Vận tải. Cái tên tiếng Việt là Tăng Tốc thì nghe rất tốt đối với một hãng hàng không mới nhưng khi đọc không dấu như tiếng Anh là “Tang Toc” thì lại hàm chứa điều không may.

Trong lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, nhạc sĩ Hà Dũng cho biết chưa có ý định đổi tên vì hãng dùng tên tiếng Anh là Air Speed Up và tiếng Việt thì đã có Tăng Tốc.

Nhưng có lẽ ông nhận ra rằng Air Speed Up không chỉ phục vụ người Việt trong thời đại hội nhập kinh tế như hiện nay. Có thể một ngày nào đó, nếu hành khách người nước ngoài không đọc Air Speed Up mà lại đọc là Tang Toc thì quả là không ổn và do vậy đổi tên là giải pháp tốt nhất.

Nhạc sĩ Hà Dũng đã liên hệ với hãng hàng không Jetstar Pacific để mua lại thương hiệu Viet Airways mà Jetstar Pacific đã đăng ký sở hữu để thay thế cho Air Speed Up hay Tăng Tốc. Ông cũng hy vọng thương vụ này sẽ thành công và tính tới việc quảng bá một thương hiệu chính thức cho hãng trước ngày cất cánh.

Tuy nhiên, nỗ lực của nhạc sĩ Hà Dũng đã không có kết quả như mong đợi vì ông Lương Hoài Nam, Giám đốc điều hành của Jetstar Pacific, khẳng định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 20-8 rằng hội đồng quản trị của hãng đã thống nhất không bán thương hiệu Viet Airways cho Air Speed Up.

Theo ông Nam, Jetstar Pacific muốn giữ lại thương hiệu Viet Airways cho kế hoạch kinh doanh phát triển của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam này trong tương lai. Có thể Jetstar Pacific sẽ dùng thương hiện này cho một công ty con.

Pacific Airlines đã đăng ký thương hiệu Viet Airways với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2006 khi hãng này có kế hoạch đổi tên sau nhiều năm thua lỗ. Nhưng mọi chuyện đã đổi theo hướng tích cực kể từ khi hãng chuyển đổi sang mô hình hàng không giá rẻ từ tháng 2-2007 và nhất là sau khi nhận được vốn đầu tư của tập đoàn Qantas (Úc).

Việc đổi tên vẫn chưa thành thì liệu Air Speed Up có thể cất cánh vào mùa đông này như ông chủ Hà Dũng đã mong đợi?

Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban không tải của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) cho biết nếu Air Speed Up muốn đổi tên thì chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh đổi tên theo Luật Doanh nghiệp rồi trình đơn lên Cục và Bộ giao thông vận tải xem xét và thông qua.

Ông nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng Cục và Bộ sẽ sớm thông qua nết xét thấy việc đổi tên này là hợp pháp và đây sẽ là trường hợp đổi tên đầu tiên của một hãng hàng không Việt Nam. Ông cũng giải thích rằng trường hợp của Jetstar Pacific là định vị lại thương hiệu theo thỏa thuận giữa Pacific Airlines và hãng Jetstar Airways.

BÌNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới