Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bao giờ hết ỷ lại?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bao giờ hết ỷ lại?

Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán New York. Thị trường tài chính Mỹ đang trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử.

(TBKTSG) – Chứng kiến những gì xảy ra trên thị trường tài chính Mỹ, nhiều người cho rằng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng 1920-1933 đến nay. Câu hỏi được đặt ra là tại sao điều tồi tệ như vậy lại có thể xảy ra?

Đây là một chủ đề hết sức phức tạp cần nhiều thời gian và công sức của nhiều người mới có thể lý giải được phần nào.

Trong bài viết này, tác giả chỉ đưa ra những đánh giá sơ bộ chủ yếu dựa trên phân tích của Doug Diamond, giáo sư thuộc Đại học Yale và Anil Kashyap, giáo sư thuộc Đại học Chicago đăng trên tờ New York Times, phân tích của Charles Goodhart, giáo sư thuộc trường Kinh tế London, nguyên thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh đăng trên tờ Financial Times và qua trao đổi trực tiếp với Alfred Schipke, giảng viên về các thị trường tài chính quốc tế tại trường Harvard Kennedy.

Hoa Kỳ và các thị trường phát triển – kết thúc hay bắt đầu một thập kỷ của tâm lý ỷ lại?

Cách đây 10 năm, Chính phủ Hoa Kỳ và các ngân hàng ở phố Wall đã quyết định cứu LTCM, quỹ đầu cơ mà trong đó hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel về mô hình định giá quyền chọn Myron Scholes và Robert C. Merton ngồi trong hội đồng quản trị. Chính điều này đã tạo ra một tiền lệ rất xấu, các tổ chức tài chính ỷ lại rằng nếu có vấn đề gì đã có chính phủ đứng đằng sau ra tay cứu giúp nên họ đã dấn sâu vào những hoạt động có nhiều rủi ro hơn.

Thêm vào đó, sau dư âm của những khủng hoảng tài chính liên tiếp xảy ở các nền kinh tế mới nổi cộng với bong bóng dot.com (các công ty liên quan đến Internet) bị vỡ, nhiều người đã nghĩ rằng Hoa Kỳ là nơi có hệ thống tài chính an toàn nhất nên thi nhau đổ tiền vào. Kết quả là các tập đoàn tài chính, các ngân hàng đầu tư đã tiếp cận được dòng tiền giá rẻ, bằng chứng là lúc bấy giờ lãi suất của FED chỉ còn 1%.

Tiền được đem đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao và thiếu cân nhắc, nhất là nhờ sự biến ảo tinh vi của các công cụ tài chính mà từ những khoản nợ thế chấp bất động sản kém chất lượng trở thành những mặt hàng đắt giá được mua đi bán lại nhiều lần. Kết quả khi người vay không thể trả được nợ thì toàn bộ dây chuyền này bị sụp đổ và hàng trăm tỉ đô la biến thành mây khói đẩy các tổ chức tài chính vào chỗ phải “bán mình” hay đệ đơn phá sản.

Nhiều người cho rằng, một nguyên nhân khác gây ra cuộc khủng khoảng hiện tại là do các thị trường và công cụ tài chính phát triển quá nhanh trong khi các cơ quan quản lý và giám sát thị trường đã không theo kịp cũng như không có đủ thẩm quyền để đưa ra các quyết định.

Khi sự cố xảy ra, Hoa Kỳ đã chọn cách tiếp cận xử lý theo tình huống. Sở dĩ Bear Stearns được cứu là do lúc đó những nhà quản lý không có thông tin đầy đủ về thực tế thị trường nên họ lo ngại rằng, nếu để ngân hàng này phá sản sẽ kích hoạt sự sụp đổ của cả thị trường. Fannie Mae, Freddie Mac và AIG được cứu là do chúng “quá lớn nên không thể thất bại” (too big to fail). Nếu để chúng đổ sẽ kéo cả hệ thống đổ theo.

Ngược lại, Lehman Brothers phải đệ đơn phá sản là vì sau vụ Bear Stearns, những bên liên quan đã có đủ thời gian để chuẩn bị nên với tình huống xấu nhất xảy ra thì cũng không sao. Hơn thế, Chính phủ Hoa Kỳ không muốn tạo ra tâm lý ỷ lại (moral hazard) một lần nữa.

John Authers, biên tập mục đầu tư của tờ Financial Times đã nhận xét: “Việc phá sản của Lehman Brothers sẽ không làm chấm dứt cuộc khủng hoảng tín dụng, nhưng nó sẽ kết thúc một thập kỷ của tâm lý ỷ lại”.Với cách tiếp cận theo từng tình huống (case-by-case), thông điệp được đưa ra là nếu việc đổ vỡ của một doanh nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn thị trường thì sẽ được cứu, còn không sẽ phải phá sản.

Tuy nhiên, điều này đã tạo ra một sự bất ổn rất lớn cho toàn thị trường vì không ai biết được trong những doanh nghiệp còn lại ai sẽ là Lehman, ai sẽ là AIG tiếp theo, dẫn đến làn sóng tháo chạy trên thị trường.

Trong tình huống chẳng đặng đừng, hôm thứ Bảy vừa qua, Chính phủ Mỹ đã đệ trình lên Quốc hội gói giải pháp toàn diện với tổng ngân sách lên đến 700 tỉ đô la, một con số chưa từng có trong lịch sử nước này. Với gói giải pháp này, hiểu một cách đơn giản là chính phủ sẽ bỏ tiền ra mua lại các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp để xử lý, như điều mà nước này đã từng thành công đối với hệ thống tiết kiệm vào cuối thập niên 1980. Điều này sẽ trấn an công chúng rằng điều tồi tệ nhất đã qua.

Tuy nhiên, quyết định giải cứu cả gói nêu trên sẽ tạo ra nguy cơ tái diễn tâm lý ỷ lại rất lớn. Nếu không có những chính sách hợp lý thì không ai biết hệ quả của giải pháp này trong 10 hay 20 năm tới sẽ như thế nào. Trước đó, trong bài viết trên Financial Times, Giáo sư Charles Goodhart đã rất quan ngại về vấn đề tâm lý ỷ lại trong thời gian sắp tới.

Các thị trường mới nổi, những tác động khác nhau

So sánh với các thị trường đã phát triển, các thị trường mới nổi có sự biến động dữ dội hơn nhiều. Đây là một chủ đề khá thú vị. Tuy nhiên, bài viết của Goodhart chỉ chấm phá một vài khía cạnh của thị trường Nga, Trung Quốc và Việt Nam.

Đối với thị trường Nga, một lần nữa nó lại cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị là như thế nào, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa một cách sâu sắc. Khi tình hình nước này khá ổn định, tiến trình đàm phán gia nhập WTO tiến triển tốt, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quốc tế đã đổ hàng trăm tỉ đô la vào. Tuy nhiên, khi cuộc chiến với Georgia xảy ra, kế hoạch gia nhập WTO bị hoãn lại, các nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt rút vốn gây ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính. Nga phải đóng cửa thị trường chứng khoán hai ngày vào tuần trước.

Đối với thị trường Trung Quốc, hai trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm của thị trường cổ phiếu là do (1) tâm lý đầu cơ đã đẩy giá lên một mức không tưởng (trên 6.000 điểm) nên tạo ra áp lực xì hơi hay bong bóng vỡ; (2) tác động của những biến động ở các nền kinh tế phát triển, nhất là Mỹ khi mà hoạt động ngoại thương đóng góp một phần đáng kể vào kinh tế nước này đã tạo ra viễn cảnh không mấy sáng sủa là cú đánh bồi làm cho thị trường nước này chúc đầu đi xuống.

Đối với Việt Nam, theo Goodhart, sự sụt giảm, biến động của thị trường chủ yếu là do những vấn đề nội tại của nền kinh tế và tâm lý của những người tham gia thị trường nhiều hơn là những tác động từ bên ngoài.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn biến hết sức phức tạp nên rất khó có thể đưa ra những phân tích một cách rốt ráo. Chắc chắn nó sẽ để lại hậu quả hết sức nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ có độ mở khá lớn, sẽ chịu những tác động không nhỏ. Do vậy, việc đánh giá một cách đúng mức những tác động có thể đối với nền kinh tế là việc làm hết sức cần thiết vì rất có thể nó sẽ lớn hơn sự tưởng tượng của rất nhiều người.

HUỲNH THẾ DU – Trường Harvard Kennedy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới