Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm bắt buộc xe máy: băn khoăn các điều khoản ‘lạc nhịp’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hiểm bắt buộc xe máy: băn khoăn các điều khoản ‘lạc nhịp’

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Chính sách về bảo hiểm xe máy được dự báo sẽ phải sớm thay đổi trong bối cảnh một số quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tế cuộc sống; từ đó, dẫn đến tình trạng người sở hữu phương tiện không quan tâm đến sản phẩm, doanh nghiệp thất thu, cơ quan quản lý không đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm với tỷ lệ 100%.

Bảo hiểm xe máy 'cháy hàng' nhờ tổng kiểm tra giao thông

Phát biểu tại cuộc họp báo về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính tổ chức ngày 22-5 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho biết một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp. Cụ thể sau 10 năm triển khai, mức trách nhiệm bảo hiểm chưa theo kịp với biến động giá thị trường.

Bảo hiểm bắt buộc xe máy: băn khoăn các điều khoản 'lạc nhịp'
Người mua cần lưu ý, theo quy định của Luật Bảo hiểm thì bảo hiểm xe máy chia làm 2 loại: loại tự nguyện và loại bắt buộc. Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại bảo hiểm bắt buộc. Ảnh minh họa: TTXVN

Băn khoăn về chất lượng dịch vụ và quy trình

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) là loại bảo hiểm bắt buộc tham gia với chủ phương tiện xe cơ giới, trong đó có xe máy. Quy định này nhằm bảo vệ những nạn nhân của tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, luôn được đảm bảo bồi thường từ các công ty bảo hiểm dù người gây ra tai nạn có điều kiện tài chính hay không.

Nhiều quốc gia khác cũng triển khai loại hình tương tự, nhưng tại Việt Nam, chỉ có 30% số phương tiện tham gia bảo hiểm trên tổng số gần 60 triệu xe máy đăng ký lưu hành, đủ để cho thấy thị trường này có nhiều điểm hạn chế đáng kể dù đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Điểm đáng lưu ý đầu tiên là về phía sản phẩm. Theo đó quyền lợi bảo hiểm của Việt Nam thuộc vào nhóm thấp trên thế giới, một chuyên gia bảo hiểm nhìn nhận.

Mức trách nhiệm bồi thường hiện nay được thực hiện theo Thông tư 22 của Bộ Tài chính, ban hành năm 2016. Nhưng tại cuộc họp mới đây, chia sẻ với báo giới, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, mức bồi thường hiện nay chưa theo kịp với mức tăng của chi phí y tế và sửa chữa phương tiện. Thêm sự nhiêu khê trong khâu yêu cầu bồi thường, quyền lợi người dân lại càng trở nên phi thực tế.

“Mức bồi thường hiện tại có thể vẫn chưa đủ để bù đắp nếu thiệt hại nặng, vì vậy trong quá trình sửa đổi chính sách, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có ý kiến sẽ nâng mức trách nhiệm để đảm bảo khả năng bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn khi tham gia giao thông”, ông Nguyễn Hữu Cường, Phó giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết.

Thất bại tiếp theo là chứng nhận bảo hiểm bản giấy. “Việc bắt buộc sử dụng giấy chứng nhận bản cứng khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí như in ấn, vận chuyển, quản lý và khó khăn cho chính khách hàng trong việc lưu giữ”, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó giám đốc ban Kế hoạch-Marketing, Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết.

Để hạn chế vấn đề này, PTI phát hành song song 2 loại giấy chứng nhận, một bản “cứng” gửi khách hàng và một bản online. Mặc dù giá trị bồi thường của 2 loại này là như nhau với PTI, nhưng thực tế thì chỉ có bản giấy là có giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, quy trình bán bảo hiểm cũng tồn tại rất nhiều vấn đề vì các công ty bảo hiểm có xu hướng chiết khấu cao cho các đại lý, thậm chí lên tới 50-60% như thông tin tại cuộc họp của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm mới đây. Một lý do quan trọng là do tỷ lệ bồi thường thấp, nên các công ty bảo hiểm sẵn sàng chiết khấu để “phủ” thị trường. Theo đó, các đại lý cũng chỉ quan tâm đến doanh số mà bỏ qua khâu tư vấn để người dân thực sự hiểu rõ quyền lợi của 2 loại sản phẩm bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, thậm chí còn lập lờ để bán hàng.

Ở góc độ khác, các công ty bảo hiểm thì nhìn nhận thị trường sẽ thay đổi đáng kể khi nhận thức người dân thay đổi. “Người dân chưa quan tâm đến bảo hiểm là do chưa hiểu rõ các quyền lợi của mình”, bà Vân Anh, PTI, bình luận.

Trên thực tế, số liệu của Bảo hiểm Bảo Việt cho thấy trong năm 2019, tỷ trọng bảo hiểm bắt buộc (bao gồm cả ô tô và xe máy) chiếm khoảng 18% doanh thu bảo hiểm xe cơ giới, trong đó bảo hiểm bắt buộc với chủ xe máy thì chiếm 2% trong xe cơ giới. Điều này có nghĩa là thị trường thực sự có nhu cầu về bảo hiểm nếu như họ thấy được lợi ích thực sự. “Bảo Việt có các khách hàng nước ngoài thường mua bảo hiểm tai nan dân sự tự nguyện lên đến cả triệu đô la”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, vấn đề ý thức có lẽ sẽ tự động nâng cao khi người dân thấy rõ ràng hơn các điểm sáng trong chuỗi mắt xích bảo hiểm. Theo ông Đỗ Quang Thuận, chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm xe cơ giới còn tồn tại rất nhiều vấn đề, đó là về sản phẩm, quy trình bán hàng, bồi thường và tái tục, tức hầu như toàn bộ thị trường. “Mua bảo hiểm là để giải quyết vấn đề cho người mua, chứ không phải để đối phó. Khi đó, thị trường mới bền vững được”, ông Thuận phân tích.

Khách hàng mua bảo hiểm xe máy ở trên đường phố, chỗ thuận tiện với họ là chủ yếu. Ảnh: PTI

Kỳ vọng sự cập nhật về chính sách

Tại Việt Nam, loại hình bảo hiểm TNDS bắt buộc với chủ xe cơ giới đã có từ lâu và được cụ thể hóa trong Luật kinh doanh bảo hiểm (Luật số 24 năm 2000) và các nghị định, thông tư đi kèm. Hiện tại các quy định pháp lý được áp dụng theo Nghị định 103 ban hành năm 2008 của Chính phủ và Thông tư 22 ban hành năm 2016 của Bộ Tài chính.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết hiện Bộ tài chính và Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 103 và Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. “Hướng sửa đổi sẽ là tăng quyền lợi bảo hiểm, giảm bớt thủ tục liên quan đến hồ sơ bồi thường, sẽ áp dụng cả giấy chứng nhận truyền thống và chứng nhận bảo hiểm điện tử, tạo thuận lợi hơn cho người mua", ông Gia Anh nói.

Việc sửa đổi được kỳ vọng hoàn thành trong quí 3 năm nay, sau đó sẽ chờ thêm Thông tư hướng dẫn. Hiện vẫn chưa rõ chi tiết sẽ thay đổi như thế nào, nhưng có thể kỳ vọng thị trường sẽ dần đi theo “chuẩn mực” mới sát thực tế hơn.

Trong khi đó, chia sẻ tại cuộc họp mới đây, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đặt kỳ vọng sẽ thay đổi các quy định về thông báo, giấy tờ xe, đăng ký xe, chứng nhận bảo hiểm, trường hợp xác định tai nạn, chi phí, phí bảo hiểm và trách nhiệm các bên.

Các quy định cũng sẽ theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Thủ tục yêu cầu bồi thường cũng dự kiến sẽ cắt giảm, không cần đủ loại 5 giấy tờ như trước kia, trong đó quan trọng nhất là biên bản hiện trường của cơ quan chức năng. Một chi tiết phù hợp với lĩnh vực bảo hiểm cũng được nhắc đến, đó là mức phí bảo hiểm sẽ tương ứng với rủi ro của xe, chủ xe và người lái xe.

Theo Thông tư 22, thủ tục bồi thường cần một số giấy tờ cơ bản, bao gồm giấy tờ xe; biên bản xác nhận tai nạn của công an (để đảm bảo sự trung thực và khách quan của sự việc); giấy tờ chứng minh thiệt hại về người/tài sản như giấy viện phí, giấy tờ sửa chữa tài sản,….để làm căn cứ xác định thiệt hại. “Trên thực tế đây là những giấy tờ bắt buộc phải có để đảm bảo được sự việc bồi thường chính xác, minh bạch, đúng người, đúng việc”, vị đại diện PTI cho biết.

 

Bồi thường bình quân 5 triệu đồng/vụ với xe máy trong 10 năm qua

Theo đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu (trong đó số lượt xe máy khoảng 93,5 triệu).

Theo đó, bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng trên vụ. Trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Phân biệt các loại hình bảo hiểm

– Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba;
– Bảo hiểm tự nguyện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba;
– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hóa vận chuyển trên xe;
– Bảo hiểm vật chất xe;
– Bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe.

Những lưu ý khi mua bảo hiểm

Tham gia bảo hiểm tại các điểm bán uy tín.

Tìm hiểu sản phẩm, phạm vi bảo hiểm và các điểm loại trừ, các điều khoản bổ sung của gói sản phẩm phù hợp với chiếc xe và mức độ sử dụng.

Cần kiểm tra kỹ các thông tin quan trọng trên giấy chứng nhận như: Biển số xe, tên người thụ hưởng, thời gian hiệu lực,… để không gặp phải khó khăn khi làm các thủ tục bồi thường

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới