Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm D&O: Lá chắn bảo vệ nhà quản lý doanh nghiệp

Phạm Thị Kiều Oanh - Lê Nữ Thành Minh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý thuộc loại phải “đo ni đóng giày” theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm san sẻ gánh nặng chi phí cho các nhà quản lý trong quá trình điều hành doanh nghiệp, như khi đưa ra những quyết định sai trái và gây thiệt hại cho các cổ đông của công ty hay các bên thứ ba có liên quan. Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm này được cho là có tiềm năng lớn, nhưng nó có cần cho doanh nghiệp không?

Việc mua bảo hiểm D&O tùy thuộc vào quy mô và tính chất của từng doanh nghiệp.

Từ lâu, trên thế giới, bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý (Directors & Officers Liability Insurance, gọi tắt là bảo hiểm D&O) đã ra đời với mục đích san sẻ gánh nặng chi phí cho các nhà quản lý trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Trong trường hợp nhà quản lý đưa ra những quyết định sai trái và gây thiệt hại cho các cổ đông của công ty hay các bên thứ ba như chủ nợ, đối tác, khách hàng, bảo hiểm D&O sẽ đứng ra chi trả các chi phí và bồi thường những thiệt hại phát sinh thay cho nhà quản lý trong hạn mức bảo hiểm mà doanh nghiệp đã mua. Tuy nhiên, cần lưu ý là để được bảo hiểm chi trả, những quyết định sai của nhà quản lý phải là những hành vi không cố ý và không vì mục đích tư lợi cá nhân.

Tại Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, các thành viên công ty, cổ đông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với chủ tịch hội đồng thành viên; thành viên hội đồng quản trị; giám đốc, phó giám đốc và các nhà quản lý khác khi họ vi phạm hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của nhà quản lý theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp chuẩn bị chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc đã niêm yết, theo Luật Chứng khoán, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty; tổng giám đốc (giám đốc), giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng là những người phải ký lên bản cáo bạch và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của những nội dung được nêu trong bản cáo bạch đó.

Những quy định này tạo áp lực không nhỏ đối với các nhà quản lý doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng lớn thì rủi ro trách nhiệm của các nhà quản lý càng cao. Bảo hiểm D&O vì thế trở thành một trong những phương án giúp giải tỏa những áp lực đó.

Bảo hiểm D&O có gì?

Bảo hiểm D&O không phải là loại bảo hiểm “may sẵn” cho khách mua lựa chọn, mà nó được thiết kế phù hợp với từng doanh nghiệp. Thông thường, một hợp đồng bảo hiểm D&O được xây dựng dựa trên những phương diện khác nhau của doanh nghiệp, như mô hình tổ chức, quy mô, lịch sử hoạt động, lĩnh vực hoạt động; doanh nghiệp có dự kiến mua bán, sáp nhập hay không; số lượng thành viên góp vốn, cổ đông và tỷ lệ sở hữu của mỗi thành viên; doanh nghiệp có dự định hoặc đã niêm yết trên sàn chứng khoán hay chưa; báo cáo tài chính; kinh nghiệm của các nhà quản lý… Trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ rủi ro tiềm ẩn và nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ tính toán và đưa ra mức phí và hạn mức bảo hiểm phù hợp.

Tham khảo thông tin từ một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam, chi phí bảo hiểm và hạn mức bồi thường của bảo hiểm D&O là rất cao. Cụ thể như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đã trình cổ đông phê duyệt mua bảo hiểm trách nhiệm cho các thành viên hội đồng quản trị với mức phí là 13.200 đô la Mỹ và hạn mức bảo hiểm là 10 triệu đô la trong năm 2021; Công ty cổ phần VNG trình cổ đông phê duyệt mua bảo hiểm D&O với mức phí là 600 triệu đồng cho hạn mức bảo hiểm lên đến 480 tỉ đồng trong năm 2020.

Với sự gia tăng nhanh chóng các vụ khiếu nại đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm D&O, đơn bảo hiểm D&O có xu hướng được điều chỉnh theo hướng tăng phí bảo hiểm và thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Việc tối đa hóa khả năng bảo vệ thông qua các hợp đồng bảo hiểm D&O đang trở nên khó khăn hơn do các nhà bảo hiểm rất nỗ lực tìm cách hạn chế nguy cơ rủi ro đối với chính họ.

Việc xem xét sự cần thiết phải mua bảo hiểm D&O tùy thuộc vào quy mô và tính chất của từng doanh nghiệp, nhưng nhìn chung, đây là vấn đề cần được cân nhắc.

Theo nghiên cứu năm 2016 của Chubb, trong vòng ba năm trước đó, hơn 25% doanh nghiệp tư nhân báo cáo lỗ mà lỗi là của nhà quản lý và điều hành, 96% trong số đó bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tài chính.

Đối với các doanh nghiệp không mua bảo hiểm D&O, mức thiệt hại trung bình là 390.000 đô la Mỹ. Các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe, sản xuất, bán lẻ được cho là những nhóm doanh nghiệp dễ rơi vào những trường hợp như vừa nêu. Vì vậy, trong một số tình huống, việc mua bảo hiểm D&O lại là một sự lựa chọn khôn ngoan.

Cũng có câu hỏi rằng loại bảo hiểm này có thực sự cần thiết đối với các doanh nghiệp nhỏ? Trên thực tế, bên cạnh các vụ kiện tụng và trách nhiệm tài chính phát sinh từ các cổ đông, các doanh nghiệp nhỏ thường phải đối mặt với những vụ kiện từ khách hàng, nhà cung cấp và các bên thứ ba khác.

Khả năng bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện như vậy của doanh nghiệp nhỏ thậm chí là lớn hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh. Do vậy, việc đi đến quyết định mua hay không mua một đơn bảo hiểm D&O có giá trị lớn luôn là việc phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.

D&O tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp

Vì nhiều lý do, bảo hiểm D&O chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam. Một trong những lý do là chi phí bảo hiểm khá lớn và tính phức tạp trong quá trình thiết kế hợp đồng bảo hiểm, một phần vì có khá ít doanh nghiệp cung cấp loại hình bảo hiểm này mà thường thấy là các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài như Chartis, Liberty, ACE… Mặc dù vậy, với sự thay đổi của quy định pháp luật và tình hình thực tế, tiềm năng của bảo hiểm D&O tại Việt Nam được cho là rất lớn, nhất là khi nhu cầu được bảo vệ đối với trách nhiệm của người điều hành, người quản lý doanh nghiệp đang dần trở nên thiết thực và có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng các vụ khiếu nại đòi bồi thường bảo hiểm trách nhiệm D&O, đơn bảo hiểm D&O có xu hướng được điều chỉnh theo hướng tăng phí bảo hiểm và thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Việc tối đa hóa khả năng bảo vệ thông qua các hợp đồng bảo hiểm D&O đang trở nên khó khăn hơn do các nhà bảo hiểm rất nỗ lực tìm cách hạn chế nguy cơ rủi ro đối với chính họ.

Do vậy, khi xem xét ký kết các hợp đồng bảo hiểm D&O, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các vấn đề sau: (i) giá trị hợp đồng dựa trên đánh giá rủi ro tiềm ẩn và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; (ii) thời hạn bảo hiểm – thường là một năm, để kịp thời cập nhật theo những thay đổi của doanh nghiệp; (iii) xem xét phạm vi bảo hiểm có nên chỉ bao gồm các nhà quản lý hay nên là toàn bộ công ty? Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc kỹ phạm vi loại trừ và giới hạn bồi thường của đơn bảo hiểm, để có thể soạn thảo một hợp đồng bảo hiểm đầy đủ, rõ ràng và đảm bảo được quyền lợi của mình.

Mặc dù nhận khoản bồi thường từ bảo hiểm là điều mà các doanh nghiệp không mong muốn, vì khi đó thiệt hại thực tế đã xảy ra và ảnh hưởng đến nhiều phương diện mà có khi số tiền được bảo hiểm chi trả không đủ bù đắp cho những thiệt hại. Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm D&O cũng như sắm một chiếc phao cứu sinh cho cả doanh nghiệp lẫn các nhà quản lý doanh nghiệp trước những nguy cơ đền bù thiệt hại lớn, thậm chí vượt ngoài khả năng chi trả.

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới