Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng tốc trong 9 tháng đầu năm với tốc độ tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ. Tiềm năng của thị trường bảo hiểm còn rất lớn khi với tỉ lệ tham gia bảo hiểm mới chỉ khoảng 10%, đi kèm theo hành lang pháp lý đang được sửa đổi, dự kiến sẽ giúp thị trường tăng trưởng an toàn và ổn định hơn trong thời gian tới.

Thông tin từ Cổng Thông tin Điện tử Bộ Tài chính dẫn lại Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tính đến hết tháng 9 ước đạt 74.477 tỉ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm nhân thọ duy trì tăng trưởng với tốc độ cao từ 25-30%/năm. Hiện có 450 sản phẩm bảo hiểm trên thị trường, thuộc tất cả các nghiệp vụ, phục vụ cho hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm hơn 2,1 triệu tỉ đồng.

Tính đến hết tháng 9-2019, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 353.428 tỉ đồng, tăng 22,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng tài sản của toàn thị trường. Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế là 327.916 tỉ đồng, tăng trưởng 24% và chiếm 88,6% tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của cả thị trường bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chi trả tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm hơn 14.400 tỉ đồng. Tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 247.888 tỉ đồng, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 89,7% tổng dự phòng nghiệp vụ của toàn thị trường.

Như vậy, tỉ lệ người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay ước có thể đạt gần 10%, trong khi con số này ở nước phát triển có thể lên đến 50%-90%. Dư địa thị trường còn rất lớn khi Việt Nam có dân cư đông, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn.

Mức độ thâm nhập bảo hiểm so với GDP ở một số quốc gia

Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng bình quân 25-30%/năm
Mức độ thâm nhập bảo hiểm so với GDP của Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia khác (thời điểm năm 2016). Nguồn: Swiss Re.

Đáng chú ý, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn là sân chơi chủ yếu dành cho các công ty nước ngoài hoặc liên doanh.

Theo chia sẻ của đại diện Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, cơ chế chính sách ngày càng thuận lợi hơn với các doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể, Nghị định số 151/2018 của Chính phủ đã cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.

Các sản phẩm bảo hiểm cũng ngày càng đa dạng nhờ những quy định riêng tạo ra hành lang pháp lý, chẳng hạn như như bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, kênh phân phối ngân hàng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 165/2018, bổ sung hướng dẫn đối với các giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm, nhằm tạo hành lang cho các doanh nghiệp triển khai ứng dụng bảo hiểm kỹ thuật số.

Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242, phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Luật bảo hiểm sửa đổi hiện đang được nghiên cứu và xây dựng.

Có nhiều nội dung sẽ sửa đổi trong bộ luật kinh doanh bảo hiểm ra đời vào năm 2000 và sửa đổi bổ sung vào năm 2010. Trong đó một vấn đề quan trọng là việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm, phục vụ công tác quản lý giám sát, vừa là  xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới