Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo hiểm thất nghiệp không phải cứu cánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hiểm thất nghiệp không phải cứu cánh

(TBKTSG) – Con số thất nghiệp của Việt Nam hiện là bao nhiêu? Chưa ai biết chính xác. Trả lời các phóng viên tại cuộc họp báo công bố Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ông Nguyễn Ðại Ðồng – Cục trưởng Cục việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho biết hiện bộ đang yêu cầu các sở báo cáo và sẽ có số liệu chính thức sớm nhất vào quí 1-2009.

Khi chưa có số liệu chính xác về thất nghiệp, cũng như chưa thấy bức tranh ở từng khu vực thì các chính sách về thất nghiệp sẽ gặp những rào cản rất lớn khi thực thi.

Với tình hình cắt giảm việc làm và những tín hiệu xấu về kinh tế năm 2009, chính sách BHTN là rất cần thiết, song vẫn còn không ít băn khoăn xung quanh Nghị định 127.

Thứ nhất, để hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động phải hội đủ 3 điều kiện: đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm; chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ khi đăng ký.

Như vậy, trong năm 2009 sẽ chưa có ai được hưởng chính sách này. Sớm nhất phải đầu năm 2010, tức là đủ 12 tháng đóng, lao động thất nghiệp mới được hưởng. Và tình hình lao động thất nghiệp trong năm 2009 coi như chưa có hướng giải quyết.Thứ hai, theo Nghị định 127, lao động được hưởng BHTN phải làm việc theo hợp đồng tối thiểu từ 12 tháng trở lên và chủ sử dụng lao động phải sử dụng tối thiểu 10 lao động trở lên.

Ở Việt Nam đang có hàng trăm ngàn doanh nghiệp có số lao động dưới 10 người. Những doanh nghiệp nhỏ này theo dự báo sẽ là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng đầu tiên do suy thoái kinh tế, bởi sức đề kháng luôn yếu nhất, nhưng lao động trong các doanh nghiệp đó sẽ không được hưởng chính sách BHTN.

Việc quy định như trên vô tình gây phân hóa doanh nghiệp lớn và nhỏ, gây khó khăn hơn cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc tuyển người. Việt Nam hiện có trên 9 triệu lao động chính thức và gần 36 triệu lao động phi chính thức.

Tại các đơn vị sản xuất nhỏ như làng nghề hoặc lao động thời vụ thì rất khó có hợp đồng để đủ điều kiện tham gia BHTN cho người lao động. Như vậy, có thể thấy số lao động tham gia BHTN sẽ rất ít so với số người thất nghiệp thực.

Thứ ba, Quỹ BHTN được hình thành từ 1% tiền lương do người lao động đóng, người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN.

Ngoài chức năng chính, quỹ còn được phép tham gia các hoạt động đầu tư để gia tăng giá trị cho quỹ như mua trái phiếu, tín phiếu, công trái, cho các ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngân hàng chính sách vay và các hình thức đầu tư khác (không loại trừ chứng khoán, bất động sản…). Vậy không thể không tính đến các biện pháp giám sát, quản lý để tránh tình trạng lạm dụng, chiếm dụng vốn… và các cơ chế minh bạch để duy trì tính ổn định của quỹ.

Thứ tư, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với những doanh nghiệp gặp khó khăn thời gian qua đã nảy sinh nhiều vấn đề chưa giải quyết, vậy nếu doanh nghiệp tham gia BHTN lách luật bằng cách ký hợp đồng dưới 12 tháng và ký mức lương ghi trong hợp đồng thấp hơn nhiều so với thực tế hoặc nếu doanh nghiệp ký hợp đồng cho người lao động từ 12 tháng trở lên để đủ tiêu chuẩn được tham gia BHTN nhưng mới được sáu tháng, chủ sử dụng đã hết việc thì xử lý thế nào?

Chính sách BHTN quy định: trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng, người thất nghiệp phải đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm. Ngoài việc được hỗ trợ tiền do tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả, lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới và hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng đầu mối để người lao động liên hệ ở đâu còn chưa rõ. Các thủ tục hành chính như hiện nay quả chưa dễ dàng cho những người thất nghiệp.

Chính sách BHTN cũng quy định thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là ba tháng (nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN), sáu tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; chín tháng nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên. Tức người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp quá 12 tháng.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần những chính sách dài hơi cho 75% lao động đang chủ yếu làm việc trong khu vực nông thôn, và giải quyết các vấn đề như tính bất cân đối, công bằng giữa thị trường lao động các vùng, các ngành nghề, giới, trình độ và độ tuổi…

Chính sách về bảo hiểm thất nghiệp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội họp báo công bố công bố hôm 22-12, trước khi có hiệu lực chỉ chín ngày, khiến nhiều người cho rằng quá cập rập. Song, với tình hình hiện nay không thể chậm hơn nữa trong triển khai các vấn đề liên quan đến việc làm.

HỒNG PHÚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới