Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ thương hiệu: Chọn ủy quyền hay tự đăng ký?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo hộ thương hiệu: Chọn ủy quyền hay tự đăng ký?

Lan Nhi

(KTSG Online) – Sau khi 4 doanh nghiệp ở Mỹ và 2 doanh nghiệp ở Úc tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 , số lượng các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tăng lên rất nhiều. Vấn đề được quan tâm là doanh nghiệp chọn cách ủy quyền đăng ký thương hiệu hay tự tiến hành đăng ký thương hiệu cho hiệu quả.

Bảo hộ thương hiệu: Chọn ủy quyền hay tự đăng ký?
Gạo ST25 bắt đầu cuộc chiến giành lại nhãn hiệu ở Mỹ và Úc Ảnh: Nam Bình

Cách đây một ngày, Tập đoàn PAN công bố việc nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với giống cây trồng ST24 và ST25 cũng như đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa liên quan và thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Trong trường hợp này là lấy lại thương hiệu gạo ST24, ST25 hiện đang bị các doanh nghiệp ở Mỹ và Úc đăng ký trong thời gian qua.

Việc nhận ủy quyền của Tập đoàn PAN xuất phát từ đề nghị của ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả phát minh ra giống lúa ST25 (giống lúa cho ra gạo ST25 của Việt Nam nhận giải “Gạo ngon nhất thế giới” cuối năm 2019) và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, doanh nghiệp gia đình của ông Hồ Quang Cua và cũng là đơn vị giữ bản quyền giống lúa ST25. PAN là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Doanh nghiệp này hiện đang xuất khẩu gạo đến các thị trường nước ngoài đồng thời cũng là nhà sản xuất gạo ST24, ST25 vào loại lớn nhất nước thông qua công ty thành viên là Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed).

Việc ủy quyền của ông Cua và công ty gia đình cho thấy các cá nhân và doanh nghiệp Việt dù là chủ sở hữu nhưng chưa thông thạo các luật lệ thương mại quốc tế, muốn chọn một giải pháp ủy quyền an toàn cho bên thứ ba như Tập đoàn PAN có nhiều kinh nghiệm giao thương.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn tự làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Anh, Úc hay các quốc gia khác thì đều có hướng dẫn cụ thể.

Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, để bảo vệ được thương hiệu thì trong quá trình đăng ký tại Anh bạn phải làm những thủ tục sau:

Kiểm tra thương hiệu của bạn có đủ điều kiện làm nhãn hiệu thương mại hay không.Thương hiệu của bạn phải là duy nhất. Nó có thể bao gồm: từ ngữ, âm thanh, biểu tượng, màu sắc và sự kết hợp của các yếu tố trên
Thương hiệu đăng ký không thể: có nội dung xúc phạm (ví dụ như chứa hình ảnh khiêu dâm), hoặc  gây hiểu lầm, ví dụ: sử dụng từ "hữu cơ" cho hàng hóa không phải là hữu cơ;

Muốn kiểm tra xem thương hiệu của bạn đã được đăng ký chưa thì trước khi nộp đơn, bạn phải tìm trong cơ sở dữ liệu nhãn hiệu xem đã có ai đăng ký nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự cho hàng hóa như bạn không.

Bạn cũng phải kiểm tra với Phòng đăng ký nhãn hiệu của Liên minh Châu Âu trên trang web của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu để biết xem có bất kỳ đơn đăng ký nào ở Liên minh Châu Âu 'đang chờ xử lý' vào ngày 1-1-2021. Những đơn đăng ký này được ưu tiên hơn đơn đăng ký của bạn.

Trường hợp đăng ký, có thể sử dụng luật sư về nhãn hiệu thương mại để giúp bạn xác minh các thông tin nêu trên và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Doanh nghiệpcó thể tìm kiếm các nhãn hiệu thương mại tương tự với nhãn hiệu định đăng ký nhưng trong các lĩnh vực khác theo link dưới đây: https://www.gov.uk/…/searc…/trade-mark-cross-search-list

Sau đó, có thể nộp hồ sơ để đăng ký thương hiệu hàng loạt, thậm chí nếu có các phiên bản tương tự của nhãn hiệu thương mại của mình, doanh nghiệp có thể đăng ký hàng loạt cho tối đa 6 nhãn hiệu ( khác biệt nào nếu có phải là rất nhỏ).

Doanh nghiệp sẽ nhận được phản hồi về đơn đăng ký của mình (được gọi là 'báo cáo kiểm tra') trong vòng 12 tuần (60 ngày làm việc).

Cũng có thể đăng ký online theo đường link dưới đây: https://trademarks.ipo.gov.uk/ipo-apply

Người đăng ký chỉ phải trả 100 bảng Anh (khoảng 3,3 triệu đồng) chi phí ban đầu, cộng với 50 bảng Anh cho mỗi phân loại bổ sung. Sau đó, bên đăng ký sẽ nhận được một báo cáo cho bạn biết liệu hồ sơ của bạn có đáp ứng các quy tắc hay không. Nếu muốn tiếp tục, doanh nghiệp phải trả toàn bộ phí trong vòng 28 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo.

Bạn cũng có thể chọn tiếp tục việc nộp đơn của mình ngay cả khi nó có thể không đáp ứng các quy tắc đăng ký. Trong trường hợp này, bạn phải chuẩn bị thuê luật sư thương hiệu để bảo vệ Đơn đăng ký của mình (có mức phí đi kèm). Thậm chí gửi đơn đăng ký qua đường bưu điện.

Nếu người thẩm định không phản đối, đơn đăng ký của doanh nghiệp sẽ được đăng trên tạp chí nhãn hiệu trong 2 tháng, trong thời gian đó bất kỳ ai cũng có thể phản đối nếu họ có lý do xác đáng.

Thương hiệu của bên đăng ký sẽ được đăng ký sau khi mọi phản đối được giải quyết và sẽ nhận được chứng chỉ để xác nhận điều này.

Trường hợp hồ sơ đăng ký của bạn bị phản đối, bên đăng ký có thể rút đơn hoặc thương lượng với người phản đối, hoặc bảo vệ hồ sơ đăng ký. Nhưng không thể đăng ký thương hiệu của mình cho đến khi mọi phản đối được giải quyết. Bên đăng ký có thể phải trả chi phí pháp lý nếu bạn muốn tranh tụng với bên phản đối.

Quá trình đăng ký mất khoảng 4 tháng nếu không có ai phản đối. Thương hiệu đã đăng ký được bảo hộ 10 năm. Sau khi thương hiệu được đăng ký, phải báo cáo bất kỳ thay đổi nào đối với tên, địa chỉ hoặc địa chỉ email cho bên bảo hộ.

Doanh nghiệp có thể phản đối các nhãn hiệu của người khác, chẳng hạn nếu cho rằng chúng giống hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký. Bên đăng ký có thể bán, tiếp thị, cấp phép và thế chấp nhãn hiệu thương mại của mình.

Thương hiệu của bạn sẽ tồn tại trong 10 năm và gia hạn sau thời gian đó.

Thương hiệu chưa đăng ký thì các bên có thể ngăn hay phản đối người khác sử dụng một thương hiệu tương tự với nhãn hiệu của cá nhân/ doanh nghiệp mình trên hàng hóa và dịch vụ của họ ngay cả khi chưa đăng ký nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, việc này khó hơn nhiều việc bảo vệ một nhãn hiệu đã đăng ký. Trong các trường hợp như vậy, bên phản đối sẽ cần tư vấn pháp lý từ luật sư thương hiệu.

Các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Anh quốc có thể gửi email tới: uk@moit.gov.vn để được hỗ trợ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới