Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo lãnh cho các dự án PPP: Nên làm theo cách nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo lãnh cho các dự án PPP: Nên làm theo cách nào?

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) mới hầu như bị ngưng trệ trong thời gian gần đây do các nhà đầu tư e ngại tính rủi ro cao của dự án.

Nhiều ý kiến không đồng tình với việc bảo lãnh cho các dự án này. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Chính phủ vẫn có thể bảo lãnh dự án nhưng phải thiết kế các điều kiện kiểm soát bảo lãnh ngặt nghèo.

Nhà đầu tư ngoại lại muốn đảm bảo doanh thu tối thiểu cho các dự án PPP

Nhà đầu tư muốn Chính phủ chia sẻ rủi ro trong PPP

Bảo lãnh cho các dự án PPP: Nên làm theo cách nào?
Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có nhiều đoạn đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, có đoạn là các dự án BOT. Ảnh:TL

Bảo lãnh PPP trong kế hoạch vay – trả nợ công

“Sách trắng” 2019 của Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (EuroCham) mới công bố gần đây có nhắc lại đề nghị mà các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nếu tham gia vào các dự án hợp tác công – tư (PPP) tại Việt Nam. Đó là trong dự thảo luật PPP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)soạn thảo cần có quy định về khả năng cung ứng và giải ngân của cơ quan Nhà nước thông qua phát triển dự án, nhất là “phải đảm bảo doanh thu cho dự án”.

Đảm bảo doanh thu cho dự án là một cách nói khác của hình thức Nhà nước phải cam kết bảo lãnh cho dự án trong trường hợp doanh thu không đảm bảo mức như hợp đồng đã ký cho cả đời dự án thì Nhà nước phải bỏ ngân sách trả bù.

Tuy nhiên hiện nay không có một quy định nào về việc bảo lãnh cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại tại các dự án PPP. Nhất là trong điều kiện nợ công phải kiểm soát chặt chẽ và hai năm gần đây, hầu như chỉ có 1, 2 dự án đầu tư vào truyền tải điện của quốc gia được Nhà nước cấp bảo lãnh Chính phủ. Ngoài ra không có dự án nào được bảo lãnh nữa.

Nhưng không bảo lãnh thì các nhà đầu tư ngoại cũng không muốn tham gia đấu thầu các dự án BOT sau khi tính toán thiệt hơn.

Để giải quyết vấn đề này, khi tham gia góp ý dự thảo luật PPP do Bộ KH&ĐT soạn thảo, VCCI thừa nhận, bảo lãnh hay không bảo lãnh đối với các dự án PPP đang là tranh luận lớn. Nếu không chấp nhận bảo lãnh thì khó thu hút nhà đầu tư tư nhân, nhất là nhà đầu tư ngoại hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Song nếu bảo lãnh thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây ra những hệ lụy lớn cho ngân sách về dài hạn.

Giải pháp mà VCCI đề xuất trong văn bản gửi Bộ KH&ĐT hôm 26-3 là “vẫn chấp thuận cho phép bảo lãnh nhưng phải thiết kế thật tốt cơ chế quản lý rủi ro các khoản mục này”.

Hiện có khá nhiều hình thức bảo lãnh như: bảo lãnh khoản vay, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh biến động tỷ giá, thậm chí là bao tiêu sản phẩm.

Theo phân tích của VCCI, Luật Quản lý nợ công và Nghị định 91/2018 về bảo lãnh Chính phủ đã đặt ra khá nhiều công cụ để kiểm soát rủi ro cho các khoản bảo lãnh như mức bảo lãnh, điều kiện để được bảo lãnh, hạn mức tối đa cho tổng các khoản bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 5 năm và hàng năm, tài sản thế chấp hay các biện pháp xử lý rủi ro…

Có đưa điều kiện bảo lãnh vào Luật PPP hay không, VCCI cho rằng cần thiết kế các công cụ kiểm soát rủi ro tương tự như trên, thậm chí phải chặt chẽ hơn. Bởi khi dự án gặp rủi ro thì Nhà nước đều phải dùng tiền ngân sách để trả cho nhà đầu tư. Do vậy việc cam kết phải được kết nối với việc lập kế hoạch ngân sách, vay trả nợ công.

Công khai tối đa các dự án PPP

Hiện nay luật không có quy định công khai các bản hợp đồng BOT, BT (xây dựng – chuyển giao) giữa Nhà nước với các nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng người dân – bên trả phí, đáng lẽ phải là chủ thể được tham gia, được biết các dự án này lại không có bất cứ thông tin gì về dự án.

Nhiều dự án BOT đã bị kiểm toán rút thời gian thu phí hơn 10 năm, phải giảm mức phí hay bị người dân phản ứng dữ dội đều xuất phát từ việc không công khai về hợp đồng dự án.

VCCI cho rằng việc công khai, minh bạch dự án cần được quy định chặt chẽ hơn cả các dự án đầu tư công. Vì trường hợp các dự án đầu tư công mà người dân có những phản ứng thì Nhà nước có thể chủ động điều chỉnh dự án mà không cần điều chỉnh hợp đồng. Đối với các dự án PPP thì việc điều chỉnh dự án thường sẽ kéo theo việc phải đàm phán lại giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Do vậy nếu dự án được tham vấn kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn đầu sẽ giảm nguy cơ này.

Tất nhiên có quan điểm cho rằng, việc công khai và minh bạch, lấy ý kiến về hợp đồng dự án ngay từ giai đoạn đầu sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại vì hợp đồng kinh tế có những điều khoản cần được đảm bảo bí mật cho các bên. Song về dài hạn, một khi dự án nhận được sự đồng thuận cao thì nguy cơ bị phản ứng sau này sẽ thấp hơn. Và nhà đầu tư sẽ gặp ít rủi ro hơn nếu là những nhà đầu tư “sạch”. Do vậy không nên chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn công khai, minh bạch để thu hút nhà đầu tư.

Các nội dung dự kiến công khai, minh bạch bao gồm: công khai ít nhất 60 ngày trước khi ký kết với các nội dung cụ thể từ báo cáo tiền khả thi đến báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, dự thảo hợp đồng. Chỉ riêng những nội dung thuộc về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, tài sản trí tuệ chưa được công bố thì không công bố. Các nội dung công khai về PPP sẽ được đăng trên trang web của Bộ KH&ĐT và phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các vùng dự án cũng như các bên liên quan.

Vị trí đặt bình chọn

Mời xem thêm:

Nhà đầu tư ngoại lại muốn đảm bảo doanh thu tối thiểu cho các dự án PPP
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới