Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo lãnh vay vốn kích cầu: không dễ cho doanh nghiệp nhỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo lãnh vay vốn kích cầu: không dễ cho doanh nghiệp nhỏ

Doanh nghiệp chế biến điều đa phần thiếu máy móc thiết bị để thế chấp, phải vay vốn bằng tín chấp có bảo lãnh của VDB nhưng con đường bảo lãnh không dễ – Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) – Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh của Chính phủ đã không quên doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng bởi thiếu tài sản thế chấp, nên đã chỉ định Ngân hàng Phát triển Việt Nam đứng ra bảo lãnh.

Nhưng con đường tiếp cận Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của các doanh nghiệp nhỏ để được vay vốn hỗ trợ 4% lãi suất không hề đơn giản chút nào.

Chờ tới khi bảo lãnh thì hết cơ hội

Giám đốc một nhà máy chế biến hạt điều ở Bình Dương không muốn nêu tên, kể câu chuyện đi vay vốn kích cầu của mình và dùng hai từ “gian nan”. Doanh nghiệp của ông thuộc dạng nhỏ mà các đồng nghiệp trong ngành điều thường đùa là “phân xưởng” chứ chẳng phải nhà máy gì to tát. Nên khi biết mình thuộc dạng doanh nghiệp nhỏ, có vốn điều lệ dưới 20 tỉ đồng hoặc dưới 500 công nhân, được VDB bảo lãnh vay vốn hỗ trợ lãi suất, ông quyết định đi xin bảo lãnh để được vay vốn.

Mang hồ sơ của mình tới ngân hàng thương mại quen lâu nay đề nghị vay vốn lưu động để mua hạt điều thô và trả lương công nhân, ông nhận cái gật đầu của lãnh đạo ngân hàng. Mặc dù nợ cũ ông vừa chạy vạy trả hết nhưng vì phương án kinh doanh không có tài sản thế chấp tương ứng với số vốn đề nghị vay, nên ngân hàng thương mại chỉ ông sang VDB để được bảo lãnh.

Nhà máy của ông thì chỉ có mảnh đất, nhà xưởng thì đơn sơ, bên trong vài cái máy bóc tách vỏ điều chẳng giá trị mấy (đa phần các nhà máy chế biến điều nhỏ hiện nay hơn 50% quy trình sản xuất được làm bằng tay), nên làm sao có thể vay thế chấp với ngân hàng thương mại.

Ông mang hồ sơ tới VDB. Tới đây thì ông được nhân viên ngân hàng hỏi có còn nợ thuế hay không? Vậy là ông phải chạy tới cơ quan thuế xin xác nhận không nợ thuế nhưng cũng phải chờ đợi vài ngày, lý do thì ai cũng biết là cơ quan thuế còn phải truy cứu hồ sơ thuế của doanh nghiệp.

Xong thủ tục này thì VDB lại yêu cầu doanh nghiệp ông dùng 100% tài sản bảo đảm hình thành vốn vay của ngân hàng để làm thế chấp bảo đảm cho khoản bảo lãnh của VDB. Lúc này ông mới “vò đầu bứt tai” thật sự khi mà  ông chưa được vay thì làm gì có tài sản hình thành từ vốn vay để thực hiện bảo lãnh. Hơn nữa, tài sản hình thành từ vốn vay của doanh nghiệp ông chính là hạt điều thô mua về trong kho hay hạt điều nhân sau chế biến, có thể hôm nay còn trong kho, ngày mai bán cho người khác hay xuất khẩu.

“Hạt điều thô tôi mua về trong kho hôm nay 10 tấn nhưng ngày mai còn chỉ vài tấn vì phải đưa ra chế biến; hạt điều nhân cũng vậy, hôm nay nhập kho được 10 tấn nhưng ngày mai có khi chẳng còn tấn nào, vì còn phải bán nữa chứ”, ông nói. Hơn nữa, nhân viên ngân hàng VDB nói với ông là có thể ông phải chờ tới 20 ngày để họ thẩm định hiệu quả của phương án kinh doanh và nếu họ đồng ý, còn phải chờ thêm nhiều ngày nữa để ngân hàng xem xét có chấp thuận bảo lãnh hay không, trong khi mùa vụ thu hoạch hạt điều thô trong nước chỉ tập trung trong 3 tháng là 3, 4 và tháng 5.

Điều làm ông khó hiểu là họ đã thẩm định phương án vay vốn của doanh nghiệp nhưng lại yêu cầu thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay thì khác nào họ không tin vào kết quả thẩm định của mình. Vậy là ông từ bỏ ý định vay vốn kích cầu có bảo lãnh, vay mượn bạn bè người thân cho kịp mua điều thô theo thời vụ, còn hơn là chờ “dài cổ” mới có bảo lãnh vay vốn.

Doanh nghiệp nhỏ thiệt thòi

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết nhà nước khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nông thôn, các nhà máy chế biến điều, phần lớn còn thủ công nên dù là doanh nghiệp nhỏ vẫn dùng nhiều lao động. Thế là nhà máy có trên 500 công nhân thì không tính là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không được bảo lãnh vay vốn kích cầu của VDB. Trong khi trên thực tế, nhà máy điều có cả ngàn công nhân thì vẫn là doanh nghiệp nhỏ, tài sản chẳng có gì nhiều.

Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại tính tới ngày 3-4 đạt 202.130 tỉ đồng, trong đó nhóm ngân hàng quốc doanh và quỹ tín dụng nhân dân chiếm 74,7%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 20,85%, ngân hàng liên doanh và 100% vốn nước ngoài chiếm 4,27% còn lại là các công ty tài chính. Theo Ngân hàng Nhà nước

Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện về số lượng lao động để vay vốn kích cầu có bảo lãnh không ít thì nhiều vướng nợ vay cũ, vướng tài sản thế chấp và cả nghĩa vụ thuế. Tại hội nghị giao ban xuất khẩu thủy sản tổ chức ngày 3-4 tại TPHCM, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản quy mô nhỏ cũng cho biết họ gần như khó, thậm chí là không thể tiếp cận việc bảo lãnh vay vốn kích cầu theo quy định của Chính phủ.

Do vậy nên nhiều doanh nghiệp nhỏ gần như không tiếp cận được khâu bảo lãnh của VDB, nếu có thì theo nhiều hiệp hội doanh nghiệp con số này rất ít.

Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại được quy định tại Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21-1- 2009 của Thủ tướng Chính phủ và VDB chính thức nhận bảo lãnh trong toàn hệ thống của mình kể từ ngày 1-3.

Trên trang chủ www.vdb.gov.vn của VDB cho biết, hiện đã có 30 trong 85 ngân hàng thương mại đầu mối trong cả nước đã ký thoả thuận với VDB về bảo lãnh vay vốn kích cầu và tính tới ngày 27-3, hệ thống của VDB đã tiếp nhận 506 hồ sơ đề nghị bảo lãnh. Trong đó, VDB đã thẩm định 177 hồ sơ, gồm bảo lãnh 152 hồ sơ với giá trị vốn vay chấp thuận bảo lãnh 703,95 tỉ đồng/2.102,5 tỉ đồng giá trị thực hiện dự án, phương án của doanh nghiệp và từ chối 25 hồ sơ không đủ điều kiện. Còn lại 329 hồ sơ đang được thẩm định với nhu cầu vốn vay 4.281,1 tỉ đồng.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước mấy ngày qua công bố trên báo chí rằng sau 2 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, hơn 202.130 tỉ đồng tiền vốn vay hỗ trợ lãi suất đã đến các đối tượng đang cần vay vốn. So sánh số vốn vay được VDB bảo lãnh là 703,95 tỉ đồng với con số 202.130 tỉ đồng trên, có thể thấy được doanh nghiệp nhỏ thiếu tài sản thế chấp đang khó tiếp cận vốn kích cầu.

HỒNG NGỌC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới