Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Báo lời sau 10 năm báo lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Báo lời sau 10 năm báo lỗ

Minh Tâm thực hiện

Ông Nguyễn Trọng Hạnh.

(TBKTSG) – Trong sáu tháng đầu năm, số thuế thu được của Cục Thuế TPHCM đạt hơn 60% kế hoạch cả năm (chỉ tiêu năm 2011 là 110.396 tỉ đồng), tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được xác định là do số thuế thu được từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng hơn hẳn mọi năm khi nhiều doanh nghiệp báo cáo kinh doanh có lãi. Theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, đây là hiệu quả bước đầu của các biện pháp chống chuyển giá mà ngành thuế đang áp dụng. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM, xung quanh câu chuyện này.

TBKTSG: Thưa ông, cơ quan thuế dựa vào những dấu hiệu nào để xác định và làm rõ doanh nghiệp có chuyển giá hay không?

– Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Nếu nói dấu hiệu thì nhiều lắm. Dễ thấy nhất là các báo cáo thuế thể hiện lỗ liên tục nhiều năm. Hiện nay chúng tôi đang áp dụng phương pháp xác suất thống kê qua việc xác lập, phân tích số liệu để phân loại và sàng lọc đối tượng. Sẽ có các nhóm doanh nghiệp được phân loại ra từ quá trình đó, gồm nhóm ít rủi ro gian lận, nhóm có nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao. Hiện chúng tôi đang tập trung làm sâu với nhóm có nguy cơ gian lận rất cao, chiếm trên dưới 10% tổng số doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ.

Ví dụ, chúng tôi áp vào khoảng 1.000 doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ nhiều tiêu thức về thuế suất, tồn kho, lãi suất ngân hàng… để phân tích ra các loại với từng nấc nguy cơ nói trên. Từ kết quả này, chúng tôi lại sàng lọc thêm một bước bằng cách áp thêm tiêu thức ngành nghề, ra 100 doanh nghiệp có nguy cơ cao chẳng hạn. Nhưng nhân lực có hạn, chỉ làm được 50 doanh nghiệp, tức là ưu tiên những gì có thể làm trước, sát với khả năng của mình.

TBKTSG: Có phân biệt doanh nghiệp trong nước và ngoài nước không, thưa ông?

– Không có sự phân biệt nào ở đây, doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước. Chúng tôi cứ lựa ra những doanh nghiệp có khả năng lách thuế nhiều nhất mà làm.

TBKTSG: Nhưng nếu thế thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu chưa được sờ tới. Như ông nói, dấu hiệu của chuyển giá thì nhiều lắm?

– Đúng là như vậy. Nhưng tôi xin nhấn mạnh, chúng tôi phải dựa trên điều kiện hiện có mà quyết định và lựa chọn cách quản lý thích hợp. Ở các tỉnh, thành khác, số doanh nghiệp chỉ có khoảng vài ngàn. TPHCM, con số đó gấp đến 20 lần với 160.000 doanh nghiệp lớn nhỏ. Chỉ tính riêng Chi cục Thuế quận Tân Bình đã phải quản lý tới 14.000 doanh nghiệp. Ở đấy có 40 nhân viên, tính ra một người theo tới hơn 300 hồ sơ.

Nói rộng ra ở toàn Cục Thuế. Năm 1995, năm tôi bắt đầu về công tác tại đây, thống kê có 8.000 doanh nghiệp trên địa bàn, số thuế hàng năm là 8.000 tỉ đồng. Lúc đó nhân viên ngành thuế là 3.800 người. Đến nay, số doanh nghiệp là 160.000, số thuế lên trên 110.000 tỉ/năm mà nhân viên là 3.900 người. Doanh nghiệp tăng 20 lần, số thuế tăng gần 15 lần mà nhân viên không tăng. Nói thế để thấy khối lượng, áp lực công việc lớn như thế nào. Thêm nữa, ngày trước, doanh nghiệp nào cũng kiểm tra quyết toán mỗi năm. Hiện nay thì khác, không thể cứ vào kiểm tra bất tử. Phải xác định trước. Đã kiểm tra là phải đúng, phải chính xác. Do vậy chúng tôi áp dụng phương pháp quản lý tương thích, sử dụng thống kê với xác suất nhất định.

TBKTSG: Với các doanh nghiệp thuộc nhóm nguy cơ rất cao, cơ quan thuế sẽ làm gì tiếp theo để làm rõ nghi vấn và truy thu thuế cho ngân sách?

– Một trong những cách chúng tôi đang làm là đấu tranh trực diện. Tức là mời doanh nghiệp lên nói chuyện, chứng minh điều bất hợp lý. Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy, cách này có hiệu quả. Gần như tất cả các doanh nghiệp mời lên đều khai hết. Nói tình, nói lý. Ví dụ có doanh nghiệp tôi lấy ra 11 cái báo cáo quyết toán của 11 năm liên tiếp rồi lấy ra ba con số thôi: doanh thu, chi phí, lợi nhuận để chỉ ra các điểm bất hợp lý. Chúng tôi đặt câu hỏi để họ trả lời: có ai làm ăn kinh doanh mà năm này qua tháng khác kêu lỗ nhưng doanh thu liên tục tăng lên? Năm 2009-2010, chúng tôi gặp 40 doanh nghiệp, làm việc trên từng hồ sơ thuế. Phần lớn sang năm 2010 đã báo có lãi. Cá biệt có doanh nghiệp 10 năm báo lỗ, năm 2010 báo lời hơn 100 tỉ đồng.

Tất nhiên, không phải chỉ đơn giản như thế. Nhiều ông cũng cứng đầu lắm. Chúng tôi tiếp tục lựa ra một số chuyển sang cơ quan cảnh sát kinh tế để điều tra, có báo trước cho doanh nghiệp biết.

Nói chung, cũng giống như các nước, để có thể truy thu thuế từ các doanh nghiệp dùng cách chuyển giá để lách thuế là nghiệp vụ thuế vô cùng khó khăn. Thanh tra, kiểm tra vất vả mới ra con số. Ngành thuế Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó có phần chuyển giá trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các nước, ví dụ như áp dụng cách thỏa thuận giá tính trước, thỏa thuận đa phương hoặc song phương. Dự kiến đến giữa năm 2012, Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua. Khi đó, công tác chống chuyển giá sẽ có thêm nhiều công cụ hiệu quả để thực hiện, áp dụng.

Theo ông Hạnh, thời gian qua cơ quan thuế đã phát hiện trường hợp doanh nghiệp trong nước chuyển giá. Ông Hạnh cho hay, doanh nghiệp trong nước chuyển giá bằng hai hình thức chính. Thứ nhất, xây dựng nhiều doanh nghiệp trong một nhóm qua các hình thức liên doanh liên kết, đặt ở các khu vực khác nhau. Sau đó, tìm mọi cách để chuyển lợi nhuận sang công ty đang ở khu vực hưởng ưu đãi thuế, ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập hoặc sang doanh nghiệp đang trong thời gian được ưu đãi thuế.

Hình thức thứ hai là chuyển giá lời, làm đẹp hồ sơ chuẩn bị cho doanh nghiệp lên sàn bán cổ phiếu. Ví dụ xây dựng nhóm năm doanh nghiệp và chuẩn bị cho công ty số 1 lên sàn. Năm đầu tiên, hy sinh công ty số 2, chuyển lỗ sang cho công ty số 1. Các năm tiếp theo làm tương tự với các công ty còn lại. Qua các năm thì công ty số 1 sẽ có đường biểu diễn lợi nhuận tăng trưởng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Do vậy hấp dẫn nhà đầu tư khi lên sàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới