Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bạo lực trong năm 2011

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bạo lực trong năm 2011

Như Quang

Bạo lực trong năm 2011(TBKTSG) – Đọc báo hàng ngày hay theo dõi thông tin trên mạng, chẳng cần phải là người bi quan, cũng có thể tổng kết được rằng năm vừa qua quả là thời bạo lực hoành hành. Chỉ với những đầu đề của một số bản tin được liệt kê dưới đây, lấy từ một phương tiện tuyền thông duy nhất, vào một ngày được chọn một cách tình cờ trong tháng Mười Một vừa qua, người ta cũng đã có thể thấy được những nét nổi bật của một thứ bạo lực không thể không gây lo ngại và suy nghĩ.

Bị trêu có bồ, chích điện chết vợ; Bị giết vì… số điện thoại của em gái; Mất mạng vì điếu thuốc lá; Bị chém vì nói bạn nhậu là “phi công trẻ”; Truy sát náo loạn tại quán nhậu; Hung thủ giết người do mâu thuẫn trong quán bar đầu thú; Đâm chết bạn vì không mở cổng;
Em trai hầu tòa vì giết anh ruột; “Phê” ma túy, cháu dùng chày giết bà nội; Cha nhẫn tâm đốt con trai 3 tuổi; Nữ sinh “lận” dao xử bạn học.

Những nét đáng chú ý

Bạo lực như ngày càng được sử dụng với một sự dễ dãi khiến người ta phải kinh hoàng. Những vụ giết người hầu như không có lý do, hay với những lý do chẳng ai có thể tưởng tượng nổi đó lại là lý do để giết người: người ta giết vì bị trêu, vì một số điện thoại, vì không mở cổng, vì một điếu thuốc lá…

Bạo lực diễn ra cả với những người là người thân yêu, lẽ ra đáng xả thân để bảo vệ, trong quan hệ ruột thịt không thể gần hơn: với bà nội, với con thơ, với vợ, với chồng, với anh em ruột thịt…

Bạo lực như đang được thiếu niên hóa: một thiếu niên 17 tuổi hay một nữ sinh lớp 8 đã biết thủ sẵn dao, có thể rút dao đâm bạn đến chết hoặc chém người khác bị thương.

Bạo lực và phương tiện truyền thông

Dĩ nhiên, những sự kiện được nêu trên đây vẫn còn là những trường hợp cá biệt, diễn ra ở một nơi nào đó, và nếu cách đây mười lăm, hai mươi năm, chắc sẽ chẳng có tác động bao nhiêu trên một xã hội rộng. Nhưng với những phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại như hiện nay, những vụ bạo lực này đã nhanh chóng trở thành một phần của cuộc sống thường ngày của xã hội. Ở đây, người ta không còn đứng trước một thứ bạo lực được hư cấu trên sân khấu, trên các màn hình lớn nhỏ, mà là đứng trước những sự kiện trong cuộc sống thực, những sự thật không thể không gây lo âu, sợ hãi, sự hoài nghi về con người, sự mất tin tưởng nơi người khác. Bạo lực trở thành một phần của cuộc sống con người hiện nay.

Nếu như…

Đọc một bản tin trên một tờ báo phát hành tại TPHCM cách đây mấy hôm, người ta có thể nêu lên một chuỗi những “nếu như…” dẫn đến một câu hỏi khó có câu trả lời thỏa đáng!

Bản tin đại ý là vào tối ngày 16-12, hai thanh niên, một nữ 21 tuổi và một nam 18 tuổi, chạy xe gắn máy từ cầu Lê Văn Sỹ đi mua bánh mì và va quẹt với xe của một thiếu nữ 17 tuổi. Người nữ bị va quẹt này bực tức chửi bới rồi lên xe bỏ đi. Hai người kia bảo nhau đuổi theo, sau đó xảy ra vụ cự cãi. Bất ngờ, thiếu nữ 17 tuổi rút dao trong cốp xe đâm mấy nhát khiến người nữ 21 tuổi chết tại chỗ.

Đi mua bánh mì là việc làm thường tình trong vô số các việc thường tình của cuộc sống thường ngày, chẳng có gì đáng nói. Chạy xe ngoài đường phố trong tình trạng xe cộ ở TPHCM dày đặc như hiện nay, xe này va quẹt xe kia tuy là chuyện đáng lẽ không nên để xảy ra, nhưng trong thực tế cũng chẳng có gì là trầm trọng, vì cả ba người đều đã có thể chạy xe tiếp. Và cuộc đời của cả ba hẳn cũng sẽ tiếp tục một cách êm ả, không sóng gió như bao cuộc đời bình thường khác, nếu như có một lời xin lỗi khi va quẹt xảy ra, nếu như không có sự bực tức chửi bới, nếu như có thêm một chút kiên nhẫn để bỏ qua, nếu như không có chuyện đuổi theo, nếu như không có sự cãi cự, nếu như trong số những người chứng kiến (chắc chắn là phải có, vì chỗ nào có cãi lộn mà lại không có người bu lại xem!) có một người lớn nào đó tích cực lên tiếng khuyên can, giảng hòa, nếu như không có sẵn con dao để trong cốp xe, nếu như người chạy xe không cảm thấy phải mang theo dao để đề phòng…

Chỉ cần có một “nếu như” trong chuỗi những “nếu như” còn có thể kéo dài được nữa này xảy ra thì chắc chắn đã không có cái chết của một con người đang ở độ tuổi thanh xuân (21 tuổi) với những năm dài cuộc đời còn ở trước mặt, và không có một con người sẽ phải đứng trước vành móng ngựa để lãnh những năm tháng tù tội khi tuổi đời mới 17, và cũng sẽ không có những giọt nước mắt của những người cha, người mẹ, anh em ruột thịt, bà con họ hàng, bạn bè thân thiết… Bao nhiêu con người đã bị lôi kéo vào một thảm kịch gây nên từ một chuyện thật nhỏ nhưng chắc chắn đã để lại những vết hằn khó phai.

Chúng ta có thể áp dụng chuỗi những “nếu như” này vào các sự kiện của bạo lực được nêu trên đây để thấy rõ hơn tính chất nghiêm trọng của thứ bạo lực xã hội đang phải chứng kiến và đương đầu.

Định mệnh ư? Không phải, vì tất cả những “nếu như” này đều nằm trong tầm tay của con người, đều có thể được thực hiện một cách bình thường trong quá trình làm người, trở thành người. Nhưng tại sao cả những cái bình thường đến độ không thể thiếu này lại vẫn thiếu, và có thể là ngày càng thiếu trong xã hội ngày nay? Đây chẳng phải là một vấn đề của xã hội cần phải được chẩn đoán, mổ xẻ, kê toa cho năm mới đang kề sát?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới