Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bao nhiêu lao động thất nghiệp?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bao nhiêu lao động thất nghiệp?

Thị trường sụt giảm, nhiều công nhân ngành dệt may đang đứng trước nguy cơ mất việc làm do công ty không có đơn đặt hàng mới – Ảnh minh họa: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cho đến nay vẫn chưa có con số chính xác về số lao động thất nghiệp do suy thoái kinh tế ở Việt Nam. Các con số đưa ra dao động từ 400.000 đến cả triệu người trong hai năm tới.

Ngay cả con số lao động thất nghiệp được báo cáo cũng là lao động bị sa thải từ doanh nghiệp, còn lao động tự do ở đô thị, lao động nông thôn bị thất nghiệp do nhu cầu xã hội giảm, các cơ quan thống kê cũng không thể biết được. Điều này, ngoài nguyên nhân không thiết lập được hệ thống dữ liệu cập nhật, còn có nguyên nhân từ “căn bệnh” thành tích.

Nhiều doanh nghiệp, kể cả quốc doanh và dân doanh, chỉ báo cáo con số lao động “vào” mà không báo cáo con số lao động “ra”. Còn các cơ quan quản lý nhà nước về lao động lại thường không muốn thấy một bức tranh quá u ám về vấn đề lao động!

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, khả năng tạo ra việc làm mới của xã hội rất thấp so với khả năng lao động bị sa thải. Nếu không có phương pháp thu thập dữ liệu đúng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không thể đánh giá đầy đủ thiệt hại do suy thoái kinh tế gây ra cho toàn xã hội, mặt khác, không triển khai được những chính sách hợp lý và kịp thời để hỗ trợ cho người lao động bị thất nghiệp cũng như những doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

Ngay cả những chính sách đã được áp dụng cũng cần phải khảo sát xem có khả thi hay không. Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn trong suy giảm kinh tế” ban hành ngày 29-2-2009 cho đến nay không mang lại hiệu quả.

Theo quyết định này, số người lao động thất nghiệp do doanh nghiệp sa thải trong năm 2009 sẽ được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm, nhưng thực sự đến nay hiếm có lao động thất nghiệp tiếp cận được khoản vay này vì không có thông tin và nếu đi vay cũng gặp khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp.

Công nhân lao động thất nghiệp phần lớn là dân nhập cư làm việc ở các khu công nghiệp, nhiều người còn không có hộ khẩu, làm sao được vay! Còn đối với quy định doanh nghiệp nào phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên, được vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất 0% (để thanh toán nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội…) thì nhiều doanh nghiệp không muốn vay. Lý do là phải làm thủ tục nhiêu khê, số tiền vay được quá ít và còn phải chịu món nợ “treo” trên đầu. Cho công nhân nghỉ việc còn dễ chịu hơn mang nợ

Ở các nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, việc hạn chế nạn thất nghiệp, tạo việc làm mới là một trong những quyết sách hàng đầu. Ở nước ta, ngoài Quyết định 30 kém tính khả thi nói trên, chưa có một chính sách nào khác.

Không phải chờ đến lúc kinh tế phục hồi mà ngay bây giờ (dù đã tương đối muộn) cần có cuộc khảo sát khoa học về tình trạng thất nghiệp hiện nay, dự báo trong tương lai gần và có những quyết sách toàn diện phục vụ cho chủ trương kích cầu của Chính phủ, đồng thời hạn chế được những thiệt hại về an sinh xã hội do suy giảm kinh tế gây ra.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới