Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bao nhiêu vàng là đủ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bao nhiêu vàng là đủ?

Hoàng Bách

(TBKTSG) – Có thể nói rằng, giải pháp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng để bình ổn thị trường vàng bằng việc ban hành Thông tư 32/2011/TT-NHNN ngày 6-10 vừa qua là đúng hướng, đã mang lại hiệu quả tức thời. Tuy vậy, trong dài hạn, câu chuyện bình ổn giá vàng nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung vẫn còn những dấu hỏi lớn.

Đón đầu hay thiếu thanh khoản?

Một giải thích được đưa ra cho việc các ngân hàng tuần vừa qua đã nâng lãi suất huy động vàng là đón đầu chủ trương NHNN cho phép các ngân hàng được bán vàng để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, sẽ rất khó giải thích vì sao SCB, Việt Á, HDBank… cũng tăng lãi suất huy động vàng. Đến trước khi nâng lãi suất huy động, họ vẫn đang phải ôm một lượng vàng tồn quỹ khá lớn, họ cũng không “ảo tưởng” rằng với khả năng của mình, họ sẽ được NHNN cho phép tham gia nhóm G5+1 (nhóm 5 ngân hàng và SJC được bán vàng bình ổn) bởi việc cho phép các ngân hàng này bán vàng ra chỉ là giải pháp tình thế, và vì vậy kèm theo những điều kiện khắt khe.

Nguồn vốn huy động từ thị trường 1 của toàn hệ thống đang bị suy giảm. Thống kê của NHNN cho biết, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 9 đã giảm 1,07% so với tháng 8, đây là một sự sụt giảm khá mạnh. Với mức suy giảm bình quân như vậy, có thể hình dung được một lượng vốn rất lớn đã chảy ra khỏi các ngân hàng nhỏ trong cuộc cạnh tranh vì trần lãi suất như thế nào. Vì vậy, theo thông tin của người viết, nhiều ngân hàng đã gửi hồ sơ xin tái cấp vốn lên NHNN, và NHNN cũng đã cam kết không để ngân hàng nào mất thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề là tài sản bảo đảm và trong thời điểm này, không gì tốt hơn số vàng vật chất đang nằm trong kho. Bên cạnh đó, số vàng này cũng có thể được mang đi gửi ở các ngân hàng khác (gửi đối ứng) để nhận tiền gửi tiền đồng nhằm bù đắp thanh khoản nếu được NHNN cho phép (Thông tư 11 không cho phép các TCTD gửi vàng lẫn nhau). Các ngân hàng tích cực nhận gửi vàng đối ứng hiện chính là các ngân hàng trong nhóm G6 khi nhận ra món hời quá lớn từ việc bán v
àng bình ổn. Đây là lý do chính để các ngân hàng không nằm trong nhóm G5+1 vẫn nâng lãi suất huy động vàng như thời gian qua.

Bao nhiêu vàng là đủ để bình ổn?

Thị trường vàng trong nước nhanh chóng hạ nhiệt, khoảng cách với giá vàng thế giới dù vẫn còn song đã được rút ngắn đáng kể. Diễn biến này cũng không khác mấy so với những lần NHNN cho phép nhập khẩu vàng trước đây. Tuy nhiên, những lần nhập khẩu làm hao tốn một lượng lớn ngoại tệ của quốc gia đã không giải quyết được vấn đề. Một thời gian ngắn sau, giá vàng trong nước lại tạo cách biệt so với giá thế giới. Lần bình ổn này, bằng chính “nội lực”, liệu có rơi vào vòng luẩn quẩn đó hay không?

Bao nhiêu vàng là đủ?Thứ nhất, gói hỗ trợ mang tên Operation Twist (QE 2.5) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến chỉ số giá đồng đô la Mỹ tăng mạnh, làm vàng và nhiều tài sản khác được định giá theo đô la Mỹ sụt giảm trong tuần qua. Tuy nhiên, tiềm năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, cũng là cơ sở cho sự phục hồi vững chắc của đồng đô la Mỹ vẫn không rõ ràng, khiến Mỹ phải xem xét một cách nghiêm túc một dự luật trừng phạt Trung Quốc về việc thao túng tỷ giá đồng nhân dân tệ. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang ở mức cực kỳ nguy hiểm và hệ thống ngân hàng của lục địa già đang sống trong nỗi lo sợ bao trùm. Sự phản ứng chậm chạp và thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro đe dọa nghiêm trọng đến không chỉ các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha… mà còn cả đến sự tồn vong của một đồng tiền có khả năng thanh khoản thứ hai thế giới, đồng euro. Ở châu Á, nền kinh tế Nhật vẫn chưa tìm thấy lối ra, kinh tế Trung Quốc đang chứa đựng nhiều bất ổn.

Thứ hai, nếu như tình hình thế giới bất ổn là nguồn gốc khiến giá vàng thế giới tăng cao thì những khó khăn trong nước lại là mảnh đất màu mỡ của đầu cơ. Thực tế, lực cầu của vàng trong nước vẫn rất mạnh. Về tập quán, tâm lý thích giữ vàng của người Việt Nam và Trung Quốc là tương đồng, tuy nhiên do đồng nhân dân tệ được kiểm soát chặt, trong khi tiền đồng liên tục mất giá làm đa số người Việt vẫn tin vàng là tài sản bảo tồn giá trị tốt nhất trong mọi tình huống. Vì vậy, quy mô đầu tư vàng của người Việt đã vượt xa Trung Quốc, Thái Lan và cả Mỹ.

Khi không có những hạn chế trong việc bỏ vốn vào vàng, nhìn biến động giá vàng trong nước và thế giới (xem bảng) cho thấy đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả cao mà ở Việt Nam, bất động sản hay chứng khoán từ lâu đã không còn nằm ngang hàng trong lựa chọn của dòng tiền. Con số 3 triệu lượng vàng trong hệ thống ngân hàng hay lên đến 500 tấn, thậm chí cao hơn trong dân đã chứng minh cho truyền thống mua vàng và giữ vàng của người Việt Nam.

Những bất ổn vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Chính sách thắt chặt tiền tệ từ tháng 3-2011 đến nay chỉ mới đưa CPI xuống dưới 1%/tháng thì đã sắp bước vào những tháng cuối năm, những tháng cao điểm về tăng giá hàng hóa (lưu ý là nếu duy trì tỷ lệ lạm phát 0,82% như tháng 9 thì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng nằm trong nhóm 10 nước có lạm phát cao nhất thế giới). Nhiều ngân hàng đang thiếu thanh khoản vì không cân đối được thu chi, trong đó có vấn đề nợ quá hạn và nợ xấu đang tiếp tục gia tăng (nợ xấu tháng 9-2011 là 3,1% tương đương 91.000 tỉ đồng, tăng rất mạnh so với mức 2,16% cuối năm 2010).

Tỷ giá cũng đang chịu áp lực mạnh mẽ khi thời điểm trả nợ các khoản vay ngoại tệ đã bắt đầu vào mùa. NHNN cũng đã phải lên tiếng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ để phù hợp với nguồn vốn huy động khi mà mức chênh lệch giữa cho vay và huy động vốn ngoại tệ hiện đã lên đến khoảng 7,5 tỉ đô la Mỹ. Đặc biệt khi mà trong tuần qua, nhiều nhu cầu ngoại tệ của người dân đã bị các ngân hàng từ chối khéo hoặc người có nhu cầu ngoại tệ buộc phải “chi thêm” phần chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do.

48.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc không có hoạt động phát sinh thuế trong chín tháng đầu năm là một con số quá “ấn tượng”. Con số này có thể chưa chính xác (theo hướng ít đi vì nhiều doanh nghiệp giải thể không báo cáo) nhưng có vẻ là con số có sơ sở. NHNN cũng cho biết tín dụng đối với nền kinh tế đến 23-9 chỉ tăng 8,16% so với cuối 2010 (trong khi hạn mức đến 20%), nhưng cả tín dụng tiền đồng và ngoại tệ lại giảm so với tháng 8-2011. Đây chắc chắn là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Niềm tin của doanh nghiệp đang bị giảm sút nghiêm trọng, khảo sát mới nhất (Grant Thornton thực hiện) cho thấy chỉ còn 38% doanh nghiệp lạc quan về tình hình kinh tế nước nhà so với tỷ lệ 54% vào quí 2-2011, trong khi đầu năm dân Việt được cho là lạc quan nhất thế giới (Viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện).

Trong khi chính sách tiền tệ đang thắt chặt thì chính sách tài khóa vẫn cứ “nhởn nhơ”. Nói nhiều, kêu gọi nhiều, mệnh lệnh cũng nhiều vậy mà báo cáo của Chính phủ đầu tháng 10-2011 cho thấy việc rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa loại khỏi danh mục các dự án kém hiệu quả, không thật sự cấp bách, vẫn còn nhiều dự án khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu năm 2011. Chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư vẫn rất lớn, dẫn đến tình trạng thâm hụt kép kinh niên (thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách) và nợ công tiếp tục tăng nhanh.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng, các ngân hàng tham gia bán vàng bình ổn không phải bán vàng của chính họ mà là vàng vay mượn của dân. Dễ dàng thấy rằng cách làm này không giải quyết được vấn đề dài hạn khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng lên. Với một quốc gia nghèo tài nguyên vàng, không thể tự sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường thì vòng tròn này sớm muộn cũng sẽ dẫn đến nhập khẩu vàng vật chất. Hơn thế nữa, lúc này các ngân hàng tham gia nhiệt tình trong việc bán vàng bình ổn vì niềm tin giá vàng trong nước sẽ giảm, sau đó sẽ mua lại là việc làm có lợi đôi đường (nếu giá vàng trong nước không hạ mà vẫn chênh so với giá thế giới thì một tay trong nước, một tay nước ngoài vẫn mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ), vừa có chênh lệch mua bán vàng, vừa có tiền đồng để tạo thanh khoản và cho vay liên ngân hàng trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, mọi hoạt động của ngân hàng đều xuất phát từ lợi nhuận tự thân và việc làm chính sách đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh là phi kinh tế và xa xỉ. Do đó, không thể chờ đợi đâ
y là giải pháp lâu dài.n

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới