Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bão số 7 vào đất liền sớm hơn dự báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bão số 7 vào đất liền sớm hơn dự báo

(Ảnh: TT Dự báo KTTV Trung ương)

Đến trưa 30-9, bão số 7 đã đi vào địa phận nước Lào và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật trên cấp 7.  

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp.  

Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, ở các tỉnh  Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tuy nhiên tình hình mưa lũ sau bão còn diễn biến phức tạp, cần đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.  

Ghi nhanh tình hình ảnh hưởng cơn bão số 7    

    * Thanh Hóa: Sáng 30- 9, toàn tỉnh có mưa rải rác, kèm theo gió cấp 4. Nguồn tin từ Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 11 giờ trưa 30- 9, vẫn còn hai chiếc tàu (với 16 ngư dân) đang ở trên biển vẫn chưa liên hệ được với gia đình.  

Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết toàn tỉnh hiện có gần 50.000 ha lúa mùa đã chín rộ nhưng chưa được thu hoạch, nên thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 7 là không tránh khỏi.  

    * Nghệ An: Bão vào lúc 10 giờ 30 sáng ngày 30-9, với sức gió cấp 7, giật trên cấp 8 kèm theo mưa to, một số cây cối trên đường phố Vinh bật rễ đổ. Toàn thành phố đã bị cắt điện.

    * Hà Tĩnh: Lúc 10 giờ sáng 30-9, cơn bão đã đổ bộ trực tiếp vào địa phận huyện Kỳ Anh (giáp tỉnh Quảng Bình) với sức gió cấp 9, giật trên cấp 10.  

Trong hơn 4.000 tàu thuyền đã vào bờ trú bão, có một thuyền bị sóng đánh chìm, 5 người trên thuyền được an toàn. Một chiếc khác và bốn ngư dân bị chết máy trên đường chạy vào bờ lúc mờ sáng 30-9, hiện đang trôi dạt về hướng đảo Én, cách bờ 5 hải lý, nhưng tàu cứu hộ của tỉnh không thể tiếp cận được.  

Lực lượng phòng chống bão lụt của tỉnh đã chuyển 1.500 hộ (6.000 người dân) ở 4 xã Kỳ Khang, Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) và 472 hộ (4.800 người dân) của 2 xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) đến các địa điểm an toàn.  

    * Quảng Bình: trời mưa rất to kèm theo gió bão mạnh cấp 9, giật trên cấp 9 suốt đêm 29 kéo dài đến 7 giờ ngày 30-9 mới ngớt dần. Nhiều cây lớn trong thành phố Đồng Hới bị ngã đổ. Trên quốc lộ 1A, đoạn qua phường Phú Hải, 7 cột điện bị gãy đổ.    

Theo tổng hợp của trực ban Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh lúc 12 giờ trưa 30-9, huyện Tuyên Hoá bị tốc mái 200 nhà, hai người dân ở xã Đức Hoá và Sơn Hoá bị thương do cây gãy khi chống bão. Huyện Lệ Thủy có 18 nhà tạm bị đổ, sập và một người ở xã Hồng Thủy mất tích, do bị lật thuyền.  

    * Quảng Trị: Có 7 thuyền bị đắm, 5 ngư dân mất tích. Bão số 7 tràn qua đảo Cồn Cỏ lúc 5 giờ sáng, gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 gây thiệt hại nặng về tài sản. Kho quân đội, trụ sở huyện đảo và hơn 40 nhà dân bị tốc mái, toàn bộ hệ thống dây điện bị đứt, mất liên lạc; đánh vỡ hàng chục mét bờ kè đê biển, làm sập hoàn toàn lán trại công trình xây dựng và dịch vụ nghề cá, 34 tấn xi măng vì thế bị ngập nước…  

Tại Đông Hà, bão số 7 ảnh hưởng mạnh vào lúc 5 giờ 30 sáng nay với sức gió giật cấp 7 gây mưa lớn làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường. Gió lớn làm gãy đổ một số cột đèn cao áp chiếu sáng tại trung tâm chợ Đông Hà.

 

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, chiều tối nay (30-9), lũ các sông ở Quảng Bình có khả năng lên mức báo động 3 (mức báo động cao nhất), các sông ở Quảng Trị và thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) lên mức báo động 1- báo động 2 do ảnh hưởng của bão.

Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương – Tuổi Trẻ Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới