Thứ Ba, 24/06/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bão số 9 đang tàn phá miền Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bão số 9 đang tàn phá miền Trung

Đến 10 giờ ngày 29-9, thành phố Đà Nẵng đã có gió to kèm theo mưa ,mực nước các sông lên nhanh đang có nguy cơ gây lũ. Trong ảnh, nước Sông Hàn dâng tràn lên đường Bạch Đằng. Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) - Bão số 9 (bão Ketsana) tuy chưa đổ bộ vào đất liền nhưng đã gây ra thiệt hại ban đầu cho các tỉnh ven biển miền Trung.  Mưa to, gió lớn cũng giật tung hàng ngàn ngôi nhà ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, nhiều người đã thiệt mạng trong mưa bão.

Hiện tại, toàn thành phố Đà Nẵng hiện đang gồng mình chống chọi với bão, từ sáng nay mọi hoạt động đời sống thường ngày gần như bị tê liệt hoàn toàn. Gió giật trên cấp 9 kèm theo mưa lớn đã nhấn thành phố trong biển nước.

Mưa lớn đã làm ngập lụt nhiều tuyến đường trong thành phố, kết hợp với cây đổ gây tắc ngẽn giao thông. Dọc theo các đường Lê Thánh Tôn, Quang Trung, Nguyễn Lương Bằng, Trần Phú, Lê Duẩn, cây cối và biển hiệu đổ ngổn ngang. Những tấm cửa sắt trên đường Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ mặc dù đã được chèn chống cẩn thận nhưng vẫn bị gió xô đổ. Trước đó, từ tối 28-9, nhiều khu vực tại thành phố Đà Nẵng đã bị mất điện, cúp nước.

Tại một số khu tái định cư thuộc quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu… nhiều nhà dân đang trong quá trình xây dựng đã bị sập. Một số nhà cấp 4, cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân cũng bị hư hại nặng. Hiện chính quyền thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân không được ra đường, ngoài các lực lượng làm nhiệm vụ như Công an, Quân đội và lực lượng cứu hộ.    

Nước sông Hàn tràn lên đường Bạch Đằng gây ngập lụt, đường Nguyễn Tất Thành ven biển cũng bị ngập nặng khiến giao thông bị đình trệ. Một số thuyền đánh cá của ngư dân trên sông Hàn do không tìm được nơi trú ẩn, buộc phải neo giữa dòng nước siết, khả năng bị đánh đắm là rất lớn.    

Lực lượng cứu hộ quận Liên Chiểu đã triển khai lực lượng đưa người và hành lý đến nơi trú bão an toàn. Mực nước tại các khu dân cư do thoát không kịp ra biển cũng đang tiếp tục lên, một số nơi mức nước đã cao đến 50cm và đang tiếp tục lên, những vùng có nguy cơ ngập lụt như: Hòa Xuân, Hòa Thọ Tây, Khuê Trung (Cẩm Lệ); Mân Quang (Sơn Trà), Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn)...

Mưa to, gió lớn đang gây thiệt hại nặng tại các tỉnh ven biển miền Trung. Ảnh chụp tại Đà Nẵng. Ảnh: VTV

Tại tỉnh Quảng Nam, bão gây mưa to kết hợp với gió giật mạnh và triều cường, lũ các sông đang lên nhanh mức báo động 3 gây thiệt hại rất lớn về điện lưới, giao thông, cơ sở hạ tầng. Các huyện miền núi Nông Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang... nhiều nơi đã bị sạt lỡ núi gây ách tắt giao thông, cô lập hoàn toàn. Thành phố Tam Kỳ nhiều nơi cũng đã bị mất điện...

Theo tin ban đầu, tỉnh đã có 3 người chết ở huyện Núi Thành và Duy Xuyên do mưa bão gây ra. Tỉnh Quảng Nam đã huy động mọi lực lượng khẩn cấp đối phó với cơn bão, tổ chức di dời dân, dự trữ lương thực thực phẩm... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra.

Tỉnh đã tổ chức sơ tán trên 43.600 người dân theo kế hoạch ở các vùng nguy hiểm ven biển có nguy cơ sóng biển dâng cao uy hiếp tính mạng đến nơi an toàn; tỉnh đã chủ trương cho học sinh các trường nghỉ học từ ngày hôm nay.

Hiện nay, trong tổng số hơn 3.660 chiếc tàu thuyền các loại của tỉnh (trong đó 130 chiếc đánh bắt xa bờ) đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương sáng nay cũng đã đưa thêm 2 tỉnh là Bình Định và Phú Yên vào danh sách đặc biệt quan tâm trong công tác phòng chống bão. Ban chỉ đạo tiền phương đóng tại TP Đà Nẵng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị ngay các biện pháp khắc phục mưa lũ ngay sau khi bão tan.

Tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), mưa bão làm hàng trăm tàu thuyền bị chìm. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là các huyện ven biển Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Lý Sơn khẩn trương sơ tán 550 hộ dân với 2.750 nhân khẩu vùng xung yếu đến nơi an toàn. Các địa phương đã sơ tán 380 hộ dân đến các khu vực trường học, trung tâm y tế, nhà người thân kiên cố, đặt nhiệm vụ sơ tán hết các hộ dân còn lại đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào.

Theo thông kê ban đầu, do ảnh hưởng của cơn bão, tại huyện miền núi Sơn Tây, tất cả các tuyến đường đều bị ách tắc không đi lại được; 22 ngôi nhà bị sập và tốc mái; hệ thống điện toàn huyện bị cúp hoàn toàn.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay huyện Phú Vang bị cô lập. Theo thống kê sơ bộ, bão đã làm chết 2 người, bị thương 3 người khác. Mưa, bão còn làm 20 nhà bị sập, khoảng hơn 300 ngôi nhà khác bị tốc mái. Vùng biển Hải Dương, Hoà Duân sạt lở vào đất liền từ 5-6m.

Mưa to gió lớn đã làm một số cây cổ thụ ở các đường phố chính của thành phố bị gãy đổ. Mực nước sông Hương sáng nay đã vượt trên mức báo động 3 (mức báo động lũ cao nhất), gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là ở các phường vùng sâu của thành phố như Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Bình. Hiện toàn thành phố, tập trung di dời lần thứ hai các hộ dân vùng thấp trũng và chuẩn bị ứng phó với bão mà theo dự báo ở vùng gần trung tâm, bão sẽ mạnh cấp 13, nên mức độ gây thiệt hại sẽ là rất lớn.

Tại ga Huế, đoàn tàu SE5 Hà Nội – TPHCM hiện đang bị mắc kẹt từ 1 giờ 47 phút, trên tàu có 365 hành khách, do bão đổ bộ vào, khi đi qua khu vực đèo Hải Vân sẽ không an toàn.

Đến thời điểm này, do gió lớn, nước ngập lụt ở các vùng thấp trũng và cây đổ nhiều, ngành điện Thừa Thiên - Huế buộc phải sa thải toàn bộ phụ tải vùng sâu vùng xa, miền núi và vùng thấp trũng, tập trung ưu tiên cấp điện cho khu vực thành phố chủ yếu là cơ quan chỉ huy phòng chống lụt bão của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, bệnh viện.

Tại huyện Phú Vang, rạng sáng nay, các địa phương ở những nơi giáp biển đang tiếp tục di dời lần thứ hai hơn 1.000 hộ dân để phòng tránh triều cường. Đến thời điểm này, huyện Phú Vang đã bị chia cắt hoàn toàn với thành phố Huế. Đặc biệt, trên tuyến đường tỉnh lộ 49, nhiều đoạn bị ngập sâu.

Do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 28 và 29-9, Nha Trang và một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa có mưa và sóng biển, nhưng không lớn.

Tại khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa lớn kéo dài, gió giật làm sập 4 ngôi nhà của dân tại huyện Tu Mơ Rông, 2 người chết. Hiện vẫn còn người đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Bão đã làm 12 ngôi nhà tại huyện Sa Thầy bị tốc mái, nhiều tuyến giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Hiện địa phương đã di dời được 13 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Mưa lũ cũng khiến hệ thống điện ở các huyện Kong Pờ Nông, Kong Rãy và Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) bị cắt đứt hoàn toàn, giao thông liên lạc về 3 huyện trên cũng bị gián đoạn. Đèo Mang Đang trên quốc lộ 24 bị sạt lở nặng, hàng chục ngôi nhà của nhân dân ở xã Đắc Trâm huyện Tu mơ Rông bị ngập sâu trong nước. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận huyện Đắc gờ Lây) có 2 điểm bị ngập sâu 1m nước và bị sạt lở nặng khiến giao thông bị gián đoạn, mưa lũ cũng khiến cho hoa màu và nhà cửa của nhân dân bị thiệt hại nặng nhưng chưa thống kê được.

Tại tỉnh Gia Lai đến thời điểm này, nhiều địa phương như huyện Mang Yang đã bị trôi 1 cầu tại xã LơPang; nước ngập cầu tràn tại xã Đê Gơ gây ách tắc giao thông. Tại huyện Chư Sê, gió lớn làm tốc mái nhiều nhà dân; đổ gãy hàng ngàn trụ tiêu. Tại thị xã Ayunpa, mưa lớn gây ngập úng trên 300 héc ta lúa, hoa màu của dân.

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Đăk Lăk có trên 400 héc ta lúa bị ngập tại các huyện Lak, Cư M’Nga, 500 ngôi nhà bị sập và tốc mái tại huyện M’Drăk.

Tổng hợp từ TTXVN, VTV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới