Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bão suy yếu, miền Trung vẫn khốn khó vì lũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bão suy yếu, miền Trung vẫn khốn khó vì lũ

Mưa lũ đang tàn phá miền Trung – Ảnh: VNN

(SGTO) – Chiều nay (7-11), bão Peipah (bão số 6) đã suy yếu dần từ cấp 12 xuống cấp 10. Dù bão Peipah có tan trên biển Đông trước khi vào đến đất liền thì người dân miền Trung vẫn phải hứng chịu đợt lũ dữ dội thứ tư chỉ trong một tháng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, chiều nay (7-11), bão Peipah tiếp tục suy yếu thêm một chút. Hiện sức gió mạnh nhất ở gần tâm bão là cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Bão đang di chuyển theo hướng tây tây nam, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung Bộ. 

Đài Dự báo Khí tượng Thủy văn Hongkong cũng nhận định, trong những ngày tới, bão Peipah tiếp tục suy yếu, với sức gió còn 83km/h (chiều 9-11) và xuống còn 75km/h (10-11).

Bà Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng dự báo, Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực Nam bộ, đưa ra một dự báo khả quan là bão Peipah có khả năng sẽ tan trước khi vào đến đất liền. Bà Lan giải thích rằng thông thường, các cơn bão trên biển Đông vào tháng 11 trở đi thường bị gió mùa Đông bắc đẩy xuống phía nam. Hơn nữa, một cơn bão trên biển Đông thường có tuổi thọ bình quân năm ngày, cao nhất là tám ngày trong khi bão Peipah tới hôm nay (7-11) đã có tuổi thọ năm ngày.

Tuy nhiên, theo dự báo, dù bão tan trên biển nhưng vẫn gây lũ lụt dữ dội ở các tỉnh miền Trung – miền đất đã hứng chịu ba đợt lũ trong hơn một tháng qua. Theo đó, hoàn lưu của bão Peipah, sức hút gió của bão về biển Đông cùng với gió mùa Đông bắc đang tràn về miền Trung, sẽ tạo nên những cơn mưa to, mưa liên tục trong những ngày tới.

Đường đi của bão Peipah – Ảnh: Đài KTTV Hongkong

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến sáng ngày 7-11, mưa lũ ở miền Trung đã làm chết và mất tích 77 người, 38 người bị thương nặng, thiệt hại vật chất trên 500 tỉ đồng.

Dù bão Peipah chưa ảnh hưởng tới khu vực các tỉnh phía nam Việt Nam nhưng bão đóng vai trò trung tâm thu hút gió Tây Nam hội tụ về biển Đông, tạo nhiễu động mạnh bắt đầu từ ngày 5-11, khiến khu vực Nam bộ có mưa to trên diện rộng, mưa như trút nước ở nhiều tỉnh như Cà Mau từ 100-225 milimét nhưng tại TPHCM lại mưa nhỏ.

Ngày 6-11, khi các tỉnh phía Nam mưa không đáng kể thì riêng TPHCM lại có mưa lớn, dù chỉ kéo dài trong một giờ nhưng tại trung tâm thành phố đo được 62 milimét, Nhà Bè 61 milimét, các nơi khác ít hơn và gây ngập nặng gần như cả thành phố trong nhiều  giờ.

Điều kỳ lạ của mùa mưa năm nay tại TPHCM là mưa to vào dịp triều cường. Triều cường tại TPHCM vào năm nay được xác định là cao nhất trong vòng 48 năm qua.

Bà Lan cho biết Phòng dự báo – Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ đang thống kê xem sự trùng khớp giữa mưa to với đỉnh triều cường là bao nhiêu phần trăm để làm cơ sở cho dự báo các năm tới”. Theo bà Lan, các năm trước mưa to đo được trên 80 milimét thì thành phố mới ngập úng nhưng năm nay, chỉ cần mưa 30-50 milimét đã bắt đầu ngập. Điều này chứng tỏ hệ thống thoát nước của thành phố ngày một xuống cấp.

Ngày 7-11, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất không thu tiền 5.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia do Bộ đang quản lý để hỗ trợ các tỉnh: Quảng Trị: 700 tấn, Thừa Thiên Huế: 500 tấn, Quảng Ngãi: 2.000 tấn, Bình Định: 1.500 tấn và Phú Yên: 800 tấn. 

Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 7-11, bộ đã cấp 200 cơ số thuốc, 500 chiếc áo phao và 700.000 viên Chloramin B cho các tỉnh bị lũ lụt là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới