Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo tồn… ngày xuân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo tồn… ngày xuân

Hiệu Minh

(TBKTSG Xuân AL) – Mấy năm gần đây do nghỉ Tết dài quá, có không ít ý kiến cho rằng nên bỏ Tết Nguyên đán hoặc ghép Tết tây ta làm một cho tiện và tiết kiệm. Thử tưởng tượng vài tuần nữa không có đào tết, không có bánh chưng, không có những đàn kiến khổng lồ về quê cha đất tổ để đón xuân…

Bảo tồn... ngày xuân
Tái hiện nhà thùng xưa, tại bảo tàng "Nước mắm Làng Chài Xưa".

Bánh chưng Lang Liêu xứ người

Hồi làm việc bên Washington DC, có người bạn Mỹ gốc Việt sống gần nhà. Nếu gọi anh là người Việt thì anh giận vì anh có hộ chiếu quốc tịch Mỹ hẳn hoi. Nhưng nếu bảo anh là người Mỹ, anh cũng chẳng bằng lòng. Anh vẫn bảo: “Cậu không thấy tớ nói tiếng Việt, giọng Hà Nội ư?”. Xa Hà Nội từ lúc 10 tuổi, đến Sài Gòn rồi số phận đưa đẩy anh sang Mỹ lập nghiệp mấy chục năm trời.

Có lần chúng tôi bàn nhau đón giao thừa theo kiểu Việt Nam, anh bảo, cậu mới ở Hà Nội sang, chắc vẫn còn nhớ cách gói bánh chưng. Năm nay mình thử ăn Tết như Hà Nội. Chúng mình đều có con nhỏ, nếu không gói bánh chưng Tết cho chúng nó xem, lớn lên chúng sẽ chỉ biết McDonald (bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ) và Coke thôi.

Tôi thú thật với anh là tôi không biết gói vì lúc nhỏ có bố mẹ lo hết, lớn lên đi học ở thành phố, ra công tác thì có bánh chưng mậu dịch, và bây giờ thì bán đầy đường, ai còn gói nữa. Có chăng, tôi có thể gói bánh chưng rùa thôi, loại bánh cho trẻ con, không cầu kỳ, gói như dúm mắm tôm cũng được.

Anh kể cho tôi nghe, có lần anh tự mua gạo nếp, đậu, thịt, gói và nấu ngoài vườn nhà. Đun nấu khói lên nghi ngút, nhà hàng xóm là dân Mỹ trắng, tưởng bị cháy rừng, gọi xe cứu hỏa đến, thế là phải đền tiền gọi xe. Tuy nhiên, một lần về Hà Nội du lịch dịp Tết, anh phát hiện dân Hà Nội nấu bánh chưng bằng nồi áp suất, vừa nhanh vừa gọn nhẹ, lại không có khói. Anh học mẹo vặt đó luôn.

Mỗi năm Tết đến anh lại gói bánh chưng để các con anh biết và cũng nguôi đi nỗi nhớ quê nhà. Anh nói luộc bánh chưng bằng củi trong bếp vẫn thích hơn vì người ta có thể quây quần, ấm áp, kể chuyện năm qua và mong năm mới đến. Học anh, hàng chục năm sau bà con quen nhau bên Virginia vẫn rủ nhau gói bánh chưng, mấy lần lên VTV vào dịp Tết, vui lắm.

Du khách tham quan bảo tàng "Nước mắm Làng Chài Xưa".

Mùi nước mắm Việt bay xa

Mấy tuần trước tôi đi Phan Thiết với các cháu quen trên mạng do hay đọc blog và Facebook. Biết tôi có vẻ “truyền thống” các cháu dẫn đi bảo tàng nước mắm! Thật ngạc nhiên, Phan Thiết có bãi biển đẹp hớp hồn, cát trắng và làng chài đầy cá tôm, nay thêm bảo tàng có tên “Nước mắm Làng Chài Xưa” ẩn khuất cùng với những ngôi nhà sang trọng của khu nghỉ dưỡng ven biển.

Không ít người nghĩ bảo tàng này do tỉnh Bình Thuận xây dựng. Thú vị thay, đó là ý tưởng của một chàng trai Phan Thiết từng đi du học, nay trở về khôi phục làng nghề nước mắm bằng tiền túi của mình, bởi anh sinh ra và lớn lên ở đây, dù đi xa nhưng không thể quên cha anh.

Mùi nước mắm quê nhà đã thôi thúc anh Trần Ngọc Dũng từ Mỹ trở về Việt Nam thực hiện ước mơ làm sống lại nghề làm nước mắm truyền thống quê mình, phục dựng câu chuyện lịch sử – văn hóa hơn 300 năm của nước mắm Phan Thiết để kể cho hàng triệu người Việt Nam và thế giới. Giống như người Pháp tự hào về rượu vang, người Nhật có rượu sake, người Ý có phô mai lừng danh, còn thương hiệu Việt Nam là thứ gia vị mặn mòi nước mắm.

Nói chuyện với anh Dũng mới biết, nhiều sản phẩm truyền thống từ bao làng quê hẻo lánh khắp thế giới đã trở thành thương hiệu quốc gia, bản sắc và tự hào dân tộc, từ địa phương vươn ra toàn cầu. Vì thế, anh có niềm tin mãnh liệt vào giá trị văn hóa hàng trăm năm của nước mắm Việt.

Nước mắm Việt không chỉ là gia vị mà là cả câu chuyện dài về lịch sử, văn hóa, về đồng muối, người làm mắm, dân chài, về cuộc sống mưu sinh của những người dân ven biển.

Dự án Làng Chài Xưa với tổ hợp bao gồm bảo tàng, nhà hát, nhà hàng, xưởng sản xuất nước mắm, nhà thùng, nhà xưởng đóng gói nước mắm tiêu chuẩn HACCP… với tổng diện tích 16.000 mét vuông. Bảo tàng “Nước mắm Làng Chài Xưa” cũng là bảo tàng nước mắm đầu tiên tại Việt Nam. Thời chưa bị Covid-19, mỗi ngày đón hàng ngàn du khách, cả trong và ngoài nước, trong đó chủ yếu là thế hệ trẻ. Du khách Tây vô cùng thích thú và họ rỉ tai nhau nên show của bảo tàng luôn đắt khách.

Nghe anh Dũng nói về nước mắm tôi mê mẩn. Thưởng thức nước mắm là thưởng thức từ màu, mùi rồi đến vị. Nước mắm truyền thống sóng sánh màu vàng nâu óng, thơm nồng nàn dịu nhẹ, khi nếm thấy ngay vị mặn đầu lưỡi, rồi hậu vị từ từ lan tỏa sang ngọt đến tận cuống họng. Đó là lý do nước mắm của ông bà xưa luôn có sức sống mãnh liệt và thưởng thức nước mắm cần có cái gu cho dù xã hội phát triển sẽ luôn tồn tại song hành sản phẩm nước mắm truyền thống bên cạnh nước mắm công nghiệp.

Thăm Làng Chài Xưa biết thêm lịch sử nước mắm Việt 300 năm – thời hoàng kim của nước mắm Tĩn không chỉ có trong ký ức của những người già mà sẽ là câu chuyện nối dài, mong được thế hệ trẻ phát huy, bảo tồn và gìn giữ. Ngày xưa là những Tĩn mắm sành với lớp xi măng vôi phủ ngoài ngược xuôi Nam-Bắc. Ngày nay là những Tĩn mắm gốm bện dây thừng quen thuộc, linh hồn trong những bữa cơm Việt và những món ăn đặc sản không thể thiếu mùi vị của nước mắm truyền thống. Những Tĩn gốm nước mắm đi khắp năm châu chính là xuất khẩu văn hóa và ẩm thực.

Anh Dũng chia sẻ, câu chuyện phục dựng nước mắm để cho thế hệ trẻ biết được gia vị trong ẩm thực của ông bà ta xưa kia đã có một thời hoàng kim lừng lẫy với những chuyến hàng tấp nập ra Bắc, vào Nam, thời mà cầu cống, đường sá đều được xây bằng tiền của những hàm hộ – những người giàu lên từ nước mắm.

Anh không làm, người khác không làm thì mấy chục năm nữa, người Việt không biết nước mắm truyền thống là gì. Để những người Việt thăm thành Rome không chỉ nhớ đấu trường La Mã mà còn biết rằng, nơi đây từng sản xuất nước mắm gửi đi năm châu qua con đường tơ lụa đến với Việt Nam từ mấy ngàn năm, qua cuộc giao duyên giữa người Kinh và người Chăm, nước mắm đã tới người Việt và thành thương hiệu của miền đất này.

Nước mắm Việt không chỉ là gia vị mà là cả câu chuyện dài về lịch sử, văn hóa, về đồng muối, người làm mắm, dân chài, về cuộc sống mưu sinh của những người dân ven biển. Rời Phan Thiết, nơi không chỉ níu chân người đi bằng bãi biển nước trong xanh, bến thuyền tấp nập, mà còn có di sản Làng Chài Xưa thấm đẫm tình quê của xứ cát vàng đẹp mê hồn.

Tôi nghĩ dịp Tết này nếu tặng quà, tôi sẽ chọn bình gốm đựng nước mắm Tĩn đảm bảo nguyên chất cá cơm Phan Thiết của anh Dũng thay vì những chai rượu vang đắt tiền.

Chúng ta hay bàn về bảo tồn văn hóa dân tộc, nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu. Bảo tàng hàng trăm tỉ dựng lên không người xem, trong khi một bảo tàng nước mắm do một việt kiều bỏ tiền túi luôn nhộn nhịp. Một việt kiều khác mê mẩn bánh chưng và lan tỏa mùi hương Lang Liêu đi khắp năm châu. Dường như đi xa họ có cái nhìn toàn cầu về nơi họ sinh ra.

Thay lời kết

Chả hiểu sao tôi vẫn thích Tết ta dù bôn ba xứ người một phần tư thế kỷ. Nhớ thời du học rồi về Hà Nội làm việc 17 năm. Mỗi lần chuẩn bị Tết như hành hương. Những năm tháng cuối đời, mắt cha kém, chỉ nghe tiếng để nhận ra con. Chiều ba mươi Tết, ông lần từng bước trong nhà, tai lắng nghe tiếng xe máy để đợi con. Sau đến lượt mẹ thay cha, lưng mẹ đã còng xuống nhiều hơn, có Tết con cũng không thể về.

Sau này làm việc bên Mỹ hơn chục năm, tôi không có dịp về quê ăn Tết, thắp nén hương nhớ cha mẹ đã khuất núi. Kể từ lần song thân tiễn con 17 tuổi đi đại học, bỡ ngỡ bước vào đời, thế mà đã gần nửa thế kỷ. Biết đứa con sẽ tìm nẻo đường khác, cha mẹ dặn, đi xa đâu cũng được, nhưng Tết nhớ về. Con đi rồi, cha mẹ sẽ buồn, nhưng phía trước mới quan trọng, cha dặn thế.

Thời ở quê qua chiến tranh và lầm than, tuổi thơ đợi Tết để được vài bữa ăn no, mặc áo lành hơn và có tiền mừng tuổi, sao thấy lâu thế. Khi mái tóc đã pha sương, chợt thấy thời gian trôi đi như gió thoảng, lo âu nhiều hơn niềm vui, dù sống ở Mỹ, một nơi được gọi là “thiên đường”.

Về hưu mấy năm nay có thời gian, cứ dịp Tết tôi về vui xuân với chú em út. Nhưng không còn cha mẹ đón đợi, dù nhà thờ, phần mộ khang trang, làm album gia đình, rồi hì hụi làm video clip cho cha nhân kỷ niệm 100 năm, cũng không bù đắp nổi sự thiếu vắng. Ngày xuân với tôi quan trọng biết nhường nào, là dịp trở về cố hương, giây phút nhớ người thân yêu.

Chúng ta hay bàn về bảo tồn văn hóa dân tộc, nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu. Bảo tàng hàng trăm tỉ dựng lên không người xem, trong khi một bảo tàng nước mắm do một Việt kiều bỏ tiền túi luôn nhộn nhịp. Một Việt kiều khác mê mẩn bánh chưng và lan tỏa mùi hương Lang Liêu đi khắp năm châu. Dường như đi xa họ có cái nhìn toàn cầu về nơi họ sinh ra.

Bỏ đi Tết truyền thống thì người già như tôi không còn quê để về thắp hương cho cha mẹ. Quên đi mùi gạo nếp, lá dong với vị nước mắm là sẽ hết chuyện vua Hùng. Giữ cái gì, để mất cái gì, hay hoàn thiện hơn cái mình đang có để giữ mãi bản chất Việt đang đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu không, xu thế toàn cầu hóa, nỗi mừng hội nhập sẽ cuốn đi số phận cái bánh chưng xanh nhỏ bé của Lang Liêu hay mùi nước mắm Tĩn thôi bay.

Nếu không bảo tồn ngày xuân, một hôm nào đó ta lại hỏi chính bản thân, mình thuộc dân tộc nào trong thế giới toàn cầu hóa này, như người bạn băn khoăn không biết mình là người Mỹ hay Việt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới