Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ bản quyền báo chí: Phải sửa luật để loại bỏ “trang tin điện tử tổng hợp”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo vệ bản quyền báo chí: Phải sửa luật để loại bỏ “trang tin điện tử tổng hợp”

Nguyễn Vạn Phú (*)

(TBKTSG Online) – Việc tổ chức hội thảo về bảo vệ bản quyền báo chí (diễn đàn "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí" diễn ra ngày 5-11 tại TPHCM) có lẽ để chuẩn bị tiến tới thu tiền đọc báo từ độc giả. Một tờ báo sẽ không thể buộc độc giả trả tiền để đọc báo nếu họ có thể đọc toàn bộ nội dung tin bài của tờ báo đó do các nơi khác vi phạm bản quyền sao chép đem về đăng.

Như vậy, kinh nghiệm của làng báo quốc tế về chuyện bảo vệ bản quyền có thể giúp gì chúng ta hay nói cách khác, mối quan hệ giữa bản quyền báo chí và khóa tin bài để người đọc bỏ tiền mua báo ấn bản trực tuyến như báo giấy là như thế nào ở nước ngoài?

Bảo vệ bản quyền báo chí: Phải sửa luật để loại bỏ
Hai trong số các nền tảng tổng hợp tin tức là Google News và Apple News. Ảnh: Macrumors.com

Bản quyền là đương nhiên và không có tính quyết định đối với việc thu phí độc giả

Đối với báo chí quốc tế, hay ít nhất là với báo chí xuất bản bằng tiếng Anh là thể loại tôi có quan sát, theo dõi, hầu như vấn đề bản quyền với nguyên cả bài báo không được đặt ra. Lý do là họ không có các trang “thông tin điện tử tổng hợp” như chúng ta là nơi chuyên đi lấy tin bài của báo khác về đăng nguyên văn. Hầu như các trang web đều tôn trọng tuyệt đối chuyện bản quyền báo chí, không ai dám tự tiện cắt một bài từ tờ New York Times hay Wall Street Journal về dán lên trang web của mình.

Báo chí nước ngoài, cụ thể là ở Mỹ cũng vừa thu phí độc giả trong mấy năm gần đây, như tờ New York Times là vào năm 2011, tờ Financial Times năm 2007 hay tờ Economist từ năm 2010 và cho đến nay vẫn còn rất nhiều báo lớn chưa khóa bài thu phí. Vấn đề là những năm đầu thập niên 2010 khi nhiều báo đồng loạt dựng tường chỉ cho độc giả đọc vài bài còn lại phải mua báo dài hạn mới vào được để đọc, họ không lo lắm về chuyện bản quyền; họ không sợ bài vở đã khóa của họ rò rỉ theo con đường sao chép. Họ chỉ sợ độc giả bỏ đi, tìm báo miễn phí và họ sẽ thất bại mà thôi.

Vì vậy, bài học đầu tiên có thể rút ra từ kinh nghiệm báo chí quốc tế trong lãnh vực bản quyền là chúng ta phải sửa luật để loại bỏ hình thức trang “thông tin điện tử tổng hợp”. Chừng nào còn có trang “thông tin điện tử tổng hợp” được chính thức cho phép lấy tin bài từ báo khác một cách chính thức (“Trang thông tin điện tử tổng hợp phải trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí và ghi rõ tên tác giả, tên cơ quan báo chí, thời gian đã đăng, phát thông tin đó”), chừng đó chưa thể giải quyết trọn vẹn chuyện bản quyền cho báo chí.

Sự ra đời của các trang thông tin điện tử tổng hợp cũng là vấn đề gây sự tranh luận nhiều chiều trong làng báo trong nước, khi mà trên thực tế, có nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ có nhiệm vụ đi đăng lại nguyên văn nội dung của báo chí chính thống. Nội dung đăng tải trên báo chí là công sức của cơ quan báo chí đó, tại sao lại cho ra đời một loại hình chỉ chăm chăm sử dụng công sức của người khác?

Mặc dù luật pháp cũng quy định rõ sử dụng thông tin thì phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng việc sao chép, rồi tùy tiện chỉnh sửa tít tựa, thêm bớt nội dung là chuyện tràn lan ở các trang thông tin loại này. Hiện nay vấn đề ăn cắp bản quyền trong báo chí là vấn đề nhức nhối, bài hay đưa lên chỉ vài phút sau là bị sao chép tràn lan bởi các trang “thông tin tổng hợp” này.

Tuy nhiên, quay trở lại chuyện bản quyền của báo chí quốc tế có thể kể một số quan sát sau.

– Một số báo thậm chí không khuyến khích độc giả cắt dán nội dung bài báo dù chỉ cắt dán một đoạn để đưa vào e-mail hay bài viết nào đó. Ví dụ tờ Financial Times, mỗi khi bạn cắt dán như thế họ sẽ tự động chèn thêm một đoạn, đại ý nói “xin dùng các công cụ chia sẻ có sẵn vì sao chép bài viết để chia sẻ cho người khác là vi phạm chính sách bản quyền của chúng tôi”. Mỗi lần đọc thấy cảnh báo này, ai cắt dắn ắt cũng cảm thấy nhột nhạt mà ngừng tay.

– Nhiều báo đã thành công trong việc bán báo dài hạn cho độc giả trực tuyến nên càng siết lại việc đọc chùa, có tờ chỉ cho đọc miễn phí vài ba bài, có tờ thậm chí không cho đọc bài nào như tờ Wall Street Journal. Đôi lúc vì rất cần đọc cái đoạn họ đã làm mờ khóa lại, tôi cất công đi tìm xem có nơi nào chép về đăng không trên mọi ngóc ngách của Internet mà không thấy, hầu như không có nơi nào vi phạm. Rất nhiều diễn đàn cũng trích dẫn bài báo trong dòng tranh luận nhưng nơi nào cũng chỉ trích tít và câu dẫn, còn lại đều nói vào đó mà đọc nếu có đăng ký dài hạn.

– Các báo của Mỹ rất kiên trì trong việc chào bán báo trực tuyến, việc đặt mua bằng thẻ tín dụng rất nhanh chóng và dễ dàng, chỉ cần bấm vài ba cái nút thiết kế to và rõ. Thế nhưng một khi bạn đã mua, rất khó rút chân ra. Họ quảng cáo có thể cắt đăng ký bất kỳ lúc nào nhưng, như với tờ Wall Street Journal, hoàn toàn không có giao diện hủy đặt mua báo. Muốn hủy phải gọi điện thoại, gặp trực tiếp nhân viên của họ. Các bạn có thể hình dung việc hủy như thế sẽ nhiêu khê như thế nào.

– Một số báo đi theo con đường cho đọc miễn phí nhưng kêu gọi độc giả tặng tiền, bao nhiêu tùy tâm và kêu gọi rất dai dẳng. Ví dụ như tờ The Guardian.

– Có người thấy một tin nhưng được nhiều báo đăng với nội dung y chang nhau và lầm tưởng họ lấy tin của nhau. Không phải. Đó là các tin do các hãng tin bán chung cho các báo như Bloomberg, Reuters, AP, AFP. Loại tin này thì báo nào có đăng ký mua đều có thể đăng như nhau.

Thế còn các trang tổng hợp tin tức như Google News hay Apple News?

Ở nước ngoài các trang tổng hợp tin tức như một sạp báo có rất nhiều. Đây không phải là các trang “thông tin điện tử tổng hợp” như ở chúng ta bởi các trang này không bao giờ lấy nguyên xi các tin bài của báo khác về đăng trên trang của mình. Họ chỉ lấy tít và câu mở như Google News, Microsoft News, Apple News, Yahoo News, Flipboard…

Cũng có nhiều ứng dụng giúp người dùng tự làm trang tổng hợp tin tức do chính họ chọn nguồn tin, loại tin… nhưng nó cũng chỉ lấy tít và câu dẫn. Muốn đọc hết thì khi bấm vào nó sẽ dẫn chúng ta đến ngay trang chính chủ và tùy chính sách của trang chính chủ mà chúng ta có thể đọc vài ba tin miễn phí sau đó bị khóa, phải trả tiền mới đọc trọn vẹn. Và ở đây vấn đề bản quyền chỉ liên quan đến cái tít và phần trích dẫn ngắn ngủi đó.

Thoạt tiên, các báo rất muốn lọt vào mắt xanh của các trang tổng hợp tin tức như Google News hay Microsoft News vì tin đưa lên đó sẽ có lượng người xem tăng vọt. Nhưng dần dần các báo mới chưng hửng: mình khó nhọc làm ra tin nóng, bài hay; các nơi giới thiệu phần ngon nhất, họ thu không biết bao nhiêu là tiền, sao lại để họ ăn không của chúng ta như thế.

Tương tự như thế là Facebook. Facebook do người dùng tạo ra nội dung và một trong những nội dung phổ biến nhất là trích dẫn những thông tin người ta đang quan tâm muốn chia sẻ từ báo chí kèm theo đường dẫn. Báo chí từng xem đây là kênh “phát hành” tin bài hiệu quả nhất đến tay người đọc; những bài tôi viết chỉ đăng trên trang nhà chỉ số lượng người đọc chỉ vài chục ngàn nhưng khi chia sẻ đường link và viết câu dẫn sao cho ăn khách, ngay lập tức số lượng người đọc sẽ tăng vọt có khi lên vài trăm ngàn trong một thời gian ngắn. Nhưng dần dần báo chí cũng nhận ra, không lẽ mình cứ sản xuất tin bài cho người khác chia sẻ và cuối cùng chỉ có mình Facebook ăn hết nhờ bán quảng cáo. Người ta chọn Facebook để quảng cáo một phần vì nhiều người vào đó để đọc, bàn tán, bình luận dựa trên tin bài của các báo.

Vì thế, nói đến chuyện bản quyền báo chí ngày nay, người ta sẽ nghĩ ngay đến chuyện một số nước đang tìm cách buộc Google, Facebook phải trả tiền cho các báo. Trước nay với chuyện bản quyền trích dẫn nội dung tin bài để hiển thị trên kết quả tìm kiếm, Google nói nếu được sử dụng miễn phí thì họ mới đưa nội dung tin bài vào bằng không họ sẽ loại trừ ra và như thế thì có hại cho báo chí. Một tỷ lệ lớn người dùng vào đọc bài trên báo điện tử là do Google trả về kết quả tìm kiếm.

Các nước đang sửa luật để mở rộng bản quyền báo chí để bao quát cả kết quả tìm kiếm

Gần đây nhất là Úc đã soạn xong một dự luật buộc các hãng công nghệ như Facebook hay Google phải chia sẻ một phần doanh thu quảng cáo cho các báo khi những nơi này khai thác thương mại nội dung báo chí. Nếu không tuân thủ họ sẽ bị phạt gấp ba lần lợi ích thu được hoặc 10% doanh thu trong 12 tháng gần nhất tại thị trường Úc.

Ở đây, các nhà làm luật Úc hiểu bản quyền không chỉ là chuyện tổng hợp tin tức như Google News, tức lấy tít và câu dẫn, ai bấm vào đọc thì được dẫn về trang của báo. Bản quyền còn là nội dung Google thu lượm đưa vào chỉ mục tìm kiếm để khi nào người dùng tìm kiếm, chẳng hạn, cháy rừng ở Úc, Google có sẵn các tít và nội dung các bài báo liên quan để trả về kết quả cho người dùng. Họ lập luận không thể nói Google chỉ trích tít và một phần nội dung rất ít ỏi, sau đó người dùng vào đọc sẽ được dẫn về trang báo bởi nếu không có tin đó, bài đó, lấy gì Google kinh doanh dịch vụ tìm kiếm bằng cách bán quảng cáo?

Trước đây nhiều nước đã buộc Google phải trả tiền bản quyền khi tổng hợp tin trên Google News nhưng Google lảng tránh bằng cách cắt nguồn tin có tranh chấp. Ví dụ, hiện nay ở Tây Ban Nha vào Google News tìm tin tức, sẽ không thấy tin từ các báo của Tây Ban Nha. Giả dụ Google chống chế ở Úc, họ cũng phải cắt hết nguồn tìm kiếm liên quan đến nội dung đăng trên báo chí Úc! Nhưng Google News hiện không kèm quảng cáo còn Google tìm kiếm sống nhờ vào việc bán quảng cáo chạy kèm theo kết quả tìm kiếm. Nếu đánh mất một nguồn thông tin quan trọng là tin tức bài vở trên tất cả các báo ở một địa bàn nào đó, người ta đâu còn tin vào kết quả tìm kiếm của Google nữa. Từ đó nhiều người tin Google sẽ phải ngồi lại thương thảo với báo chí để chia sẻ doanh thu.

Một nội dung quan trọng của bản dự thảo luật này là yêu cầu các nền tảng công nghệ phải báo trước cho các báo chừng 1 tháng nếu họ thay đổi thuật toán ảnh hưởng đến việc giới thiệu tin tức hay xếp hạng tin tức của các báo đã khóa nội dung bắt trả tiền mới đọc được.

Dự thảo còn yêu cầu các nơi như Google, Facebook phải cung cấp cho các báo mọi dữ liệu họ thu thập được liên quan đến cách người dùng tương tác với tin bài như người ta đọc tin trong bao lâu, đọc bao nhiêu tin trong một khoảng thời gian nhất định… Báo chí Úc tính toán hàng năm Google phải trả cho họ chừng 600 triệu đô la Mỹ.

Báo chí Canada cũng theo chân Úc và một số nước châu Âu khác muốn buộc Facebook và Google trả tiền cho họ mới được quyền hiển thị tin bài của báo. Pháp thì nghe đâu đã thương lượng gần xong với Google về chuyện trả tiền bản quyền cho báo để chia sẻ nội dung tin tức trong kết quả tìm kiếm. Pháp làm được chuyện này vì họ là nước đầu tiên ở châu Âu thông qua một đạo luật về “quyền lân cận” vào năm ngoái 2019; đây là đạo luật cung cấp sự bảo vệ bản quyền cho báo chí ngay cả khi một phần nội dung được các nơi sử dụng như Google trên kết quả tìm kiếm hay Facebook khi người dùng chia sẻ tin tức.

Ở đây xin nói thêm về cái gọi là “European Union Copyright Directive” – Chỉ thị về bản quyền Liên minh châu Âu. Chỉ thị này đã được thông qua và có hiệu lực từ tháng 6-2019, có mục đích mở rộng phạm vi của Luật Bản quyền EU nhằm bảo vệ báo chí tránh bị thiệt thòi khi sản phẩm bị các nền tảng Internet khai thác mà không chia sẻ doanh thu. Các nước thành viên EU sẽ có 2 năm thông qua luật ở từng nước để đáp ứng các yêu cầu trong chỉ thị như Pháp đã làm; sau Pháp sẽ là Đức và các nước khác.

Mỹ cũng đang tính chuyện sửa luật để tạo điều kiện cho báo chí thương lượng với Google và Facebook đòi chia sẻ doanh thu. Lập luận của họ là trong khi với âm nhạc, dùng một đoạn nhạc cũng phải trả phí bản quyền, tại sao các nơi như Google khai thác tin tức để kinh doanh thu lãi mà không chịu trả phí gì cả.

Trước áp lực của các nước, người đứng đầu Google là Sundar Pichai vừa phải tuyên bố sẽ trả cho các báo trên thế giới 1 tỉ đô la trong vòng ba năm tới. Tuy nhiên nhiều báo không nói rõ, cái này không phải Google trả cho các dịch vụ họ đã có như tìm kiếm thông tin hay tổng hợp tin, mà họ sẽ tổ chức một dịch vụ mới gọi là Google News Showcase trong đó các báo sẽ ký hợp đồng hợp tác chia sẻ tin bài với Google để họ khai thác thương mại.

Nói gì thì nói, báo chí đang ở thế yếu so với các công ty công nghệ; với họ một hai tờ báo không là gì cả, “không có mợ chợ vẫn đông” trong khi ngược lại các báo mà bị khóa van “giới thiệu” từ Google hay Facebook là xem như bị cô lập, không còn ai biết đến. Vì thế, khi Apple giới thiệu Apple News Plus như một siêu thị tin tức, người dùng vào đăng ký trả tiền hàng tháng sẽ được đọc đủ các tờ báo chứ không cần mua từng tờ nữa, các báo đành phải cắn răng để Apple hưởng 50% doanh thu, 50% còn lại chia đều cho các báo, dựa vào lượng người đọc từng tin, từng bài.

Apple News Plus hoạt động tương tự như dịch vụ nghe nhạc Spotify hay xem phim Netflix, người dùng trả hàng tháng 10 đô la rồi đọc thoải mái các tờ báo mà nếu đăng ký riêng lẻ họ có thể mất đến 8.000 đô-la mỗi năm. Thử nghĩ hàng trăm tờ báo chen nhau dành người đọc để chia nhau 50% doanh thu mới thấy sức mạnh của các hãng công nghệ và thế yếu của báo chí.

Chúng ta nên làm gì?

Đây có lẽ là nội dung của nhiều tham luận khác nên tôi chỉ xin đóng góp bằng một số ý chính:

– Thay đổi hình thức hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của chúng. Ví dụ, một trang của Trung tâm Sức khỏe và Môi trường thì cứ đăng mọi thông tin của trung tâm, nếu thấy tin bài của báo nào liên quan đến mình thì cứ giới thiệu vài đoạn và dẫn link về tin bài gốc. Trang của một cảng biển hay của một nhà hát ca nhạc nhẹ cũng vậy. Những nơi mang tính tổng hợp thuần túy như mô hình Báo Mới thì buộc tuân thủ quy định phải dẫn link về tin bài gốc tất cả mọi thông tin đăng tải. Chứ như hiện nay phiên bản xem trên máy tính thì Báo Mới dẫn về bài gốc còn phiên bản di động, Báo Mới chép nguyên về trang của mình.

– Nơi rò rỉ nội dung có bản quyền đáng lo nhất không chỉ là các trang thông tin điện tử tổng hợp này mà chủ yếu là các tài khoản cá nhân trên Facebook. Chắc chắn nội dung các tờ có dựng tường trả tiền để xem sẽ bị sao chép và đăng lên tường cá nhân Facebook. Facebook ngại nhất là chuyện vi phạm bản quyền, kể cả ảnh lẫn nội dung. Cần có cơ chế phối hợp để buộc Facebook xóa ngay các nội dung sao chép vi phạm bản quyền; dính đến chuyện bản quyền họ sẽ tuân thủ.

– Nên tham khảo kinh nghiệm của các nước, tính đến chuyện sửa Luật Sở hữu trí tuệ mở rộng phạm vi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí dù chỉ là một đoạn trích để từ đó mới có cơ sở buộc Facebook và Google trả tiền cho các báo (hiện nay theo Luật Sở hữu trí tuệ thì trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuật bút…). Luật phải rất chi tiết như Ấn Độ vừa mới làm rõ một quy định, nhấn mạnh chia sẻ file PDF lưu tin bài của báo cũng là vi phạm bản quyền; chịu trách nhiệm không chỉ là nơi đưa file PDF lên mà còn là chủ của nền tảng trao đổi như diễn đàn, mạng xã hội… Sao chép nội dung tin rồi chia sẻ trên các nền tảng ứng dụng nhắn tin như Viber, WhatsApp cũng là vi phạm.

– Ngay cả khi báo chí vẫn áp dụng mô hình đọc miễn phí, luật cũng cần được sửa đổi bổ sung để cấm hành vi sao chép chia sẻ tin bài của báo lên mạng xã hội. Kenya vừa mới khẳng định lại điều luật với mức phạt nghiêm khắc: phạt tù đến 10 năm cho người bị buộc tội chia sẻ file PDF sao chép từ nội dung báo chí lên mạng xã hội.

Trong giới làm báo vẫn còn suy nghĩ người ta copy rồi chia sẻ tin bài của mình thì càng tốt, càng làm lan tỏa thông tin. Suy nghĩ như thế sẽ không bao giờ dẫn tới những hành động nghiêm túc để bảo vệ bản quyền; độc giả có quyền chia sẻ tin bài nhưng phải dùng công cụ báo cung cấp để mục đích cuối cùng là tin bài lan tỏa nhưng bất kỳ ai nhấn vào đọc đều được trả về địa chỉ gốc.

Một số mô hình bảo vệ bản quyền nên tham khảo

Tờ New York Times (NYT) là một điển hình thành công của báo chí chuyển đổi từ mô hình sống dựa vào doanh thu quảng cáo sang dựa vào doanh thu bán báo, kể cả ấn bản điện tử. Tờ báo này bắt đầu dựng tường khóa tin bài để đưa người đọc đến chỗ phải trả tiền mua báo điện tử dài hạn từ tháng 3-2011. Tuy nhiên, thời gian ban đầu, báo vẫn cho đọc 20 bài miễn phí mỗi tháng, vượt quá số đó mới xuất hiện thông điệp yêu cầu mua báo dài hạn. Để thu hút lượng khách thỉnh thoảng mới vào đọc do nguồn khác giới thiệu, giai đoạn đầu báo cũng không tính các lần đọc do bấm vào đường dẫn của kết quả tìm kiếm hay đường dẫn đăng trên mạng xã hội vào giới hạn 20 bài. Số lượng bài miễn phí này giảm dần, xuống 10 và nay còn 5 bài/tháng và đọc từ nguồn nào cũng tính.

Mô hình tính phí của NYT thoạt tiên cứ tưởng sẽ thất bại; độc giả không còn bài miễn phí sẽ bỏ đi tìm đọc ở nguồn khác. Thậm chí từng có nhiều dự báo tờ này sẽ phá sản do áp đặt mô hình trả tiền trong một thế giới báo chí hầu như ai cũng miễn phí. Trước khi tính phí, lượng độc giả NYT đang giảm, doanh thu quảng cáo tụt dốc; tờ báo này phải bán trụ sở để trả nợ và thuê lại một số tầng để hoạt động. Lúc đó báo chí đăng rất nhiều bài cho rằng dòng chảy thông tin trên Internet phải là miễn phí, tường rào sẽ thất bại, các báo mới nổi như Huffington Post sẽ thế chân NYT…

Thế nhưng tính cho đến cuối năm 2019, NYT đã xoay chuyển thành công, đạt mốc 5,2 triệu độc giả dài hạn, cao nhất trong lịch sử tờ báo này; trong đó 3,5 triệu là độc giả của riêng ấn bản điện tử, tức chỉ đọc qua mạng. Doanh thu từ báo mạng của NYT đạt mốc kỷ lục – 800 triệu đô la (hơn 18.000 tỉ đồng!). Sau NYT nhiều báo dần dựng tường khóa bài và đến nay hầu hết các báo nghiêm túc, có uy tín đều buộc người đọc trả tiền.

Kinh nghiệm của NYT là gì? Đừng nản lòng khi giai đoạn đầu số lượng khách vào đọc sụt giảm nghiêm trọng. Họ bỏ đi nhưng khi không tìm được tin bài thỏa mãn họ, khách sẽ quay về móc túi trả tiền để đọc tiếp. Vấn đề là duy trì chất lượng tin bài, phải cao hơn khi còn miễn phí; đừng sao chép, đừng chạy theo con đường giật gân câu khách bởi khách dễ dàng đọc loại tin bài đó ở bất kỳ nơi nào khác.

Tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng trả tiền; may mắn thay cho Việt Nam là vào thời điểm này, có khá nhiều kênh thanh toán trung gian, từ các ví điện tử đến hình thức chuyển khoản, từ thẻ ngân hàng đến dịch vụ chuyển trả. (Nếu là thời điểm 2011 thì chịu vì số lượng người có thẻ tín dụng hay chịu trả tiền mua báo bằng thẻ tín dụng là rất ít ỏi).

Tôi đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông nên nhanh chóng áp dụng loại tiền di động, tức số dư trong tài khoản điện thoại di động vào chi trả mua báo trực tuyến. Các báo và các hãng viễn thông có thể hợp tác để người đọc chỉ cần nhắn tin, sẽ được cấp mã số để vào đọc các bài bị khóa; phương thức thanh toán phải rất linh hoạt, đọc từng bài, đọc trong ngày, đọc theo tháng, theo năm…

Cũng đừng quá lo ngại chuyện người đọc rành công nghệ sẽ dễ dàng "vượt tường" vào đọc "chùa". Paywall của NYT thuộc loại dễ vượt nhất; chỉ cần xóa cookies hay lịch sử duyệt web là số lượng bài miễn phí trả lại về từ đầu. Nhưng không vì thế mà người ta lách tường, đọc chùa; số lượng người chịu trả tiền (chừng 15 đô la/tháng) vẫn tăng đều đặn. Nếu khóa quá kỹ sẽ làm nản chí người đọc và họ sẽ bỏ đi nơi khác.

Riêng với Việt Nam, đồng thời với việc dựng "tường rào", mỗi báo cần có một nhóm chuyên rà soát phát hiện nơi nào sao chép tin bài của mình, vi phạm bản quyền để xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước phải áp dụng Luật xử phạt hành chính để phạt nặng các trường hợp vi phạm; nơi nào tái phạm cần chuyển sang truy tố hình sự.

Chuyện rà soát đó, như đã nói ở trên, không chỉ giới hạn vào các trang thông tin điện tử tổng hợp mà còn trên các mạng xã hội và nơi có tóc để nắm là cơ quan đại diện quảng cáo của các mạng xã hội này.

Chuyện bản quyền báo chí và chuyện thu phí đọc báo tuy hai mà một. Nếu chúng ta không bao giờ tính đến chuyện thu phí bán báo điện tử, chúng ta sẽ chẳng quan tâm lắm đến bản quyền, thậm chí còn nghĩ cứ để họ chia sẻ tin bài của mình càng thêm người đọc.

Chỉ khi bắt đầu thử nghiệm tính phí đọc báo, chúng ta mới có sự phẫn nộ khi thấy có nơi khác ăn cắp tài sản trí tuệ của chúng ta; chúng ta mới tìm cách ngăn chặn khi không thể thu phí chỉ vì bài vở rò rỉ khắp nơi. Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để thu phí và ngược lại, hãy thử nghiệm thu phí để nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền hơn nữa.

(*) Tham luận tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới