Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ mình để bảo vệ xã hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bảo vệ mình để bảo vệ xã hội

Lê Triết

(KTSG Online) – Chỉ cần một người thôi, cụ thể như mới đây là một nữ nhân viên chùa Tam Chúc ở Hà Nam mắc Covid-19, cũng đã khiến cơ quan chức năng vất vả tập trung truy vết, điều tra hơn 2.600 người – theo nhiều báo đưa tin. Người nhân viên này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi đang chăm sóc mẹ ở bệnh viên K (cơ sở Tân Triều), nhưng điều đáng lưu tâm, nơi chị làm việc là cơ sở tôn giáo vốn là những địa điểm thường xuyên có nhiều tín đồ, du khách lui tới thăm viếng.

Rồi thêm một bệnh nhân Covid-19 khác, anh là du khách bay từ Hà Nội vào Cam Ranh và đi chơi nhiều nơi tại Đà Lạt trong dịp lễ dài ngày vừa qua. Thế nên cơ quan y tế phải ráo riết truy vết, làm xét nghiệm với tổng cộng 329 trường hợp F1, F2. May mà tất cả các mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Lịch trình di chuyển nhiều nơi, làm việc hoặc tiếp xúc đông người trong hoàn cảnh bùng phát dịch như hiện tại đều có thể xảy ra những rủi ro rất lớn, khả năng lây lan dịch bệnh đến mức khó kiểm soát. Tất nhiên, như nhiều người nói “phải sống chung với dịch”, và theo đó không thể cấm cản sự đi lại, gặp gỡ, làm việc khi nhu cầu đó là cần thiết. Nhưng hiện giờ, với các trường hợp khác không cần thiết, có lẽ nên hạn chế các nhu cầu hay thói quen như lúc cuộc sống còn bình thường.

Sở dĩ nói vậy vì chỉ mới đây thôi, trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, hình ảnh được báo chí ghi nhận cho thấy dòng người vẫn đổ về, chen chúc tại các địa điểm vui chơi, du lịch thật… “kinh khủng”, mặc cho tình hình về một đợt bùng phát mới của dịch bệnh đã được cảnh báo trước đó. Gần đến lễ, trong khi chính quyền nhiều nơi thông báo hủy bỏ sự kiện bắn pháo hoa mừng lễ – một hình thức thu hút đông đảo người dân tham dự như mọi năm, thì một tình trạng đông người khác vẫn không thể ngăn được – xuất phát từ người dân, đó là ùn ùn đi chơi lễ. Hình ảnh đông nghịt người tắm biển Vũng Tàu, Đồ Sơn… khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh hàng chục ngàn người tham gia lễ hội tắm sông Hằng ở Ấn Độ, đất nước đang vật vã vì Covid-19.

Sẽ có ý kiến cho rằng không nên quá bi quan hay cực đoan đến mức siết chặt mọi nhu cầu vui chơi, tham quan, du lịch của người dân dẫn đến ngành kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng vốn đang lao đao nay càng thêm bế tắc, trong khi đây là một ngành kinh tế mũi nhọn. Vâng, tất nhiên là không nên. Nhưng có lẽ những người làm du lịch am hiểu tình hình hiện giờ và biết rõ sẽ phải làm gì. Đó sẽ là những chương trình, những điểm đến, những biện pháp du lịch an toàn. Sẽ phải tổ chức, sắp xếp, vận hành sao cho nguy cơ lây nhiễm không xảy ra; và quan trọng là cần truyền thông tốt để người dân, du khách hiểu và chia sẻ, bao gồm việc chấp hành quy định, tôn trọng các khuyến cáo khi đi du lịch.

Trở lại với hai ca bệnh nêu ở đầu bài, hàng ngàn trường hợp F1, F2 vẫn phải tiếp tục theo dõi, và cho đến giờ may mắn là không phát sinh các ca mắc mới có liên quan. Nhưng nếu cứ ỷ y, chủ quan như việc tụ tập đông người trong dịp lễ vừa qua thì ai dám chắc được hậu quả nặng nề không xảy ra? Mặt khác, như đã nói, chỉ cần một ca nhiễm thôi, hàng trăm, hàng ngàn người khác thậm chí hơn nữa sẽ liên lụy, và khi đó hệ thống y tế cùng các cơ quan liên quan sẽ chống đỡ khốn đốn trăm bề.

Điều vừa nói trong chừng mực nào đó đã thấy hiển hiện. Trước đây không lâu, đa số ca nhiễm Covid-19 được phát hiện là từ những người nhập cảnh, những người này ngay khi xuống sân bay đã được đưa đi cách ly tập trung, xét nghiệm điều trị, ngăn chặn khả năng lây nhiễm ra bên ngoài từ đầu. Nhưng hiện nay, tình hình đã trở nên phức tạp, các ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện thường xuyên. Chẳng hạn, chỉ trong vòng 12 ngày tính đến sáng Chủ nhật 9-5, cả nước có 256 ca nhiễm trong cộng đồng; dịch ban đầu xuất phát ở một vài tỉnh phía Bắc nhưng nay đã lây lan đến 24 tỉnh thành (VnExpress 9-5-2021). Cứ mỗi khi phát hiện một ca dương tính, việc truy vết lại ráo riết, lượng người cách ly, xét nghiệm lại tăng lên, mọi nguồn lực, công sức, chi phí lại đổ ra nhiều hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế được báo chí dẫn lời, đánh giá đợt dịch lần này phức tạp, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng, nên tốc độ lây nhiễm tăng cao so với các đợt dịch trước. Trong tình hình ấy, về phía chính quyền địa phương và các cơ quan hữu trách, hiện đã kích hoạt và nâng lên mức cao nhất hệ thống phòng chống dịch, áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch, từ phong tỏa ổ dịch, giãn cách cục bộ, đến cách ly tập trung, cách ly tại nhà, ngừng nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu… Song, mọi nỗ lực sẽ là vô nghĩa nếu như không có sự đồng lòng góp sức, chia sẻ của người dân. Từng cá nhân phải tự ý thức bảo vệ mình trong tình hình dịch bệnh. Sự giữ an toàn của từng người dân sẽ giữ được an toàn cho cả xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới