Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ thương hiệu trong thế giới ảo ngày càng quan trọng!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngay từ năm 2008, Gérard Berry, một giáo sư, nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã dự đoán rằng tương lai của nền văn minh của chúng ta chính là kỹ thuật số. Ngày nay, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền về nhãn hiệu, trong thế giới ảo.

Sự xuất hiện của Web 3.0 với công nghệ máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) nâng cao khả năng giao tiếp giữa người với người trong thế giới thực càng khẳng định dự đoán này của ông. Khả năng một thế giới ảo - metaverse - với không gian ba chiều, mà người dùng có thể tương tác qua avatar (nhân vật đại diện) đang trở thành hiện thực. Thế giới ảo này, nói tóm gọn, là một thế giới tồn tại song song với thế giới vật chất “thật” của chúng ta, và có thể được coi là một thế giới “nối dài” thế giới thật. Tương lai của chúng ta sẽ là Web 3.0 với các tương tác ba chiều, trong các không gian ảo.

Ở khía cạnh pháp lý, chưa có luật nào định nghĩa và quản lý thế giới ảo, ngoài một số định nghĩa pháp lý hiện nay đối với các NFT (như trong Bộ luật Tài chính tiền tệ của Pháp). Tuy nhiên, có thể thấy xu hướng chung hiện nay là áp dụng các quy định đã có về luật trong môi trường mạng cho thế giới ảo - metaverse và theo nguyên tắc cái gì bất hợp pháp trong thế giới “thật” thì cũng sẽ bất hợp pháp trong thế giới ảo.

Một số sự kiện gần đây cho thấy việc bảo vệ tài sản trí tuệ, nhất là nhãn hiệu, trong thế giới ảo, ngày càng trở nên quan trọng cho các doanh nghiệp.

Cuối năm 2021, việc Công ty Nike đăng ký hàng loạt nhãn hiệu tại Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) để dùng trong thế giới ảo gây xôn xao trong giới kinh doanh. Cụ thể, công ty này đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm “hàng hóa ảo, như các chương trình máy tính thể hiện giày dép, quần áo, mũ, kính, túi xách, túi thể thao... để sử dụng trên mạng, và cho các thế giới ảo”. Đúng như dự đoán của các chuyên gia, chỉ vài tuần sau đó, Nike ra thông báo sẽ thành lập một nền tảng thương mại metaverse mang tên .Swoosh. Từ cuối năm 2022, nền tảng này đã bắt đầu hoạt động, tạo ra một cộng đồng mới trên thế giới ảo.

Gần đây, Cơ quan về SHTT của Liên minh châu Âu (EUIPO) và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã đưa ra các hướng dẫn đăng ký liên quan tới hàng hóa dịch vụ trên thế giới ảo.

Năm 2022 được đánh dấu bằng vụ kiện đình đám ở Mỹ của Công ty Hermes đối với nghệ sĩ người Mỹ Mason Rothschild, người tung ra bộ sưu tập 100 NFT mang tên “MetaBirkins” lấy cảm hứng từ những chiếc túi nổi tiếng của Hermes, tại sự kiện Miami Art Basel vào năm 2021. MetaBirkins thể hiện mẫu túi Birkin huyền thoại với một lớp lông giả bề ngoài đầy màu sắc. “Sáng tạo nghệ thuật” này được rao bán trên Marketplace OpenSea, mà không có sự cho phép trước đó của Hermes. Birkin được Hermes tung ra vào năm 1984, được coi là mẫu túi nổi tiếng nhất thế giới mà giới sưu tập hàng hiệu vô cùng ưa chuộng vì không chỉ đẹp mà còn rất hiếm. Động phải “con cưng” của Hermes, công ty này đã khởi kiện Mason Rothschild tại Tòa án New York, trên cơ sở vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như gây tổn hại tới hình ảnh của nhãn hiệu. Về phía nghệ sĩ, ông đề nghị tòa bác đơn kiện, dựa trên án lệ Rogers v. Grimaldi khẳng định nguyên tắc tự do biểu đạt nghệ thuật, quyền được công nhận trong Tu chính án số 1 của Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, tòa án đã bác đề nghị này của Mason Rothschild.

Công ty Hermes, trong đơn kiện trước Tòa án New York, chỉ ra rằng Mason Rothschild đã kiếm lời nhanh chóng bằng cách khai thác tên tuổi của thương hiệu Birkin, mà hoàn toàn không có sự cho phép của chủ sở hữu thương hiệu. Không chỉ thế, hành động của nghệ sĩ còn làm tổn hại tới danh tiếng của thương hiệu, vì làm cho người mua tin rằng Hermes là nhà sản xuất những chiếc túi MetaBirkins này.

Vào tháng 2-2023, Tòa án New York ra quyết định tuyên bố Mason Rothschild, mà tên thật là Sonny Estival, đã vi phạm quyền SHTT của Hermes, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nhãn hiệu, cũng như có hành vi chiếm dụng tên miền (cybersquatting). Nghệ sĩ này bị buộc phải đền bù 133.000 đô la Mỹ cho Hermes, bao gồm 110.000 đô la vì vi phạm quyền SHTT và 23.000 đô la vì hành vi chiếm dụng tên miền.

Đối với tội vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, luật của Mỹ cho phép bảo vệ nhãn hiệu chống lại các hành vi làm giảm giá trị của nhãn hiệu (trademark dilution), theo đó người chủ sở hữu nhãn hiệu có thể cấm mọi hành vi làm giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Tất nhiên, quy định này chỉ áp dụng với những nhãn hiệu đủ nổi tiếng và đủ có khả năng phân biệt trong con mắt người tiêu dùng.

Nghệ sĩ Mason Rothschild cho rằng các tác phẩm của ông phải được bảo vệ bởi quyền tự do biểu đạt. Tuy nhiên, khi phải đặt quyền tự do biểu đạt và quyền SHTT lên bàn cân, các tòa án thường chọn cách tìm ra một sự cân bằng giữa hai quyền cơ bản này. Trong vụ kiện này, thẩm phán Tòa án New York khẳng định rằng tự do biểu đạt không có nghĩa là cho phép nghệ sĩ được vi phạm quyền SHTT và trục lợi từ sáng tạo của Công ty Hermes.

Qua các sự kiện nói trên, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền SHTT, đặc biệt là quyền về nhãn hiệu. Ở thời điểm này, các công ty bắt đầu quan tâm tới vấn đề bảo vệ thương hiệu trong thế giới ảo. Tuy nhiên, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hay dịch vụ dưới dạng NFT cho thế giới ảo không phải là giải pháp hoàn toàn an toàn, vì giờ đây không hiếm hàng hóa đang bị “nhái” trên thế giới ảo - metaverse. Không chỉ thế, việc quyết định đăng ký nhãn hiệu ở nhóm hàng hóa dịch vụ nào - nhóm 9 cho nội dung số, hay nhóm 25 cho các sản phẩm thời trang “ảo” - cũng không phải là đơn giản.

Gần đây, Cơ quan về SHTT của Liên minh châu Âu (EUIPO) và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã đưa ra các hướng dẫn đăng ký liên quan tới hàng hóa, dịch vụ trên thế giới ảo. Cụ thể, theo EUIPO, các sản phẩm “ảo” phải được đăng ký ở nhóm số 9, vì đây là những nội dung hoặc hình ảnh số. Tuy nhiên, khi đăng ký cần chỉ rõ tên của nội dung sản phẩm, chứ không được đăng ký dưới tên chung là “sản phẩm ảo”. WIPO cũng đã đưa ra Bảng phân loại hàng hóa dịch vụ Nice phiên bản thứ 12, có hiệu lực từ đầu năm 2023. Theo đó, NFT thuộc về nhóm số 9 - “sản phẩm ảo”. Riêng đối với “dịch vụ ảo”, chủ sở hữu có thể đăng ký nhãn hiệu ở nhóm 35 hoặc 41, liên quan tới “dịch vụ giải trí trong môi trường ảo để trao đổi hàng hóa ảo”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới