Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bấp bênh kinh tế Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bấp bênh kinh tế Mỹ

TS Lê Hồng Giang

Tâm trạng lo âu về tương lai kinh tế Mỹ bao trùm các thị trường chứng khoán suốt tuần qua. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Nền kinh tế Mỹ trong vòng 15-18 tháng tới sẽ rất bấp bênh trong khi cả châu Âu và Nhật Bản đều phải đối đầu với nhiều khó khăn của bản thân các nền kinh tế này sẽ là một sự kết hợp (combination) tồi tệ cho kinh tế thế giới. Các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nghiệp Việt Nam nên có sự chuẩn bị cần thiết.

Thứ Hai tuần trước (8/8) chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ mất 6.66%. Một số nhà bình luận cho rằng, đây là hậu quả của việc Standard and Poor’s hạ mức tín nhiệm nợ công của Mỹ từ AAA xuống AA+ đêm thứ Sáu tuần trước. Tuy nhiên Paul Krugman, giáo sư kinh tế Đại học Princeton đã nhanh chóng chỉ ra điểm nghịch lý là nếu các nhà đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ của Mỹ thì tại sao giá trái phiếu chính phủ Mỹ lại tăng (lợi suất giảm) trong cùng ngày hôm đó?

Khó tránh khỏi suy thoái kép

Trên thực tế chứng khoán Mỹ và thế giới đã giảm liên tục từ vài tuần trước trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây ba năm. Paul Krugman cho rằng đây là bằng chứng cho thấy giới đầu tư lo ngại một cuộc suy thoái kép sắp sửa xảy ra chứ không phải rủi ro chính phủ Mỹ vỡ nợ.

Cũng trong hai ngày cuối tuần vừa rồi, Dow Jones Newswire đã làm một cuộc điều tra gần 50 nhà kinh tế và đầu tư tên tuổi như Nouriel Roubini, Josh Rosner, Jim Bianco, John Mauldin, Barry Ritholtz; hai phần ba trong số đó cho rằng xác suất suy thoái kép lớn hơn 50%. Tệ hại hơn, giới kinh tế lo ngại rằng trong lần suy thoái thứ hai này Trung Quốc và các nước mới nổi sẽ không còn là chỗ dựa cuối cùng cho nền kinh tế thế giới như hồi năm 2008-2009 được nữa. Trung Quốc đang đối mặt với mức lạm phát 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái cho nên ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế này là thắt chặt tiền tệ lẫn tài khóa để giảm nhiệt lạm phát.

Trong khi đó cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu càng ngày càng trầm trọng, bất chấp các nỗ lực giải cứu của các đầu tầu kinh tế Đức, Pháp và các tổ chức tài chính quốc tế. Đầu tuần này Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã buộc phải sử dụng công cụ cuối cùng là mua vào trái phiếu chính phủ của Ý và Tây Ban Nha để giúp các nước này tránh khỏi một vòng xoáy khủng hoảng (self fulfilling crisis). Tương lai của đồng euro chưa biết sẽ đi về đâu nhưng một điều chắc chắn là trong vài năm tới liên minh tiền tệ này khó có thể là đầu tầu cho nền kinh tế thế giới.

Thực ra kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu chựng lại từ đầu quí 2 sau khi vụ động đất và sóng thần ở Nhật Bản đẩy nền kinh tế Nhật quay lại suy thoái kỹ thuật (technical recession) với 2 quí tăng trưởng âm. Hàng loạt các chỉ số kinh tế dẫn trước (leading indicators) đã suy yếu và thị trường lao động bắt đầu mất đà hồi phục. Tăng trưởng quí 1 của Mỹ liên tục bị điều chỉnh xuống, từ 1,8% bây giờ còn 0,4%/năm.

Vì sao?

Những nhà kinh tế theo trường phái Keynes như Paul Krugman hay Brad DeLong cho rằng chính phủ Obama đã sai lầm khi không đưa ra một gói kích cầu đủ lớn. Trong khi đó giới tiền tệ (monetarism) như Scott Sumner, David Beckworth đổ tội cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không nới lỏng tiền tệ đủ mạnh nên GDP danh nghĩa (nominal GDP) đã giảm quá mạnh và không phục hồi kịp thời. Phe bảo thủ (John Taylor, John Cochrane, Raghuram Rajan) thì cho rằng vấn nạn của nền kinh tế Mỹ là cấu trúc lệch lạc (structural problem) nên kích cầu hay nới lỏng tiền tệ đều không có tác dụng. Giới tài chính, phần lớn chia sẻ quan điểm Keynesian của Krugman/DeLong, còn chỉ ra giá dầu và nguyên liệu thô tăng quá nhanh trong quí 1 đã có ảnh hưởng xấu đến túi tiền và tâm lý người tiêu dùng Mỹ.

Dẫu lý do là gì đi nữa, ngay trước khi chương trình nới lỏng định lượng lần thứ hai (QE 2) chấm dứt vào cuối tháng 6-2011, cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Fed đều đã điều chỉnh xuống dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong nửa sau năm 2011. Nhiều ngân hàng đầu tư (investment bank) lớn cũng đưa ra dự báo rất bi quan. Goldman Sachs đánh tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ gần 5% xuống 2% và cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục trên 9% trong 12 tháng tới. Bản thân giới tài chính cũng đi đầu trong một làn sóng mới sa thải nhân viên khi chỉ riêng 4 ngân hàng lớn đã tuyên bố cắt giảm 20.000 người. Theo Barclays Capital, tỷ lệ thất nghiệp U6 – nghĩa là tính cả những người chỉ làm bán thời gian – vượt 16% là một trở lực (headwind) lớn cho sự phục hồi của tổng cầu. Tỷ lệ thất nghiệp cao còn gây sức ép lên mặt bằng giá bất động sản vì giới ngân hàng không mặn mà với việc cho vay mua bất động sản, chỉ số cho vay bất động MBA đã rớt gần 30% từ đỉnh vào cuối năm ngoái. Robert Shiller – giáo sư kinh tế Đại học Yale và là đồng tác giả của chỉ số giá nhà Case-Shiller Index – cho rằng giá nhà đất Mỹ sẽ còn phải giảm thêm 10% nữa. Chừng nào giá nhà đất Mỹ chưa phục hồi thì thị trường này còn trì kéo nền kinh tế Mỹ từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Không còn công cụ kích thích kinh tế

Một điều đáng lo ngại là nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng kép từ giờ cho tới cuối năm 2012, cả Nhà Trắng và Fed đều rất khó đưa ra được một chính sách tài khóa hay tiền tệ mạnh để kích thích kinh tế.

Cú hạ mức tín nhiệm nợ công của S&P vừa rồi sẽ giúp giới chính trị gia cực hữu có thêm lập luận ngăn cản những gói kích cầu mới cho dù lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có tiếp tục thấp như hiện tại. Thỏa thuận để nâng trần nợ công trong tuần trước cũng là một ràng buộc đáng kể về mặt tài khóa với chính phủ Obama. Nhiều nhà bình luận cho rằng ông Obama đã quá non tay so với phe Cộng hòa nên nhiều khả năng sẽ không lật ngược được mức giảm thuế thu nhập cá nhân cho giới thu nhập cao từ thời Tổng thống Bush trong khi vẫn phải cam kết thu hẹp thâm hụt ngân sách. Mặc dù nhiều nhà kinh tế chỉ ra tấm gương thắt chặt ngân sách của châu Âu đã thất bại, đa số cho rằng chính phủ Obama với những ràng buộc chính trị sẽ không thể đưa ra một gói kích cầu tài khóa đáng kể nào nữa cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2012.

Về phía Fed, hai đợt QE đã không thể chứng minh được tác động tích cực của chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm khôi phục tăng trưởng khi nền kinh tế bị rơi vào bẫy thanh khoản. Chỉ mới tháng trước, Chủ tịch Fed, Ben Bernanke, còn tuyên bố rằng QE 2 phát huy tác dụng qua kênh chứng khoán, trong tuần đầu tiên của tháng 8/2011 chỉ số S&P 500 đã quay về mức trước QE 2. Kỳ vọng lạm phát tiếp tục suy giảm cũng là bằng chứng cho thấy QE không đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu.

Đã có một số cảnh báo một kịch bản thiểu phát giống Nhật sẽ xảy ra ở Mỹ bất chấp mọi nỗ lực bơm tiền của Fed. Không chỉ có vậy, việc đảng Cộng hòa và nhất là những chính trị gia cực hữu như Ron Paul giành được quyền kiểm soát tiểu ban phụ trách vấn đề tài chính tiền tệ của Quốc hội Mỹ sẽ là một trở ngại quan trọng cho bất kỳ chính sách nới lỏng tiền tệ nào khác. Ngay cả việc chính phủ Obama thất bại khi đề cử Peter Diamond, giáo sư kinh tế Học viện Công nghệ Massachussetts (MIT) vừa được giải Nobel kinh tế, vào ban lãnh đạo Fed cũng cho thấy trở ngại chính trị sẽ vô cùng lớn cho các hoạt động của Fed trong thời gian tới.

Ảnh hưởng đến thế giới và Việt Nam

Với những rủi ro và trở ngại nói trên, tương lai nền kinh tế Mỹ trong vòng 15-18 tháng tới sẽ rất bấp bênh và không phải không có lý khi 2/3 số các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò đã cho rằng khả năng suy thoái kép là 50/50. Mỹ suy thoái trong khi cả châu Âu và Nhật Bản đều phải đối đầu với nhiều khó khăn của bản thân các nền kinh tế này sẽ là một sự kết hợp (combination) tồi tệ cho kinh tế thế giới.

Việt Nam với cơ cấu xuất nhập khẩu lớn hơn 150% GDP sẽ chịu tác động trực tiếp từ cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu này. Có thể sức ép lạm phát sẽ giảm như giai đoạn cuối năm 2008 kéo mặt bằng lãi suất giảm theo. Tuy nhiên khu vực doanh nghiệp đã suy yếu nhiều trong thời gian qua sẽ phải đối mặt với tổng cầu giảm sút và sức ép cạnh tranh mạnh từ bên ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối có thể cũng suy giảm dẫn đến sức ép mới lên tỷ giá và cán cân thanh toán. Những bất ổn trên thị trường vàng sẽ tiếp tục làm đau đầu Ngân hàng Nhà nước trong khi thị trường chứng khoán èo uột sẽ làm chậm lại tiến trình cổ phần hóa. Tất nhiên phương án xấu nhất này có thể không xảy ra, nhưng các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nghiệp Việt Nam nên có sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới