Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Barack Obama trước phút đăng quang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Barack Obama trước phút đăng quang

Ông Obama (bên phải) trên đài ABC sáng Chủ nhật 11-1 vừa qua.

(TBKTSG) – Gần một tuần lễ nữa ông Barack Obama mới nhậm chức tổng thống thứ 44 của Mỹ nhưng trong những ngày này người ta thấy ông xuất hiện khắp nơi: trên truyền hình, phát thanh, trên đồi Capitol, trên trang video YouTube…

Tận dụng những kỹ thuật vận động mà ông từng dùng trong thời gian tranh cử và học tập từ những tổng thống tiền nhiệm để tìm cách uốn nắn thái độ của công chúng đối với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Ôn cố, tri tân

Trong lịch sử nước Mỹ, có lẽ tổng thống thứ 32 Franklin Delano Roosevelt (1882-1945) là người có hoàn cảnh gần với ông Barack Obama nhất: nhậm chức vào lúc nền kinh tế Mỹ rơi xuống đáy. Vì thế, ông Obama đang tích cực nghiên cứu cách thức Tổng thống F.D. Roosevelt điều hành đất nước trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, đặc biệt là học cách ông Roosevelt “đối thoại với người dân” để chuẩn bị chính sách. Thậm chí, theo các cố vấn, ông Obama còn ghi nhớ những từ ngữ mà Tổng thống Roosevelt dùng, cả ngữ điệu khi nói ra những từ đó.

Những ngày này, dù hết sức bận rộn, ông Obama vẫn dành thời gian nghiền ngẫm cuốn sách “The Defining Moment” của Jonathan Atler viết về Tổng thống F.D. Roosevelt và cuộc Đại Suy thoái thập niên 1930.

Ngoài ra, chính ông Obama thừa nhận trong buổi phỏng vấn truyền hình hôm Chủ nhật 11-1 rằng, ông đang đọc lại các bài diễn văn của Tổng thống A. Lincoln để chuẩn bị bài diễn văn nhậm chức của mình.

Nhưng không chỉ hướng về quá khứ, ông Obama và đội ngũ chuyên gia đang tận dụng những kỹ thuật truyền thông hiện đại để giao tiếp với dân chúng và vận động sự ủng hộ.

Bộ máy của ông đã gửi tới cử tri và đưa lên trang YouTube những đoạn phim ngắn tường thuật những cuộc thảo luận của các bộ óc kinh tế trong chính phủ về các chi tiết của kế hoạch kích cầu.

Là chuyên gia về vận động quần chúng, kinh nghiệm của ông Obama cho thấy, sử dụng các chuyên gia đầu ngành – có những tên tuổi rất xa lạ với người dân bình thường – để trình bày một cách dễ hiểu những vấn đề kinh tế phức tạp thì dễ thuyết phục công chúng hơn là đưa ra những gương mặt chính trị gia quen thuộc.

Ông Obama cũng cố tránh vết xe đổ mà Tổng thống George Bush đi năm ngoái, khi ông Bush không giải thích cho công chúng một cách đầy đủ kế hoạch cứu nguy tài chính trị giá 700 tỉ đô la mà chính phủ đưa ra sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân thường; khiến cho đa số dân Mỹ nhanh chóng chống lại nó.

Ông Obama đã dành phần lớn cuộc phỏng vấn 30 phút trong chương trình “Tuần này” của Đài Truyền hình ABC hôm Chủ nhật 11-1 để trực tiếp trình bày kế hoạch kích thích kinh tế – gửi tới người dân Mỹ thông điệp “điều cấp thiết là phải chặn đứng và đảo ngược xu thế suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế”.

Bộ máy hành chính mới của ông cũng đã bắt đầu báo cáo trước công chúng những mục tiêu hết sức cụ thể của kế hoạch, chi tiết đến mức có bao nhiêu phòng học sẽ được hiện đại hóa, bao nhiêu cây cầu sẽ được xây dựng hoặc nâng cấp…

Giữ thăng bằng

Nhưng cái khó của ông là làm sao giữ được sự thăng bằng: ông phải nhấn mạnh đến độ nghiêm trọng của tình hình, nhấn mạnh vào tính cấp bách để buộc Quốc hội Mỹ phải hành động nhanh chóng; nhưng đồng thời ông không được tỏ thái độ bi quan có thể gây bất ổn thêm nữa thị trường tài chính đang hết sức hỗn loạn hoặc làm cạn kiệt nguồn kỳ vọng mà người dân tin tưởng đặt vào lá phiếu bầu ông lên làm tổng thống.

Các cố vấn thân cận tiết lộ rằng trong ba tuần lễ tới, ông Obama sẽ dành hầu hết thời gian cho các cuộc phỏng vấn, đọc diễn văn, họp báo và một vài chuyến đi rất hạn chế để vận động sự ủng hộ của dân chúng cho kế hoạch kinh tế. Mục tiêu chính trị của ông lúc này là làm sao nhanh chóng giành được sự hậu thuẫn của cả hai đảng trong Quốc hội đồng thời làm giảm sự kỳ vọng của dân chúng rằng kế hoạch sẽ nhanh chóng tạo ra sự thay đổi trong đời sống kinh tế.

“Cần phải có thời gian để sửa chữa sai lầm. Nhưng điều mà chúng ta làm để thúc đẩy kế hoạch kinh tế là hãy hành động táo bạo, hành động nhanh chóng. Mục tiêu của chúng ta không chỉ là vực dậy nền kinh tế, tạo ra 3 triệu việc làm mới mà còn phải thanh toán một số vấn đề về cơ cấu trong nền kinh tế của chúng ta”, ông Obama nói.

Trước khi đăng quang, ông Obama có lợi thế là có thể thúc đẩy các giải pháp mà không phải chịu trách nhiệm chính trị về tình trạng tồi tệ ngày càng tăng của nền kinh tế. Nhưng cho dù ông có thể dựa vào lòng kiên nhẫn của nhân dân Mỹ, ngay sau ngày nhậm chức ông phải gánh lấy trách nhiệm về việc chính sách của ông có mang lại được sự cải thiện cụ thể hay không. Và trong thời gian đó, ông sẽ phải đối mặt với yêu cầu nuôi dưỡng niềm khát vọng của nhân dân sao cho nó không rơi vào trạng thái tiêu cực.

Xây dựng sự đồng thuận

Gần như chắc chắn rằng ông Obama sẽ giành được sự ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ để thông qua gói kích cầu rất tốn kém của mình. Câu hỏi đặt ra là liệu ông có thể thu hút đủ số phiếu của các nghị sĩ Cộng hòa để biến kế hoạch phục hồi kinh tế này thành “thành quả” của cả hệ thống chính trị Mỹ, đặt nền tảng cho sự hợp tác giải quyết những vấn đề lớn lao hơn trong tương lai – như chính sách năng lượng và khí hậu, cải cách y tế, giáo dục chẳng hạn – và để tránh tình trạng các đảng đổ tội cho nhau nếu chẳng may kế hoạch không đạt được kết quả mong muốn.

Ở cơ sở, những người ủng hộ ông Barack Obama đang nỗ lực hết sức để gây dựng sự đồng thuận đó. Brad Woodhouse, một nhà chiến lược của đảng Dân chủ, đã tập hợp được 25 tổ chức dân sự đồng tình hậu thuẫn cho kế hoạch phục hồi kinh tế của tân tổng thống, trong đó có những tổ chức có rất đông thành viên như Liên đoàn công chức cấp thành phố, tiểu bang và liên bang Mỹ.

Ông Woodhouse nói rằng, nhóm của ông đang quyên góp tiền bạc để thực hiện những chương trình quảng cáo trên truyền hình, từ đó gây áp lực lên các hội đồng lập pháp địa phương, buộc họ phải ủng hộ. “Chúng tôi làm những việc này với ý tưởng rằng, nếu chúng tôi chia sẻ được phần nào, dù nhỏ, trách nhiệm với tổng thống thì đó cũng là điều đáng quý”, ông Woodhouse nói.

Giới trí thức Mỹ cũng có kỳ vọng tương tự. Giáo sư William E. Leuchtenburg, giáo sư danh dự môn lịch sử trường Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill và là chuyên gia hàng đầu về tổng thống F.D. Roosevelt, nhận xét: “Mọi người đang chờ đợi bài diễn văn nhậm chức của ông Obama; ông ấy sẽ nói gì về cách giải quyết cuộc khủng hoảng. Liệu ông ấy có thể bảo đảm tình hình sẽ được cải thiện một cách đáng kể sau một thời gian nhất định hay không. Nếu ông ấy có khả năng khơi dậy trong người dân Mỹ niềm tin vào chính phủ và vào bản thân ông, nếu ông ấy tiến lên – công bố những sáng kiến vừa táo bạo vừa khả thi… thì ông ấy cũng sẽ giống như Tổng thống F.D. Roosevelt, có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử”.

HUỲNH HOA (theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới